Đến nội dung

Hình ảnh

Khám Sức Khỏe Định Kỳ. Khám Sao Cho Đúng?


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
Không có trả lời nào

#1 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 22 Tháng 11 2013 - 09:36 AM

Tầm quan trọng của việc khám sức khỏe định kỳ khỏi phải bàn, nhưng quan trọng hơn là khám sao cho đúng, tầm soát sao cho chuẩn?

 

Ung thư dạ dày là một bệnh khá phổ biến trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 15.000 ca mắc mới và là nguyên nhân dẫn đến tử vong cho khoảng 13.000 ca. Tỉ lệ tử vong do ung thư dạ dày ở nước ta cao gấp 4, 5 lần các nước lân cận. Điều đáng buồn là chỉ có khoảng  10% ca được phát hiện sớm.

Đây chỉ là một ví dụ cho một loại bệnh. Thông tin này có thể  làm bạn đọc bức xúc và ái ngại về chất lượng của hệ thống y tế nước ta, nhưng thật ra ít người nhận ra nguyên nhân sâu xa của nó hoàn toàn không phải do yếu tố chuyên môn và trình độ, mà do vấn đề nhận thức.

Khám bệnh và khám “khỏe”

Trước hết, có thể khẳng định ngay là không chỉ với chứng bệnh trên mà đối với hầu hết bệnh lý khác, người dân ta thường đến khám ở giai đoạn trễ khi mà các chọn lựa điều trị ít nhiều đã bị hạn chế và giảm tác dụng. Sự chậm trễ này bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ về việc khám bệnh. Trước giờ ta chỉ nghe nói đi khám bệnh chứ có bao giờ nghe đến đi khám… khỏe? Nhưng nếu đã khỏe thì cần gì phải đi khám?

Đối với người ngoài ngành y, trạng thái sức khỏe được định nghĩa khá đơn giản: bệnh có nghĩa là không khỏe, ngược lại khỏe có nghĩa là... không bệnh.  Khỏe thì đi làm, đi học; không khỏe thì đi khám, đó là một logic rất rõ ràng và dễ nhớ. Tuy nhiên, có một trạng thái khá đặc biệt và vô cùng quan trọng nhưng thường bị bỏ qua: có bệnh nhưng vẫn khỏe.

Trên thực tế, trừ những tai nạn theo kiểu trời ơi đất hỡi như cây đè hay xe đụng, phần lớn bệnh tật đều diễn biến qua hai giai đoạn: tiền lâm sàng và lâm sàng. Giai đoạn tiền lâm sàng tương ứng với thời kỳ các tác nhân gây bệnh đã xuất hiện và tiến triển theo chu kỳ của nó nhưng bệnh nhân hoàn toàn không có biểu hiện bên ngoài. Bệnh vẫn có thể nhận biết được nếu thực hiện các xét nghiệm tương ứng. Tùy theo loại bệnh mà thời gian này có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Đối với ba nhóm bệnh thường gặp nhất: bệnh ung thư, truyền nhiễm và rối loạn chuyển hóa, cách thể hiện của ba nhóm bệnh này gần tương tự nhau (xem bảng).

Không có một mốc cụ thể nào giữa giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng. Rất nhiều bệnh nhân vẫn cảm thấy mình rất khỏe nhưng qua xét nghiệm hoặc qua hỏi bệnh tỉ mỉ của bác sĩ, những triệu chứng nghiêm trọng mới lộ ra. Đó chính là ý nghĩa của việc khám khi “khỏe” .

Ý nghĩa của việc khám định kỳ

Như đã giải thích, việc khám “khỏe” là nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị hiệu quả hơn. Tuy nhiên khám thế nào là đủ và đúng? Đó là một câu hỏi khó vì những hướng dẫn không phù hợp sẽ dẫn đến sự tiêu phí tài nguyên y tế và của cải xã hội một cách nghiêm trọng. Dựa vào đặc tính bệnh lý của những bệnh thường gặp, người ta khuyến cáo việc khám sức khỏe định kỳ nên được thực hiện hằng năm, trừ khi có chỉ định đặc biệt cần theo dõi sát hơn.

Nội dung khám định kỳ có thể được kể tên tùy theo nhóm đối tượng khám. Có rất nhiều nhóm bệnh khác nhau nên việc tầm soát và thăm dò không thể nào đảm bảo 100%, chỉ giới hạn trong những bệnh thông thường và nguy hiểm nhất. Các gói khám kiểm tra định kỳ thường bao gồm việc khám nội tổng quát và phụ khoa, X-quang phổi, siêu âm bụng, điện tim, độ loãng xương, các xét nghiệm bao gồm công thức máu, nước tiểu, chức năng gan thận, các chất mỡ và cholesterol, acid uric và các xét nghiệm viêm gan.

Một số tầm soát ung thư phổ biến như tìm máu ẩn trong phân cho ung thư đường tiêu hóa và PAP cho ung thư cổ tử cung. Tất cả nội dung khám có thể thực hiện trong một buổi khám với chi phí phù hợp.

Một trong các trở ngại ngăn cản việc khám định kỳ là cảm giác “mất tiền vô ích” khi nhận được kết quả khám bình thường. Người được khám đôi khi không ý thức được nếu không thực hiện cuộc khám thì hai chữ “bình thường” kia không ai có thể dám chắc được. Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng, nhất là đối với tầng lớp lao động nghèo, là sợ tốn tiền.

Thật sự mà nói, chi phí cho một cuộc khám tổng quát tiêu chuẩn có khi không bằng một bữa nhậu với bạn bè, so với lợi ích mà nó mang lại thật không đáng để tiếc rẻ. Nói cho đầy đủ, hiện một số phòng khám chuyên “vẽ ra chuyện” hoặc có xu hướng lạm dụng xét nghiệm và kỹ thuật cao cũng khiến người ta e dè. Dù sao, có ý thức tìm hiểu và chọn lựa nghiêm túc một cơ sở hay bác sĩ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe cho bản thân và gia đình là một điều nên làm.

Ngoài ra, cần nhớ việc khám định kỳ là một quá trình chứ không phải một lần khám đơn độc. Vì thế cần chọn lựa những nơi có khả năng lưu trữ và theo dõi bệnh nhân ổn định thay vì phải đổi bác sĩ mỗi năm theo ý thích.

Thay đổi nhận thức của một xã hội không phải là điều dễ dàng. Song song với việc tuyên truyền và nâng cao trình độ dân trí, việc xây dựng một mạng lưới y tế cơ sở với các bác sĩ gia đình có thể thực hiện công tác quản lý và theo dõi sức khỏe hiệu quả là điều rất cần thiết. Hiện nay, những vấn đề này đã được nhận ra và đang được thay đổi dần. Tuy nhiên, để thúc đẩy quá trình này thì sự chung tay, chung sức của mỗi thành viên là điều không thể thiếu được.


BS. VÕ XUÂN QUANG - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

 

• Đối với bệnh ung thư: giai đoạn tiền lâm sàng thường kèm với giai đoạn sớm khi khối u phát triển tại chỗ. Đây là cơ hội vàng để bệnh nhân có thể được trị khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng. Ngược lại, khi khối u đã phát triển gây triệu chứng (gầy sút, suy nhược, kém ăn...) hay biến chứng (tắc nghẽn, chảy máu, di căn xa...) thì việc điều trị hoặc không khả thi, hoặc kèm với những di chứng nặng nề, chưa nói đến việc gia tăng chi phí đáng kể.

• Đối với bệnh truyền nhiễm: trừ những bệnh cấp tính, phần lớn các bệnh truyền nhiễm mãn tính có thời gian tiền lâm sàng rất lâu. Những căn bệnh của thời đại như nhiễm HIV, HBV, HCV có thể có giai đoạn tiền lâm sàng lên đến 5-10 năm. Người bệnh có thể trải qua thời gian ủ bệnh ban đầu vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, sau đó bệnh có thể tiến triển thầm lặng nhiều năm mà không biểu hiện ra ngoài. Một số ca có thể trở thành ký chủ mang mầm bệnh nhưng vẫn chung sống một cách hòa bình, nói cách khác: hoàn toàn khỏe mạnh.

• Đối với các bệnh rối loạn chuyển hóa thường gặp như tiểu đường, tăng lipid máu,  các bất thường về xét nghiệm có thể tìm thấy nhiều năm trước khi bệnh thể hiện ra bằng các biến chứng: bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh não…  

 

Y tế dự phòng và Y tế đối phó

Sự khác biệt giữa khám bệnh và khám “khỏe” phần nào đó nói lên trình độ nhận thức chung về chăm sóc sức khỏe của xã hội. Một khi các cá thể chỉ quan tâm đến sức khỏe của mình khi có chuyện xảy ra, dù là triệu chứng hay biến chứng, đó chính là quan điểm chăm sóc theo cách đối phó, hay nói cách khác là “nước đến chân mới nhảy”. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tỉ lệ thương tật và tử vong cao. Xét về lâu về dài, những sự mất mát về con người và của cải là không thể tính hết được.

Ở các nước phát triển, quan điểm y tế dự phòng đã được thực hiện bài bản từ hàng chục năm nay. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm là một phần bắt buộc trong chính sách của mọi nhà bảo hiểm y tế. Những chương trình tầm soát ung thư, đánh giá nguy cơ tim mạch, kiểm tra các rối loạn chuyển hóa... không còn là những khái niệm cao xa mà thật sự đi vào ý thức của mỗi người dân. Nhờ vậy, các bệnh lý được phát hiện và điều chỉnh rất sớm, góp phần cải thiện tiên lượng của bệnh và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Y tế dự phòng cũng không phải là điều gì mới lạ ở ta. Mỗi thành phố, quận huyện đều có những trung tâm y tế dự phòng với những bộ phận chuyên trách về sức khỏe cộng đồng, an toàn dinh dưỡng, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, theo dõi bệnh nghề nghiệp... Nhưng đáng tiếc phần đông vẫn quen với cách nghĩ bệnh nhẹ thì đi phòng mạch, bệnh nặng đi bệnh viện. Do đó những con số đau lòng có lẽ vẫn sẽ còn tồn tại trong thời gian dài.






0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi