Đến nội dung

Hình ảnh

Polyp đại tràng


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
5 Trả lời cho chủ đề này

#4 admin

admin

    Administrator

  • Administrators
  • 39 Bài viết:

Đã gửi 31 Tháng 10 2013 - 12:14 AM

Xin chào bạn,
Câu hỏi của bạn có nhiều ý , xin lần lượt trả lời như sau :

1.Lần nào thực hiện cũng phát hiện có polip và cắt sinh thiết. Kết quả sinh thiết là u tuyến ống, nghịch sản nhẹ, mấy năm trước đều có 2 đến 3 polip không cuống, năm nay thì có 1.Như vậy có nguy cơ ung thư hay không?

Bản thân các polyp được coi là nguy cơ tiền ung thư nhưng mức độ thế nào thì còn tùy vào loại, kích thước và mức độ nghịch sản của nó. Theo mô tả của bạn, đây là loại polyp tuyến ống (Tubular Adenoma), mức độ nghịch sản nhẹ (Low grade dysplasia) ... còn kích thước thì có lẽ là không lớn lắm. Như vậy, nguy cơ tiến triển đến ung thư trong trường hợp này là rất thấp.

2.Tại sao năm nào tầm soát cũng có polip ?

Nguyên nhân trực tiếp sinh ra polyp và ung thư vẫn chưa được hiểu rõ ràng. Tuy nhiên, nhưng liên quan về gia đình và di truyền đã được chứng minh nên việc tầm soát tổn thương thường chú trọng khai thác vấn đề tiền sử gia đình. Mặt khác, sự xuất hiện trở lại của các polyp tuy chưa được giải thích nhưng là một sự kiện đã được xác lập nên việc theo dõi sau khi cắt polyp là cần thiết. Các polyp mà chị cho là "MỚI " phát hiện năm nay, đôi khi chỉ là những polyp " CŨ" đã có từ lâu nhưng vì kích thước nhỏ nên chưa thấy rõ trong lần soi trước.
Ở nước ngoài, để tránh sự lạm dụng thủ thuật và tránh tai biến cho bệnh nhân, việc theo dõi bằng nội soi sau cắt polyp được khuyến cáo dựa trên số lượng/tính chất và phân loại polyp. Nói chung, sự phát triển của một polyp từ nhỏ đến lớn và từ lành tính đến ung thư cần có nhiều năm. Do đó, chỉ định nội soi theo dõi sau cắt polyp thường là từ 3-5 năm. Trong trường hợp của bạn, việc soi mỗi năm có thể là quá gần và không thật sự cần thiết.

3.Có phải uống thuốc hay ăn uống kiêng cử không ạ?
Không có thuốc hay chế độ ăn nào ngừa sự tái phát polyp cả.

 

Thân chào bạn.

 

Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



#5 Nguyễn Hà

Nguyễn Hà

    Newbie

  • Newbies
  • Pip
  • 2 Bài viết:

Đã gửi 09 Tháng 9 2015 - 08:38 AM

Tôi năm nay 58 tuổi, bị bệnh trĩ thời gian trên 20 năm nay, thông thường 3-4 năm tôi nội soi một lần, lần soi gần nhất là năm 2013, kết quả có hai búi trĩ nội độ 1 và độ 2. Ngoài ra xét nghiệm máu còn cho kết quả bệnh đại tràng kích thích. Tôi đã uống thuốc điều trị bệnh trĩ và đại tràng rất nhiều năm nhưng bệnh vẫn chưa khỏi, thường thì bụng đầy hơi, khó tiêu, đi đại tiện phân không được tốt lắm, lúc lõng, lúc đặc. Xin BS tư vấn để tôi có hướng điều trị tốt hơn.

Xin cám ơn BS.



#6 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 10 Tháng 9 2015 - 09:52 AM

Xin chào bạn,
 
Hai vấn đề này là khác nhau, tuy có liên quan một phần.
 
1.Trĩ:
 
Tình trạng trĩ kéo dài phần nhiều liên quan đến lối sống và sinh hoạt của bạn. Các yếu tố góp phần gây bệnh thường gặp là bón kéo dài, thường xuyên ngồi lâu và ít vận động. Nếu có những yếu tố trên, dù bạn có điều trị thì bệnh cũng sẽ trở lại thường xuyên.
 
Nói chung, trĩ độ 1 thường không cần dùng thuốc mà chỉ cần chú ý điều chỉnh các yếu tố thuận lợi và tăng vận động thì bệnh có thể tự khỏi.
 
Trĩ độ 2 cần dùng thuốc, đặc biệt  vào những đợt cấp bệnh nặng thêm do ngồi máy bay hay ngồi tàu xe đường dài. Nếu Trĩ độ 2 kèm chảy máu thường xuyên gây mất máu, có thể phải cần làm thủ thuật như thắt búi trĩ hay chích xơ búi trĩ. Bạn có thể điều trị tại một bác sĩ chuyên khoa về Trĩ hoặc đến các trung tâm về Trĩ như Đại học Y Dược TPHCM. 
 
2.Tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, táo bón xen kẽ tiêu chảy, kèm với bụng đầy hơi khó tiêu:
 
Nếu đã loại trừ các tổn thương thực thể bằng nội soi, phần nhiều bạn có hội chứng đại tràng kích thích. Đây là tình trạng bệnh mãn tính với việc điều trị tương đối phức tạp vì nguyên nhân không rõ ràng và triệu chứng thì thay đổi theo từng người, cũng như theo từng giai đoạn. Để điều trị thành công, bạn cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và chú ý các điểm sau đây:
 
a/ Chú ý đến yếu tố "kích thích": Phần lớn người bệnh có hội chứg đại tràng kích thích dần dần sẽ nhận ra những yếu tố nào làm cho tình trạng tiêu hóa rối loạn nhiều hơn. Các yếu tố này cũng thay đổi theo từng người. Ví dụ :
              -Sau khi uống bia, sau khi ăn mắm, sau khi ăn một vài loại thức ăn đặc biệt khác
              -Khi đi du lịch
              -Sau khi thức đêm nhiều, sau khi có stress, sau khi làm việc quá sức v.v...
   v.v....
Khi đã nhận ra các yếu tố gây kích thích, cố gắng hạn chế tiếp xúc hay hạn chế sử dụng để giảm bớt triệu chứng.
 
b/Mỗi bệnh nhân có thể có đáp ứng khác nhau với thuốc. Do đó, bác sĩ có thể phải thay đổi nhiều toa thuốc trước khi đạt được kết quả tối ưu. Bệnh nhân cần kiên nhẫn trong điều trị.    
 
c/Kết quả điều trị có thể khác nhau:
Một số người có thể khỏi bệnh hoàn toàn, không cần dùng thuốc
Một số người có thể không còn triệu chứng với điều kiện dùng thuốc duy trì
Một số người có thể thỉnh thoảng có vài triệu chứng nhẹ khi đang điều trị duy trì 
 
Do đó, nên hợp tác với bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất cho mình và giữ được cuộc sống trong mức bình thường.
 
Chúc bạn khỏe,
 
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin





1 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 1 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi