Đến nội dung

Hình ảnh

Tư vấn trực tuyến trên Thanhnienonline - Ung thư đại trực tràng


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
7 Trả lời cho chủ đề này

#4 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 20 Tháng 5 2013 - 02:15 PM

Tôi bị viêm đại tràng mãn tính, năm ngoái có đi nội soi phát hiện 1 polip không cuống ở đại tràng xích ma. Bác sỹ nói polip ở đó không đáng lo, có sống đến 90 tuổi cũng chưa chuyển thành ung thư, không phải cắt. Tôi yên tâm ra về nhưng xin hỏi điều đó có đúng hoàn toàn không?

Đỗ Thị Nguyệt

Chào Bác sĩ! Năm 2006 tui có nội soi đại tràng và đã cắt đốt polyp 1cm, giải phẫu bệnh kết luận bình thường, sau đó 6 tháng tui đi tiêu ra máu đi khám BS cho nội soi, có Polyp 0.2cm, nghịch sản, BS chuyển tui qua BV bình dân, ở đây BS cho nội soi kiểm tra lại thì bình thường (KL: kích thích nhu động ruột), 4 tháng sau kiểm tra lại, bình thường (KL: kích thích nhu động ruột); 4 tháng kiểm tra lại, bình thường (KL: kích thích nhu động ruột) và 1 năm sau lại kiểm tra bình thường (KL: kích thích nhu động ruột). nay hai năm rồi tui chưa nội soi lại (tui hay bị bệnh đường ruột: đau bụng, đi tiêu 2,3 lần/1 ngày. Vậy BS cho tui hỏi: 1. Tui có cần nội soi lại? 2.Chi phí nội soi thường ở phòng khám của BS bao nhiêu tiền? Cám ơn Bác sĩ

Phạm Xuân Đông

Tôi hay bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng nhiều năm nay, lúc bị táo bón, lúc tiêu chảy, bụng đầy hơi. Năm 2012 tôi có đến phòng khám tư nhân ở Huế nội soi đại tràng 2 lần; lần đầu bác sỹ ghi có polyp, lần thứ 2 không thấy ghi; cả 2 lần soi đều ghi viêm đại tràng và phải uống thuốc do BS kê đơn. Hiện nay, đại tiện chưa tốt lắm nhưng không thấy đạu bụng. Xin hỏi bác sỹ tôi có nên tiếp tục nội soi đại tràng để đề phòng bệnh không ?

Trần Hải

Chào các Bác sĩ, tôi xin hỏi: Năm 2007, tôi co nội soi va phát hiện polyp. BS đã cắt ngay polyp, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm không có vấn đề gì. Bác sĩ hiện 06 tháng nọi soi lại nhưng do điều kiện nên đến nay tôi chưa tiến hành nội soi lại. Vậy, xin hỏi các bác sĩ tôi có thể có những nguy co gì không

Văn Lương

Tôi đã cắt polyp đại tràng được hơn 7 tháng và chưa có biểu hiện gì. Không biết có thể bị tái không?

Văn Lâm

Xin hỏi BS Hỷ nếu tôi đã cắt Polyp được 2 năm, 60 tuổi, trước lúc cắt đã nội soi toàn phần đại tràng, vậy nếu tiếp tục bị tiêu chảy, thì có tiếp tục nội soi toàn phần? Xin cảm ơn.

Quốc Bình

TRẢ LỜI :
Các câu hỏi trên đều liên quan tới polyp đại tràng.
Xin nhắc lại vài điều quan trọng :
1) Các triệu chứng, như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, chảy máu, trong đại đa số trường hợp không liên quan gì đến polyp đại tràng. Rất hiếm khi polyp gây chảy máu hoặc tắc ruột, nhưng khi đó thì nó thường đã trở thành ung thư rồi.
2) Chỉ có 10% polyp đại tràng là polyp tuyến (adenoma), nhưng polyp tuyến có khả năng phát triển thành loạn sản rồi ung thư (adenocarcinoma), và đại đa số ung thư khởi đầu bằng polyp tuyến.
3) Do đó, tầm soát, phát hiện và cắt bỏ polyp là phương pháp hay nhất để phòng ngừa ung thư ĐTT. Và phương pháp phòng ngừa hay nhất hiện nay là nội soi đại tràng.
- Cô Nguyệt, BS đã phát hiện ra polyp sigma của Cô có sinh thiết nó không ? Nếu polyp nhỏ và kết quả giải phẫu bệnh là polyp tăng sản (hyperplastic), thì quả thật không cần phải cắt bỏ. Nhưng nếu là polyp tuyến (adenoma), thì phải cắt bỏ để một ngày kia không trở thành ung thư.
- Bạn Xuân Đông, nếu bạn có polyp tuyến (?) vào tuổi 36, thì là khá sớm đó. Bạn nên khuyên các người thân độ 1 tầm soát polyp bằng nội soi đại tràng, cũng bắt đầu từ tuổi đó. Bạn đã được theo dõi kỹ lưỡng rồi, chỉ cần kiểm tra là mỗi lần đã soi toàn phần đại tràng và sửa soạn thật sạch. Bây giờ nếu soi lại 3 năm sau không thấy gì, thì để cách 5 năm nữa cũng được.
- Bạn Trần Hải, cần làm lại nội soi hay không không phải do các triệu chứng của bạn, mà là do polyp đã cắt chưa và giải phẫu bệnh ra sao, BS đã dặn dò bạn gì sau khi làm nội soi 2 lần trước. Về « viêm đại tràng » thì tôi sẽ nói sau.
- Bạn Văn Lương, đọc các dòng trên chắc bạn đã hiểu tôi không đủ dữ kiện để tư vấn cho bạn. Bạn nên đi khám lại BS đã cắt polyp cho bạn, vì 6 năm đã qua rồi đấy.
- Bạn Văn Lâm, bạn cũng nên nghe lời khuyên của BS đã cắt polyp cho bạn, để biết rõ bao giờ phải kiểm tra lại.
- Bạn Quốc Bình: cũng vậy, tiêu chảy không phải là lý do làm nội soi lại, mà là cái polyp đã cắt bỏ. Tùy khả năng tái phát của nó mà phải kiểm tra lại gần hơn (6 tháng, 1 năm) hay xa hơn (5, 10 năm). Bạn nên hỏi lại BS đã cắt polyp cho bạn.

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Xin bác sĩ cho biết viêm đại tràng có phải sẽ dẫn đến ung thư đại tràng không ạ?

Thi Ca

Tôi bị viêm đại tràng đã nhiều năm. 5 năm trước đã nội soi. Xin hỏi như vậy bây giờ tôi có cần nội soi không? Cảm ơn bác sĩ

Nam Nhi

Xin hỏi BS Hỷ tôi bị viêm đại tràng mãn từ hơn 10 năm. Hiện nay tôi đã 55 tuổi. bệnh tình ngày càng tiến triển nặng. Mỗi ngày tôi đều đi cầu ra máu, bụng đau lâm râm, đã khám tại y dươc. Bs nói rằng bệnh tôi ở nước ngoài trị được, nhưng Việt Nam chưa có điều kiện, vậy tôi phải làm sao? Xin Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho biết, cảm ơn.

Quang Hà


TRẢ LỜI :
Các câu hỏi trên liên quan tới viêm đại tràng mạn tính.
- Phải nói rằng đa số các trường hợp chẩn đoán là « viêm đại tràng mạn tính » KHÔNG phải là bệnh VIÊM thực sự, tức là không có hiện tượng viêm đứng về mặt giải phẫu bệnh.
Đa số chỉ là « bệnh chức năng đại tràng » (colopathie fonctionnelle) còn gọi là « hội chứng kích thích ruột » (irritable bowel syndrome), rất thông thường và không có gì đáng ngại.
- Chỉ có một số rất nhỏ bị bệnh viêm đại tràng mạn tính thực sự, phân chia ra làm 2 bệnh : bệnh viêm loét đại tràng mạn tính (ulcerous colitis) và bệnh Crohn, cả hai rất hiếm ở VN, tiến triển từng đợt và điều trị bằng thuốc chống viêm (5-ASA., corticoid), đôi khi thuốc phức tạp như giảm miễn dịch, chống TNF alpha… (nhưng tôi tin rằng chữa được ở VN). Bệnh này sau một thời gian tiến triển khá lâu (15-20 năm, có thể đưa tới loạn sản và ung thư đại tràng, cho nên thuộc vào nguy cơ cao và cần được theo dõi và tầm soát bằng nội soi.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mẹ em bị ung thư vú giai đoạn 2 và đã hóa trị, xạ trị, vậy có thể uống nấm linh chi được không? Sau khi hóa trị, xạ trị mẹ em vẫn đi làm bình thường, vậy có được không?

Thanh Phương

Xin bác sĩ cho biết thực phẩm biến đổi gien có gây ung thư? Nên dùng thực phẩm chức năng cho người cao tuổi không

kim Hiền

TRẢ LỜI :
Tuy câu hỏi này không liên quan trực tiếp tới đề tài, nhưng tôi cũng xin nói là hiện nay, với những hiểu biết khoa học mới nhất :
- Không có bằng chứng nào các thực phẩm biến đổi gien (như ngô bắp, v.v.) gây ung thư. Nếu một ngày kia chúng được chứng minh gây ung thư thì chắc chắn sẽ bị cấm dùng trên thế giới.
- Cũng không có bằng chứng nào các thực phẩm « chức năng » (như sâm, nấm linh chi, v.v.) điều trị được ung thư (tức là làm giảm tử vong do ung thư). Hiện nay có rất nhiều sản phẩm « tự nhiên » được quảng cáo rầm rộ, và dùng để làm tiền trên sự cả tin của bệnh nhân.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Mẹ tôi nay đã 86 tuổi, bị u trực tràng, đã phẫu thuật cắt u và nối hậu môn được nửa tháng. Sau phẫu thuật xong, lúc đi ngoài má không kiểm soát được, sau khi ăn là đi ngoài ngay hoặc nghỉ chừng nửa tiếng là phải đi ngoài. Má bảo đi tiểu có triệu chứng bị tức nơi bàng quang và phải cúi người xuống mới đi tiểu được. Xin hỏi các bác sĩ như vậy có nguy hiểm không?

Văn Minh

TRẢ LỜI :
Bạn nên đưa mẹ đi khám lại BS đã phẫu thuật cụ. Có thể là vấn đề rối loạn khi đi cầu hay đi tiểu là do phản ứng phụ sau khi mổ, nhưng ở tuổi 86, qua được một đại phẫu như mổ cắt u trực tràng đã là tốt lắm rồi.

Mẹ tôi năm nay 70 tuổi, chẩn đoán bị ung thư trực tràng nhưng thể trạng mẹ tôi hiện chỉ có 38 kg và bác sĩ nói không đủ sức khoẻ để mổ. Vậy tôi xin hỏi là nếu không mổ thì có sao không? Và có cần dùng thuốc hỗ trợ gì không? Xin Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho biết, cảm ơn.

Phương Na

TRẢ LỜI :
Nếu BS nói mẹ bạn không đủ sức khoẻ để mổ (chắc là sau khi hội chẩn với BS gây mê), thì đành phải chịu vậy. Nếu không mổ thì khối u sẽ tiếp tục phát triển, và chỉ còn cách điều trị triệu chứng và tạm thời. Bạn thử hỏi BS xem kết hợp xạ trị và hóa trị có được không (nhưng có nguy cơ sẽ có nhiều phản ứng phụ). Ngoài ra không có thuốc hỗ trợ nào hữu hiệu.
Tôi đi khám ơ BV ung bướu và BS nói tôi bị K trực tràng T3N1MO0 đã được cắt đoạn đại trực tràng – xạ trị 6/2012. Tôi muốn hỏi khả năng tái phát và cách phòng ngừa? Xin Giáo sư - bác sĩ Trịnh Đình Hỷ cho biết, cảm ơn.

Phương Trang

TRẢ LỜI :
Nếu tôi không lầm, bạn bị K trực tràng rất sớm (39 tuổi). Theo tôi, bạn nên khuyên các người thân độ 1 (cha mẹ, anh chị em ruột, con) tầm soát polyp bằng nội soi đại tràng, bắt đầu từ 35 tuổi. Giai đoạn xâm lấn của K trực tràng này khá xa trong thành ruột (T3), nhưng di căn hạch rất gần (N1) và không có di căn tạng (M0); cắt hết rồi và bổ túc bằng xạ trị. Như vậy tiên lượng rất tốt. Tuy nhiên, vẫn phải theo dõi kỹ lưỡng bằng kiểm tra định kỳ, theo chỉ định của BS đã điều trị cho bạn.

khong co trieu chung ve phoi hay dai trang, khi thu CEA la 7.4.sau do bo thuoc la 30 ngay thu lai con 6.4.nhu vay CEAtang co phai do hut thuoc khong?


TRẢ LỜI :
Hiện nay CEA không dùng để tầm soát và phát hiện ung thư (vì khi CEA cao thì ung thư đã xâm lấn, di căn rồi), mà chỉ dùng để theo dõi sau khi điều trị : trên nguyên tắc, nó phải giảm xuống sau khi cắt bỏ ung thư, và tăng lên khi tái phát.

Xin hỏi BS Hỷ tầm soát viêm nang đại tràng có tác hại hay phản ứng phụ không? Tầm soát viêm nang có kết hợp cắt Polup luôn không? xin cảm ơn.

Thanh Thanh

TRẢ LỜI :
Có thể trong tương lai nội soi viên nang đại tràng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tầm soát polyp và ung thư đại tràng. Nhưng hiện nay phương pháp này (rất đắt tiền) mới ở trong giai đoạn nghiên cứu và chưa được chủ trương bởi các hội đoàn nội soi thế giới. Phản ứng phụ duy nhất là tắc ruột khi gặp phải một đoạn hẹp hồi tràng (trong bệnh Crohn), phải loại trừ trước khi dùng. Nhưng viên nang không thể nào cắt polyp được, cho nên vẫn phải làm nội soi đại tràng sau đó, nếu phát hiện ra polyp.

Thưa giáo sư Hỷ, giáo sư có trực tiếp nội soi cho bệnh nhân tại phòng khám Yersin không? Tôi có thể dặt hẹn để được giáo sư nội soi hay không? Tôi từng nội soi rồi nhưng không tin tưởng làm vào kết quả nội soi này.
TRẢ LỜI :
Rất tiếc, tôi chỉ là Cố vấn chuyên môn của phòng khám thôi. Phần lớn thời gian tôi ở Pháp, và tôi cũng không có giấy phép hành nghề tại VN. Tuy nhiên, tôi vẫn cộng tác thường xuyên qua Internet với các BS nội soi ở đây và tôi hoàn toàn tin tưởng ở họ.

#5 Guest_Bé_*

Guest_Bé_*
  • Guests

Đã gửi 01 Tháng 7 2013 - 03:13 AM

Chào giáo sư ạ. Cho cháu hỏi giáo sư. Cháu bị k trực tràng năm 21tuoi. Đã xạ trị , sau đó phẫu thuật dùng hậu môn nhân tạo. Và cuối cùng là hoá chất 4 lần . Cháu đã điều trị được 2 năm.khám đính kì sk vẫn bt. Giáo sư cho cháu hỏi vậy "sức khoẻ của cháu có thể sống đc thêm bn năm ? "Thắc mắc thứ 2 của cháu là."bệnh của cháu như vậy có khả năng sinh con được k ạ " ??? Và thắc mắc thứ 3 là " Sao một số bệnh như não. Hay tim. Gan. Và chân tay khác ngta có thể chữa đc hay dùng đinh ốc trong y tế để nối, kẹp hay định vị ....còn bệnh k trực tràng lại k đc ạ ? Ví dụ như k trực tràng thấp như cháu ?? Khi cắt bỏ phần u ác tính sao k thể dùng 1 đường ống nhân tạo nào đó thay cho đoạn ruột bị cắt và nối lại, thì sẽ k phải dùng hậu môn nhân tạo nữa???. Và cháu muốn hỏi trên thế giới có nước nào có thể làm lại hậu môn cho người bị bệnh k trực tràng đã cắt cụt chưa ạ ?" . Dùng hậu môn nhân tạo sẽ rất hạn chế trong việc sinh hoạt trong cuộc sống. Rất bất tiện và hạn chế tất cả mọi việc tuy nhiên cháu cũng quen rồi và hy vọng 1 ngày nào đó y học sẽ tìm được ra cách chữa trị bệnh này. Cháu còn rất trẻ và còn nhiều hoài bão ước mơ, nên cháu luôn muốn tìm tòi để chữa trị bệnh của mình mong giáo sư giúp đỡ. " cho cháu đc giấu tên. Gọi cháu là " Bé " đc rồi ạ .cháu Cám ơn giáo sư

#6 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 02 Tháng 7 2013 - 01:18 PM

Gửi anh “Bé”,

Những trường hợp ung thư trực tràng vào tuổi trẻ như anh rất hiếm, tuy nhiên đã có những bệnh nhân còn trẻ hơn anh nữa bị bệnh này.

- Câu hỏi đầu tiên của anh về hi vọng sống bao nhiêu năm sau khi điều trị, tức là cắt bỏ trực tràng-hậu môn, xạ trị và hóa trị, thì chỉ có thể trả lời được khi biết rõ kết quả giải phẫu bệnh, tức là độ xâm lấn thành trực tràng, độ di căn hạch và di căn xa (theo cách xếp loại gọi là TNM).
Nói chung hi vọng sống càng lâu khi độ xâm lấn và di căn càng thấp.
Điều quan trọng và thực tế nhất là sự theo dõi đều đặn, theo định kỳ bởi BS điều trị. Nếu khám định kỳ thấy không có vấn đề gì, không có dấu hiệu tái phát hoặc di căn thì anh cứ yên trí, không lo ngại gì.

- Câu hỏi thứ hai là có khả năng sinh con không, thì tôi có thể trả lời chắc chắn là có, vì trực tràng và các bộ phận sinh dục không có liên quan gì đến nhau, ngoại trừ trong khi mổ nạo hạch bị tổn thương các dây thần kinh vùng chậu làm giảm sự ham muốn tình dục, hoặc bị tác dụng phụ nặng của xạ trị. Anh có thể làm xét nghiệm tinh trùng tại một phòng khám chuyên môn, thì sẽ biết ngay khả năng sinh con của mình.

- Câu hỏi thứ ba là tại sao bệnh xương có thể điều trị được bằng đinh, ốc, (háng, đầu gối nhân tạo, v.v.), mà bệnh ung thư lại không; thì phải nói rằng hiện nay măc đầu đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới và cũng đã có rất nhiều bước tiến về điều trị, nhưng người ta vẫn chưa biết rõ nguồn gốc của bệnh ung thư, tức là tại sao một tế bào bình thường bỗng nhiên trở thành ung thư, với một sự tăng trưởng không kiểm soát nổi. Vì vậy cho nên hiện nay người ta chỉ biết điều trị bằng cách cắt bỏ khối u, nạo hạch và làm thêm xạ trị, hoá trị khi có chỉ định. Diệt được hết tế bào ung thư thì là khỏi, mà không diệt được hết thì có thể bị tái phát bệnh. Trong khi điều trị bệnh xương thì hoặc là thất bại, hoặc là thành công hẳn, không sợ bị tái phát bởi tế bào ung thư.

- Câu hỏi thứ tư là về mổ cắt bỏ trực tràng-hậu môn và những bất tiện của hậu môn nhân tạo.
Trong ung thư trực tràng, thì trừ một số rất ít trường hợp chẩn đoán sớm, khối u chưa xâm lấn, có thể cắt bỏ bằng phương pháp cắt niêm mạc bằng nội soi, thì đa số trường hợp phải mổ và cắt trực tràng ít nhất là 2 cm dưới khối u, cùng với màng treo đại tràng. Nếu khối u ở trực tràng đoạn trên hoặc đoạn giữa thì có thể giữ được cơ vòng hậu môn. Và khi đoạn trực tràng còn lại rất ngắn, thì có thể phải làm một cái túi (pouch)bằng một đoạn hồi tràng để phân có chỗ tụ lại, không bắt đi cầu nhiều lần trong ngày.

Nhưng nếu ung thư ở đoạn dưới, như trường hợp của anh “Bé”, thì có thể không giữ được cơ vòng hậu môn, và phải bắt buộc cắt bỏ trực tràng + hậu môn, tức là một cuộc phẫu thuật lớn đưa tới hậu môn nhân tạo vĩnh viễn.
Vĩnh viễn có nghĩa là không bao giờ đi cầu lại được bằng đường tự nhiên, vì không còn hậu môn và cơ vòng của nó nữa.
Hậu môn gọi là “nhân tạo” nhưng thật ra chỉ là cuối đại tràng mở ra da. Cái bất tiện là phải đeo một cái túi đựng phân ở bụng dưới bên trái, và thay đổi túi mỗi ngày. Tuy nhiên, nhìn ngoài không thấy, không có mùi hôi, mọi sinh hoạt đều có thể bình thường, sinh dục, thể thao, thậm chí bơi lội cũng không có vấn đề gì. Cái chính là về tâm lý, mình có quen chịu được nó hay không.

Nếu nghĩ rằng đó là cái giá phải trả để ung thư được cắt bỏ hoàn toàn, để mình khỏi hẳn bệnh, và càng yên trí hơn khi đã thêm xạ trị và hóa trị, thì theo tôi anh “Bé” có thể vui vẻ chấp nhận được. Đó là cái mà người ta bây giờ thường chủ trương và gọi là “tư tưởng tích cực”.
Nhất là, như anh nói, anh còn trẻ, còn có thể mong đợi ở nhiều khám phá, nhiều bước tiến khoa học trong tương lai.

Chúc anh luôn luôn khoẻ mạnh và vững lòng tin.

TB: Nếu chưa làm, thì tôi khuyên gia đình độ 1 của anh (cha mẹ, anh chị em ruột) nên đi làm nội soi đại trực tràng để tầm soát ung thư và polyp.

GS Trịnh Đình Hỷ

Cố vấn chuyên môn Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin






0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi