Đến nội dung

Hình ảnh

Trả lời câu hỏi Tư vấn trực tuyến trên báo Thanh Niên Online


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
5 Trả lời cho chủ đề này

#4 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 01 Tháng 12 2012 - 10:39 AM


81/ Bịnh trào ngược dịch vị có thể trị khỏi hẳn không ?Lúc bụng đói thấy dễ chịu , ngay sau khi ăn là thấy khó chịu , đàm lên và khó thở ( khi ăn uống đã rất cử kiêng các món chua cay , chiên xào , khó tiêu...) uống thuốc gaviscon thấy có bớt , nếu dùng thuốc liên tục có hại không ? Nếu không trị dứt , lâu ngày có thể bị ung thư? xin cám ơn các vị.

Ngô vĩnh cường


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Xin chào bạn, chúng tôi xin lần lượt trả lời từng ý như sau đây :

1. Bệnh trào ngược có bệnh sinh phức tạp, trong đó việc suy yếu các cơ vòng thực quản dưới chiếm vị trí quan trọng. Phẫu thuật tạo hình lại vùng này có thể giúp điều trị nhưng thương chỉ được chỉ định khi bệnh rất nặng. Trong đa số trường hợp, điều trị bảo tồn bằng thuốc và thay đổi chế độ sinh hoạt cũng đem lại kết quả tốt.

2. Gaviscon có thể dùng lâu dài mà không có tác dụng phụ đáng kể
Trào ngược kéo dài không kiểm soát có thể gây tổn thương niêm mạc vùng thực quản dưới. Một trong các biến chứng có thể gặp là sự chuyển sản niêm mạc thành niêm mạc Barrett. Sau một thời gian, sự nghịch sản sẽ xảy ra, ngày càng nặng hơn và có thể trở thành ung thư.

82/ HIEN NAY TOI CO NGUOI ME 76 TUOI , ME TOI MAC PHAI BENH CAO HUYET AP, TIM, BAO TU, BA AN UONG KHONG TIEU. AN VAO KEU TUC OM BUNG LA DAU, KHONG AN CUNG KEU DAU VA XOT BUNG... XIN CAC BAC SI CHO HOI ME TOI DAU BENH GI, DE GIA DINH CO HUONG DIEU TRI CHO CU MAU BINH PHUC. GIA DINH GUI LOI CAM CAM ON DEN CAC BAC SI.


NGUYEN THI LE


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Chúng tôi xin chia sẻ những lo lắng của bạn nhưng những thông tin của bạn cung cấp không đủ để chúng tôi có đầu mối hướng đến một bệnh nào cả. Tất cả các bệnh lý trong vùng bụng đều có thể gây ra tình trạng đau tương tự. Tuy bạn cho là cụ bị bệnh bao tử nhưng thật sự chúng tôi không thấy một bằng chứng nào rõ ràng.
Tốt nhất, bạn nên đưa cụ đi khám ở một cơ sở có uy tín. Các thuốc dạ dày có thể cho uống thử theo kiểu “cầu may” nếu như cụ hoàn toàn không thể đi khỏi nhà.
Ở TPHCM cũng đã có một số nơi tổ chức dịch vụ khám tại nhà. Bạn có thể liên hệ xem thử.

83/ Them cau hoi - Hien nay, co bao nhieu loai may moc thiet bi, phuong phap noi soi tien tien nhat o Viet nam da co chua?- Gia ca 1 ca noi soi vi du NOI SOI DA DAY, de phat hien con vi trung HP la bao nhieu ? Cach dieu tri dut diem con vi trung nay nhu the nao?

Nguyen canh Nam ---Cty Lam Hong


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Thật ra, nếu bạn hỏi về những công nghệ tiên tiến nhất ở trên thế giới thì ở Việt Nam rất ít gặp. Tuy nhiên, tất cả các hệ thống nội soi đang dùng ở Việt Nam đều thỏa mãn được yêu cầu về chẩn đoán và điều trị các bệnh thông thường.
Chi phí nội soi dạ dày ở Việt Nam dao động từ 100.000 đến khoảng 2 triệu đồng. Sự dao động rất lớn là do sự khác biệt về tiêu chuẩn an toàn trong khử khuẩn thiết bị cũng như những điều kiện phục vụ trươc, trong và sau khi soi. Bạn không nên nghĩ đó là đắt vì chi phí soi dạ dày ở các nước phát triển có thể trên 1000 usd. Trong lúc nội soi, các bác sĩ có thể thực hiện test Urease để tìm HP. Test này có chi phí tương đối thấp. Việc điều trị dứt điểm HP cần dùng đến phác đồ ít nhất là 3 thuốc trong đó có 2 kháng sinh và 1 kháng tiết , dùng trong vòng 1-2 tuần. Chúng tôi không khuyến khích việc bạn tự điều trị cho mình vì còn có nhiều vấn đề phức tạp cần cân nhắc sau khi chấm dứt điều trị.

84/ Tôi bị sỏi mật và đã cắt túi mật (nội soi) vào năm 2010. Hiện tôi thường bị triệu chứng : đi ngoài lỏng, thỉnh thoảng ăn không tiêu, đau bụng. Vậy tôi cần phải ăn uống, tái khám và uống thuốc gì, như thế nào cho hợp lý. Xin nhờ 2 Bác Sĩ tư vấn giúp. Xin cảm ơn !

Nguyễn Văn Sĩ


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Chúng tôi xin lỗi là các thông tin không đủ để có hương tư vấn hợp lý. Nhiều khả năng là bệnh không liên quan đến tiền sử cắt túi mật. Bạn cần gặp Bs chuyên khoa tiêu hóa và có thể cũng cần đến nội soi.

85/ Tôi bị đau bụng, chữa mãi mà không khỏi. Đi nội soi bác sĩ nói viêm dạ dày đại tràng, bây giờ chữa bằng cách nào.

dinhxuanmy



- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Chúng tôi không rõ là bệnh dạ dày hay đại tràng, hay bạn bị cả hai nên không thể tư vấn chính xác. Thực tế Việt Nam hiện nay cho thấy số người bị hội chứng đại tràng kích thích rất cao. Một số người bị tiêu chảy kéo dài, một số người bị bón kéo dài và một nhóm khác thì lại bị cả hai. Việc điều trị phụ thuộc chủ yếu vào triệu chứng ưu thế và các thay đổi kèm theo. Nói chung, việc điều trị cần kiên nhẩn, kết hợp thuốc với sự thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt.86/ Chào bác sỹ!Tháng 4 năm nay, cháu có nội soi đại tràng, kết quả chuẩn đoán là ị viêm đại tràng xung huyết. Cho cháu hỏi, khi nào thì nên nội soi lần nữa ?Xin cảm ơn


Nguyễn Văn Long


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Với kết quả trên, không cần thiết phải soi lại em ạ. Mặt khác, tổn thương viêm đại tràng sung huyết cũng khá mơ hồ và không đặc hiệu nên cũng không chắc đó là nguyên nhân gây nên triệu chứng mà cháu đang bị đâu nhé.

87/ Không đau, ăn uống bình thường. Khám sức khỏe định kỳ có: Mỡ máu cao, HA 160/95, sỏi túi mật 10mm. Bác sĩ khuyên nhập viện để mổ cắt túi mật. Xin các Bác sỹ tư vấn !

Nguyễn Tân Ninh


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Nếu anh chưa bao giờ có triệu chứng vì cục sỏi túi mật này thì có thể chỉ cần theo dõi định kỳ là đủ. TUy không thể hiện ra nhưng tình trạng cao huyết áp và mỡ máu cao là 2 yếu tố nguy cơ tim mạch mà trước khi mổ phẫu thuật viên sẽ phải tính đến.
Nếu có biến chứng, như đã từng có cơn đau, hay có dấu hiệu viêm mãn trên siêu âm thì chỉ định mổ là hợp lý.

88/ Thưa bác sĩ em thường xuyên bị đau bụng,thường một hoặc 2 tuân la em lai lên cơn đau trong 1 hoặc 2 ngày có khi la tự khỏi có khi la em uông loai thuoc sữa chữ P thi hêt. Năm 2011 em co noi soi da day bac si ket luan em bi viem sung huyết va cho uông thuoc 1 thang nhung khong thay tuyên giam. Tháng 8/2012 vừa rồi em có đi khám sưc khoe tông quat o benh vien Chợ Rẫy TPHCM bác si cho em noi soi da day va ket luan em bi viem sung huyet da day the vua va cho uong thuoc 1thang, 1 thang sau em tai kham bac si lai cho uong thuoc them 1 thang nua nhung hien nay van khong khoi, cu 5 hoac 10 ngay thi lai len con dau roi tu het(doi khi uong thuoc). Em can nang 48kg la gầy mac du em an uong dieu do, du chat, rat han che uong ruou bia, khong uong cafe, thuốc lá nhưng sức khoe, the luc van khong duoc cai thien. Xin bac si cho em loi khuyen( ve benh ly, em nen kham gi ve suc khoe va dieu tri o dau la tot nhat)

NGUYỄN NHẬT LỊNH


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Em có thể tìm thấy khá nhiều câu hỏi tương tự đã được trả lời ở đây. Nói chung, khi điều trị đúng thuốc mà không hết thì phải xem lại chẩn đoán em ạ.

89/ Tôi hay bị tức vùng chấn thuỷ, rất khó chịu khi mới ăn xong và căng căng bụng dưới. Xin Bác Sĩ cho biết tôi có thể nội soi để biết biết nguyên nhân bệnh trên không . Nếu có thì khám ở đâu .Xin cảm ơn Bác Sĩ

Mai Quốc khánh


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Bạn đã 46 tuổi. Nếu tình trạng khó tiêu và căng bụng sau ăn này mới xảy ra thì cần thiết phải nội soi để xác định tổn thương ống tiêu hóa. Chúng tôi cần xem cụ thể thì mới định hướng được là tình trạng khó tiêu này do dạ dày hay do đại tràng và cho chỉ định phù hợp. Bạn có thể khám ở khoa tiêu hóa ở các bệnh viện hay phòng khám đa khoa cũng được.

90/ sau khi an toi thuong dau bung am i roi di cau no moi het, tu lau B Si kham chan doan toi bi viem ai trang man. Thua B Si toi chua bang phuong phap gi . Mong B Si cho toi phuong phap dieu tri. cam on BS

nguyen lai


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Hội chứng đại tràng kích thích là một vấn đề cực kỳ phổ biến mà việc điều trị vẫn còn khó khăn, ngay cả trên thế giới. Nếu bạn hỏi thuốc gì tốt thì câu trả lời là không có thuốc nào tốt cả. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau được dùng trong hội chứng đại tràng kích thích như băng niêm mạc, giảm co thắt, điều hòa nhu động , anh thần nhẹ , chống bón, chống tiêu chảy . men vi sinh. Men tiêu hóa v.v…. và cho đến nay chưa có thuốc nào cho thấy có tác dụng 100%. Việc dùng thuốc nào tốt hoàn toàn phụ thuộc sự đánh giá của bác sĩ đối với từng bệnh nhân.
Trên thực tế, bạn nên biết là triệu chứng của mình bịa gây ra do ‘KÍCH THÍCH” . Vì thế, thay vì đi điều trị triệu chứng thì nên cố gắng tìm ra yếu tố “KÍCH THÍCH “ này để mà loại trừ. Qua nhiều năm làm việc, tôi nhận thấy khá nhiều bệnh nhân biết rõ cái gì gây ra triệu chứng của mình (ví dụ : bia, thức đêm,mắm, thức ăn lạnh, v.v…) và khi họ kiêng cử chừng mực thì triệu chứng giảm hẳn.
Thiết nghĩ bạn nên chú ý quan sát để xem có sự liên quan gì không. Mặt khác, bạn có thay đổi tính chất pha6nke1o dài ở lứa tuổi 58. Đây là chỉ định tuyệt đối của nội soi đại tràng để tầm soát ung thư. Bạn dừng quên điều đó nhé .

91/ Bác sĩ ơi, tôi đi điều trị bệnh đường ruột đã 11 tháng rồi, thay toa liên tục, uống thuốc có khi bị bón, có khi bị tiêu chảy, có lúc đi cầu lại nổi váng mỡ. Bệnh tôi là sao vậy?

TT Ngọc Nga
 


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Có vẻ như chị bị hội chứng đại tràng kích thích và cần ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

92/ Em có đi nội soi và điều trị HP, nhà em có con nhỏ. Vậy con em có thể bị lây HP từ em không? Bé mới 2.5 tuổi, vậy bé có cần nội soi không? Ở tuổi này, bé còn nhỏ quá làm sao uống thuốc điều trị HP giống người lớn được?Bé còn hay bị bón, đi tiêu nhiều khi ra máu tươi. Bé thường xuyên bị bón, 1 tuần hay bị bón khoảng 1 - 2 lần. Mà trong khẩu phần ăn của bé đều có rau, củ, quả đầy đủ, bé chỉ hơi lười uống nước. Vậy làm sao để bé hết bón đây bác sĩ?

PT Hương


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Trước hết, bé rất dễ bị lây HP nếu mẹ bị , đặc biệt ở tuổi này khi mà những bà mẹ Việt Nam hay có thói quen nhai mớm cho con. Tuy nhiên, nhiễm HP là một bệnh mãn tính và có thể tiềm tàng nhiều năm trước khi phát bệnh. Nếu bé không có triệu chứng đau bụng, nôn ói hay ảnh hưởng đến sự phát triển thì bạn không cần phải soi ngay vì nguyên tắc là nếu không định điều trị thì đừng cố gắng chẩn đoán làm gì. Sauk hi bé hơn 3 tuổi, nếu thực sự muốn biết, chị có thể cho bé làm test hơi thở với C13. Một trong những lý do người ta không khuyến khích việc tìm và diệt ở trẻ nhỏ cũng giống như là chị đang nghĩ, cho bé uống thuốc khó khăn quá!
Về vấn đề bón, ngoài việc cố gắng cho cháu uống nước – chị có thể bổ sung một phần nước bằng các loại nước ép rau quả. CHị cũng có thể đổi sửa cho cháu, vì một số loại sửa thì hơi gây bón nhẹ trong khi một số loại sữa khác lại gây phân nhão hơn.

Bạn nên chúy ý vấn đề tiêu ra máu. Nhiều khi nó không đơn giản như chúng ta nghĩ . Đó có thể là do bón làm sướt niêm mạc hậu môn nhưng các khối u polyp gây chảy máu ở trẻ nhỏ cũng rất thường gặp , ngay cả khi bé ở độ tuổi như con chị.

Cách tốt nhất để biết là đến khám bác sĩ nhi ngay trong lúc bé vừa mới tiêu ra máu, bác sĩ có thể xác định được vết rách nứt nếu có … nhiều khi chỉ bằng mắt thường. Nếu không có, e là bé phải đi nội soi kiểm tra.

93/ Kính Thưa Bác Sỹ, Tháng 6 vừa rồi con có nội soi ở bệnh viện Tỉnh, kết quả là: sẹo loét giai đoạn A2, dương tính vi khuẩn HP.Nhưng điền trị hơn 2 tháng không thấy bớt. Tháng 10 con vào BV ĐHọc Y Dược để xin nội soi lại, nhưng không được chỉ định nội soi, mà BSỹ lấy kết quả cũ (ở BV tỉnh) mà cho thuốc, uống 1 tháng không thấy bớt mà cảm thấy ... khó chịu hơn phần nào. con cũng mới vừa tái khám.Cho con hỏi: có khi nào kết quả ở BV tỉnh NinhThuận không chính sát không? cái kết quả gọi là vết sẹo là thế nào? (có phải là khối u nào đó mà BS nhìn nhầm không?). hiện giờ con vẫn rất khó chịu, thường xuyên chướng hơi, ăn vào là đau và khó chịu (con vẫn ăn cháo, không bia - rượu - cafe - thuốc lá). Kính mong BSỹ chỉ dẫn, cảm ơn quý Bác sỹ nhiều!

Quốc Toàn


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Chào em, Câu hỏi của em gồm 3 phần, xin được trả lời như sau :
1. Vết sẹo của em là như thế nào ? Rất đơn giản, mỗi một vết thương dù là đứt tay, bỏng hay bị mổ xẻ v.v… đều để lại một vết sẹo. Ổ loét ở dạ dày tá tràng cũng vậy. Nếu bạn để ý “sẹo” của những người chung quanh, sẽ thấy một số sẹo đẹp - phải nhìn rất kỹ mới thấy - cũng như một số sẹo xấu - co dúm, nhăn nhó, nhiều khi gây biến dạng. Cũng như vậy, vết sẹo trong dạ dày tá tràng có thể đẹp, mà chỉ khi bác sĩ thật nhiều kinh nghiệm mới nhìn ra nhưng cũng có thể xấu, gây co kéo biến dạng và gây hẹp.
Bản thân vết sẹo mang ý nghĩa là bệnh đã lành , nhưng những hậu quả của nó có thể vẫn còn đó. Một ví dụ khác để bạn hiểu : một cô gái bị tạt acid chẳng hạn, sau một thời gian thì vết bỏng do acid hoàn toàn lành lặn-nhưng vẻ đẹp và khuôn mặt của cô ta thì đã bị phá hủy vĩnh viễn. Cũng như vậy, sẹo loét hành tá tràng thể hiện bệnh đã hết nhưng nó có thể gây khó tiêu, đầy bụng vì co kéo gây hẹp ở vùng cuống dạ dày (môn vị). Nhân tiện, có lẽ là bạn ghi nhầm vì sẹo loét hay được ký hiệu là S2(Scarring) còn A2 có nghĩ là ổ loét vẫn còn đang “ầm ỉ” (active)
2. Khi ổ loét đã lành sẹo rồi thì rất thay đổi rất chậm theo thời gian. Có lẽ vì thế mà bác sĩ cảm thấy không cần thiết để soi lại .
3. Em đã điều trị HP không có nghĩa là đã hết cho đến khi làm test để xác nhận sạch HP, thường là test hơi thở

94/ Kính chào Bác sỹ. Tôi năm nay 32 tuổi, đi nội soi 3 lần kết quả bị viêm xung huyết hang vị nhẹ, thử HP va clotest đều âm tính nhưng vẫn bị đau tái đi tái lại 2-3 năm nay. Xin hỏi bác sỹ có cách nào điều trị hết ko? - Thời gian giữa 2 lần nội soi bao lâu là tốt nhất? Trước khi nội soi tôi có phải ngưng thuốc gì không (tôi hiện uống nexium 40mg). Cám ơn bác sỹ.

Tran Quang Nghia
 

- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Chào bạn,
Tình trạng bệnh không nặng nhưng kéo dài không hết , đặc biệt không lien quan HP thường gây ra do nguyên nhân sinh bệnh chưa được loại trừ. Có thể đó là bệnh dạ dày nhưng do stress, do thuốc, do trào ngược dịch mật v.v.. Cũng có thể triệu chứng của bạn gây ra do một bệnh lý của cơ quan lân cận.
Nguyên tắc chung khi điều trị một bệnh không giảm sau một thời gian dài là cần xem xét lại chẩn đoán ban đầu bạn ạ.
Nói về thời gian giữa hai lần nội soi, còn tùy vào muốn nội soi để làm gì ?
-Nếu chỉ đơn thuần muốn tầm soát ung thư , có thể nên soi mỗi 3 -5 năm.
-Nếu đang theo dõi một tổn thương tiền ung thư (ví dụ niêm mạc Barrett có loạn sản), nên nội soi hang năm
-Nếu kiểm tra diễn tiến của một ổ loét có biến chứng ( xuất huyết hay nghi ung thư) , nên soi sau điều trị khoảng 4 tuần
Nói về việc ngưng thuốc trước khi soi : không cần , trừ khi có ý định kiểm tra HP sau điều trị, trong trường hợp đó cần ngưng các loại kháng sinh ít nhất 4 tuần và ngưng các loại kháng tiết ít nhất 2 tuần ( bao gồm Nexium mà bạn đang dùng)

95/ Tìm hiểu phương pháp nội soi trong bệnh lý đường tiêu hóa?

Thu Trang


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Câu hỏi của bạn quá chung chung và có lẽ phải mất hàng giờ để trình bày được những nét cơ bản nhất. Bạn thông cảm và xin hỏi rõ hơn một tí nhé.

Con trai tôi 4 tuổi, cháu hay bị đau bụng kéo dài, biếng ăn, chậm tăng cân. Vừa rồi đi xét nghiệm phân phát hiện dương tính với vi khuẩn Helicobacter Pylori, bác sĩ yêu cầu nội soi. Xin hỏi trường hợp cháu có nhất thiết nội soi? Thuốc gây mê có nguy hiểm tới sức khoẻ của bé? Hải Ngọc

- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Chào chị,
Thuốc gây mê không nguy hiểm cho bé nhưng xét nghiệm phân dương tính là đủ để bắt đầu điều trị cho bé. Chị không cần phải đưa bé đi nội soi đâu. Thông thường, nội soi chỉ đặt ra khi điều trị thất bại 2 lần và cần lấy mẫu để cấy và làm kháng sinh đồ.

96/ từ năm 1998, sau một cơn đau bụng giữ dội kéo dài sau đó đi khám ở TTYT huyện, bác sỹ chẩn đoán tôi bị bệnh Đại tràng và kê đơn cho thuốc. Từ đó đến nay, do uống nhiều loại thuốc chữa trị bệnh Đại tràng khác nhau nên bệnh có giảm. Song cứ mỗi lần đi cầu,phân khi táo, khi nhảo, khi lỏng và sống...không ổn định> Xin hỏi bác sỹ nên uống thuốc gì để chóng lành bệnh và kiêng ăn uống những gì và dui2ng thức ăn gì phù hợp.

Hoàng Khắc Thuyên

 

- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Có khá nhiều câu hỏi tương tự ở trên - Xin bạn tham khảo trước. Nếu cần thêm thông tin, bạn có thể đặt thêm câu hỏi ở diễn đàn này. Cảm ơn bạn!

97/ Thưa BS em nghe nói có loại nội sôi không đau, vậy nội soi không đau có khác gì so với NS thường? Xin BS Quang cho biết, em cảm ơn

Hà Phương


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Nội soi không đau có dùng thuốc gây mê tĩnh mạch nên bệnh nhân mơ ngủ và hoàn toàn không có cảm giác gì trong suốt qua trình soi. Để thực hiện nội soi không đau, cần có thêm bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê, cần các thiết bị theo dõi sinh hiệu liên tục.
Cũng vì bệnh nhân được gây mê nên việc kiểm tra trước soi và theo dõi sau soi phải rất chặt chẻ để không xảy ra biến chứng.
Vì các lý do trên nên chi phí của nội soi không đau cao hơn nội soi thường.

98/ Xin cho biết nội soi không đau có đảm bảo an toàn so với nội soi thông thường không? Nếu có vì sao? Xin cảm ơn BS.

Thu Hạnh


- Tiến sĩ - bác sĩ Võ Xuân Quang - Chuyên khoa Tiêu hóa - gan mật, Giám đốc điều hành Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Nội soi gây mê có thể gặp nhiều biến cố hơn là nội soi thông thường. Phần lớn này liên quan đến tim mạch như nhịp nhanh, ngoại tâm thu, hạ oxy máu thoáng qua. Tuy nhiên, hầu hết những biến cố này tự mất đi và không gây triệu chứng gì trầm trọng.
Xét về mặt an toàn, nội soi không đau còn có tiêu chuẩn an toàn cao hơn nội soi thông thường vì có them một bác sĩ gây mê và một kỹ thuật viên gây mê luôn luôn theo dõi sát tình trạng bệnh nhân bằng máy monitoring. Các buổi nội soi thông thường chỉ gồm bác sĩ( luôn tập trung vào màn hình) và điều dưỡng ( luôn bận bịu với các dụng cụ) nên nhiều khi không chú ý kịp thời tình trạng của bệnh nhân.

99/ Tôi có 2 cậu con trai, cháu lớn được 10 tuổi, cao 109cm, năng 21kg và cháu bé 8 tuổi, cao 96cm, nặng 13,8kg. Cháu lớn mỗi ngày uống 1 hộp sữa chua, 1 cốc sữa 200ml. Cháu bé 1 cốc sữa chua và 100ml sữa. Về cơ bản các cháu nhà tôi rất lười uống sữa. Cháu lớn ăn mỗi bữa 1 bát cơm và it thức ăn, cháu bé thì mỗi bữa 1 bát cháo. Vậy tôi muốn hỏi các cháu ăn như vậy và uống sữa như vậy có hợp lý không? Nếu không thì phải làm sao? Rất mong được BS tư vấn. Xin cảm ơn!


Thanh Tài


- Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê, Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Bạn thân mến! Một bé trai 10 tuổi trung bình sẽ nặng 31.4kg và cao 137.5cm (trong khi con trai lớn của bạn chỉ nặng 21kg và cao 109cm).

Bé trai 8 tuổi trung bình sẽ nặng 25.3kg và cao 127cm (trong khi con trai thứ 2 của bạn chỉ nặng 13.8kg và cao 96cm).

Như vậy, cả chiều cao và cân nặng của hai bé đều thiếu. Chế độ dinh dưỡng mà bạn đang áp dụng cho hai bé như vậy là không hợp lý. Bạn cần cho các cháu ăn đầy đủ các chất bột (gạo, nếp, bắp...); chất đạm (thịt, cá, trứng...); chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật...); muối khoáng và sinh tố (các loại rau, củ, quả...)

Năng lượng cần 1 ngày cho trẻ từ 7 – 10 tuổi là 2,400 Kclo, ngoài ra còn có các vitamin và khoáng chất. Con bạn thiếu cả cân nặng lẫn chiều cao, bạn nên đưa các bé đến trung tâm dinh dưỡng để các bác sĩ nhi khoa xem xét và tư vấn cụ thể.

Chúc bạn và hai cháu được như ý!

100/ Em có 1 bé gái 14 tháng tuổi. Bé bú mẹ hoàn toàn trong 5 tháng đầu nhưng từ lúc mới sinh bé thường xuyên đi phân nhầy nhầy, ngày đi rất nhiều lần, em đi khám bác sỹ cho uống men Antibio và Neopeptin thì thấy đi phân đặc hơn. Giờ đã được 12 tháng nhưng bé thỉnh thoảng bé vẫn bị đi phân nhầy, một tháng có khi đi đến mấy lần dù em vẫn cho bé ăn sữa chua 3lần/1tuần. Như thế có phải là do men đường ruột của bé bị rối loạn phải không? Xin BS cho biết có nên cho biết đi nội sôi để biết kết quả chính xác là bé bị bệnh gì hay không? Xin BS cho lời khuyên, Cảm ơn BS nhiều.

 

Thu Hương
 

- Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê, Trưởng khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin: Bạn thân mến!

Con gái bạn đến nay đã 14 tháng. Theo bạn kể, cháu đi phân nhầy, ngày đi nhiều lần. Theo tôi, bạn nên đưa cháu đến khám tại chuyên khoa nhi để các bác sĩ thăm khám và xác định xem con bạn có bị rối loạn tiêu hóa hay nhiễm trùng tiêu hóa không.
Để xác định được tình trạng sức khỏe hiện tại, bé cần được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm: soi phân; cấy phân và làm kháng sinh đồ; siêu âm bụng tổng quát. Khi có các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ mới có thể chỉ định điều trị một cách thích hợp.

Nếu là rối loạn tiêu hóa, bé sẽ được điều chỉnh lại chế độ ăn.

Nếu là nhiễm trùng tiêu hóa, phải điều trị tận gốc để giải quyết vấn đề phân nhầy kéo dài.

Còn vấn đề nội soi ổ bụng ở đây chưa được đặt ra, vì bé còn quá nhỏ. Bạn chỉ nên cho bé làm nội soi nếu bác sĩ khám cho bé chỉ định.
Chúc bạn và bé khỏe mạnh!


 



#5 Guest_nguyễn hà_*

Guest_nguyễn hà_*
  • Guests

Đã gửi 17 Tháng 8 2013 - 01:02 AM

Cháu năm nay 21 tuổi. Vài tháng gần đây, cháu hay có đờm khi đánh răng buổi sáng. Vừa rồi cháu có đi khám nội soi Tai Mũi Họng thì bác sĩ ghi: họng nhiều dịch h/c trào ngược, rồi cho cháu đi nội soi dạ dày, kết luận viêm hang vị dạ dày.

 

Cháu có đọc qua các chỉ tiêu thấy tất cả bình thường mà bác sĩ lại kết luận như vậy. Và cháu không biết chỗ kết quả test HP ghi: phần nào ở kết quả nội soi ạ. Bác sĩ kê cho cháu tuksugin 7ngày, gastropulgite 5 ngày. Cháu uống 2 ngày thì thấy đau tức bụng trên rốn, ngày thứ 3 thì thấy bụng réo ợ chua miệng chua mà trước đó cháu rất ít khi bị. Liệu bác sĩ có chẩn đoán sai không ạ. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu ạ.



#6 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 17 Tháng 8 2013 - 10:37 AM

Chào em,

Chẩn đoán của bác sĩ dựa vào tình trạng tiết dịch nhiều ở vùng hầu họng. Một trong những nguyên nhân khá thường gặp là do niêm mạc họng bị kích thích bởi chất dịch acid trong dịch trào ngược từ dạ dày. Khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị trào ngược mà hình ảnh nội soi không rõ ràng hoặc không có. Khi đó, chẩn đoán thường dựa vào những triệu chứng điển hình của người bệnh như cảm giác nóng ngực sau ức, triệu chứng ợ chua thường xuyên và đặc biệt là đáp ứng nhanh với các loại thuốc kháng tiết acid.

Trở lại trường hợp của em, chúng tôi không thể nói là bác sĩ chẩn đoán sai nhưng những dữ liệu mà em cung cấp chưa đủ để nói lên có tình trạng trào ngược. Để khẳng định, cần phải hỏi bệnh tỉ mỉ hơn và chú ý đến các triệu chứng khác của em ngoài tình trạng tiết đờm buổi sáng.

Riêng về tình trạng đau bụng, hiện tại cũng không thể khẳng định lý do vì sao. Tuy nhiên, nếu trước đó em hoàn toàn không đau mà chỉ ghi nhận triệu chứng này sau khi uống thuốc hai ngày, có nhiều khả năng là tác dụng phụ của thuớc gây ra- có thể là do tinidazol hay clarithromycin chứa trong Tuksugin. Thông thường tình trạng đau do tác dụng phụ của thuốc chỉ nhẹ và thoáng qua, sau đó tự khỏi. Nếu em cảm thấy khó chịu quá mức, em có thể ngưng thuốc và trở lại bác sĩ để báo về việc này.

Nhân tiện, Tuksugin là thuốc kết hợp để điều trị HP nên có lẽ là kết quả thử HP của em dương tính.

Điều này cũng không liên quan đến tình trạng trào ngược hay tiết đàm của em đâu.

Thân chào em!

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin






0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi