Đến nội dung

Nội dung của BS YERSIN

207 phương tiện bởi BS YERSIN (Tìm kiếm giới hạn từ 31-Tháng 5 23)



#3564 Trẻ nổi chấm đỏ sau gáy

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 31 Tháng 8 2016 - 10:04 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

 

Thưa Bác sĩ, cháu của em hiện được 3 tháng tuổi, em thấy có nhiều chấm đỏ nổi sau gáy. Em có bôi thuốc trị rôm sảy cho cháu rồi nhưng không hết. Cho em hỏi hiện tượng đó có liên quan đến bệnh lý gì không thưa Bác sĩ? Cảm ơn Bác sĩ!

chamdo.png

TRẢ LỜI

 

Chào em,

 

Chấm đỏ sau gáy ở trẻ 3 tháng thường thấy có thể là 1 dạng bướu máu dát phẳng, chỉ cần theo dõi mà không cần điều trị. Có thể chấm đỏ sẽ mờ dần theo thời gian và tự hết. Nếu có thêm dấu hiệu bất thường khác kèm theo em nên cho cháu khám Chuyên khoa.

Thân mến chào em!

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3563 Hay bị chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu,...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 29 Tháng 8 2016 - 08:33 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Con rất hay bị chóng mặt, hoa mắt, có thể sau khi đứng lên gấp, hay bị nhức đầu, có khi nhức cả ngày không hết. Mẹ con có nói do con ngủ không đủ vì con thức khuya dậy sớm đi học. Tuy nhiên dạo gần đây con hay mệt mỏi sau khi ngủ dậy, ăn sáng xong cảm thấy người nôn nao, sau các bữa ăn khác cũng vậy, có cảm giác buồn nôn. Ra gió lạnh con cảm thấy lạnh nhưng mồ hôi lại túa ra rất nhiều. Ban đầu con nghĩ do trúng gió nhưng thường khi trúng gió xong con sẽ bị cảm hoặc nôn hết 1 lần chứ không bị dai dẳng. Ngoài ra khi ăn thỉnh thoảng con cũng hay bị nghẹn. Con ăn uống khá khoa học, lựa chọn thực phẩm sạch và lành mạnh, tập thể dục đều đặn nữa ạ. Con mong bác sĩ tư vấn cho con trong thời gian sớm nhất. Con xin cám ơn ạ!

TRẢ LỜI

Chào cháu,
Tất cả những triệu chứng mà cháu mô tả đều khá mơ hồ, thuộc về nhóm biểu hiện toàn thân và gần như có thể gặp trong bất kỳ bệnh lý nào của cơ thể. Mặt khác, chúng cũng là những biểu hiện phổ biến của những trường hợp có thay đổi về sinh lý, mà không phải là bệnh lý. Những ví dụ thường gặp có thể kể như thiếu ngủ, ăn uống kém, làm việc quá sức v.v...

Nói cách khác,  các triệu chứng trên không thể giúp  gợi ý được là cháu có bệnh hay không bệnh và nếu bệnh là bệnh ở đâu . Cháu cần gặp bác sĩ để có hỏi bệnh chi tiết và khám cụ thể để có hướng chẩn đoán. Trường hợp của cháu khó có thể giúp được từ xa cháu ạ.

Thân chào
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3562 Có thể trị dứt điểm khuẩn HP được không?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:08 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, xin hỏi Bác sĩ: Vi khuẩn HP trong dạ dày có thể trị khỏi dứt điểm được không ạ? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào cháu,

Vi khuẩn HP có thể trị khỏi hoàn toàn. Tuy việc điều trị chỉ kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần nhưng cần phối hợp nhiều loại kháng sinh. Các cách phối hợp khác nhau gọi là các phác đồ. Chọn phác đồ nào tùy thuộc vào cơ địa của từng bệnh nhân và tùy theo đánh giá của bác sĩ.

Trên thực tế, điều trị không phải bao giờ cũng thành công mà luôn có một tỷ lệ thất bại khoảng 10-20%. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ đổi phác đồ hoặc yêu cầu cấy vi khuẩn để có lựa chọn chính xác.

Bệnh nhân cần hợp tác và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

Thân chào.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3561 Polyp d#6-8mm, có cuống?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:02 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Kết quả khám của em là: Có Polyp d#6-8mm, có cuống. Vậy xin hỏi Bác sĩ kết quả này là gì? Và có nguy cơ như thế nào ạ? Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Polyp là một từ chung chung mô tả một tổn thương nhô cao bắt nguồn từ niêm mạc, có thể có cuống hay không cuống. Polyp có thể gặp ở nhiều nơi như trong ống tiêu hóa, trong tử cung và cổ tử cung, trong túi mật, trong mũi hoặc trong bàng quang.

Chúng tôi không rõ lắm polyp của em là của cơ quan nào, có lẽ là của đại tràng?

Trong mọi trường hợp thì xin an ủi em thế này :

  • Polyp 6-8mm thì thường được xem là nhỏ và rủi ro bị ung thư thấp.
  • Polyp có cuống thì thường có hình thái giải phẫu bệnh lành tính nhiều hơn.
  • Cộng cả hai yếu tố này lại thì việc cắt bỏ khối poyp này có vẻ là dễ dàng.

Chỉ sau khi cắt bỏ polyp và có kết quả giải phẫu bệnh cụ thể thì câu trả lời về nguy cơ của em mới đáng tin cậy. Vậy, em nên đi cắt cái polyp này nhé .

Thân mến!
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin



#3560 Que thử vạch đậm, vạch mờ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:01 AM trong Phụ khoa

CÂU HỎI

 

Chào Bác sĩ, em trễ kinh 2 tuần trước đó (17 ngày) và có quan hệ (sau 70h em có dùng thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor). Sau đó em có dùng que thử và hiện lên vạch đậm vạch mờ. Em đi bệnh viện siêu âm đầu dò ngay thì Bác sĩ báo không có thai dặn em tuần sau tái khám. Kinh nguyệt em lần trước bị hai lần/ tháng, trước đó thì gần hai tháng em mới có. Em lo lắng quá. Không biết mình có thai không ạ? Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em, cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

 

TRẢ LỜI

 

Chào em ,

Em đã thử QST (+) nghĩa là em đã có thai. Que lên vạch đậm và vạch mờ chứng tỏ thai còn giai đoạn rất sớm. Ở giai đoạn quá sớm thì siêu âm chưa thể thấy thai trong tử cung. Tuy nhiên cần cảnh giác thai làm tổ ở ngoài tử cung.

Trường hợp của em, hiện không đau bụng hay ra huyết âm đạo, trên siêu âm chưa thấy dấu hiệu bất thường nên không có gì lo lắng cả, em cứ theo hẹn tái khám và siêu âm lại của Bác sĩ.

Trong thời gian theo dõi nếu có đau bụng hay ra huyết âm đạo thì tái khám ngay.

Chúc em may mắn, Thân mến!

Trưởng Sản - Phụ khoa, Bác sĩ Trần Thị Anh Lan

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3559 Vùng mắt cá chân bị sưng đỏ, đau nhức...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:00 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ! Năm nay tôi được 60 tuổi, 1 tuần trước vùng mắt cá chân của tôi bị sưng đỏ lên và tình trạng này kéo dài đến hiện tại (tôi có gửi kèm hình tình trạng của mình). Bác sĩ Bình thường thì không sao, nhưng khi di chuyển hoặc lúc đứng lên, ngồi xuống thì rất đau vùng này. Xin hỏi Bác sĩ vấn đề này có phải do đi lại nhiều, hay do vấn đề nào? Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp tôi và cho hướng điều trị ạ. Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Tình trạng sưng, đỏ và đau ở vùng này làm nghĩ đến bệnh lý viêm khớp cổ chân. Do liên quan đến các dây chằng, gân cơ quanh khớp nên bệnh nhân thường đau khi di chuyển hoặc chịu sức nặng. Bệnh lý viêm khớp có thể gây ra do nhiều nguyên nhân như thoái hóa khớp, miễn dịch, chuyển hóahoặc nhiễm trùng. Nếu bạn chỉ bị một khớp đơn độc, có thể nghĩ thêm đến nguyên nhân tại chỗ do chấn thương các cơ, xương quanh khớp.


Việc điều trị thường bao gồm các biện pháp tại chỗ như chườm lạnh và các nẹp nâng đỡ, thuốc kháng viêm không steroid và đôi khi tiêm steroid vào khớp. Bạn cần chụp X quang để đánh giá tổn thương khớp và loại trừ tổn thương xương. Các bác sĩ cũng cần vài xét nghiệm tổng quát để kiểm tra các rối loạn miễn dịch và chuyển hóa.

Bạn có thể dùng các thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng tạm thời nhưng cần khám để có chẩn đoán chính xác nếu muốn bệnh khỏi hẳn.

Chúc bạn mau khỏe, Thân mến!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3558 Đau thắt vùng bụng thường xuyên...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 22 Tháng 8 2016 - 10:09 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Gần 1 tuần nay, em thường xuyên bị đau thắt vùng bụng, đau âm ỉ từng cơn, đau ở quanh rốn, cơn đau chỉ một lúc là hết. Và em chưa từng có bất kì va chạm hay phẫu thuật vùng này. Kính mong Bác sĩ tư vấn giúp em ạ và hướng dẫn em cách điều trị. Em cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Vị trí đau quanh rốn và chỉ xảy ra từng lúc, các tính chất đau đó gợi ý đến nguồn gốc cơn đau từ ống tiêu hóa - ruột non hay ruột già. Việc chẩn đoán chính xác còn khám lâm sàng và một số xét nghiệm bổ sung. Tuy nhiên, khả năng nhiều nhất là em chỉ bị rối loạn tiêu hóa, có thể do vấn đề vệ sinh thực phẩm.

Các trường hợp rối loạn tiêu hóa này thường là nhẹ nếu không kèm tình trạng nôn ói hay tiêu chảy cấp. Bệnh nhân chỉ cần ăn nhẹ, dễ tiêu trong vài ngày để cơ thể tự hồi phục. Để giảm đau, có thể dùng các thuốc giảm co thắt cơ trơn như nospa, buscopan hay spasmaverine có thể mua không cần toa. Tuy nhiên, nếu sau khi uống thuốc vài ngày mà tình trạng đau không giảm, em cần đi khám bác sĩ để xác định lại nguyên nhân gây đau. Trong thời gian này, em cần chú ý đến việc ăn uống, đi tiêu tiểu để ghi nhận lại bất thường nếu có.
Chúc em mau khỏe,

Thân mến!

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin



#3556 Tăng chỉ số Creatinin sẽ dẫn đến suy thận...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 8 2016 - 11:12 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Kính chào Bác sĩ. Chỉ số Creatinin của em là 72,6, em sợ nó sẽ tiếp tục tăng và thành suy thận. Bác sĩ cho em hỏi làm thế nào để giảm chỉ số này. Em không có bệnh lý về thận trước đây cũng không bị tiểu đường hay huyết áp cao thế sao creatinin của em lại cao thế ạ? Em cũng từng đi khám nhưng không phát hiện có gì bất thường cả. Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào em,

Trước hết, cần xác định chỉ số creatinine của em là bình thường hay bất thường. Ở người nam bình thường, Creatinin trong máu là 0,6 đến 1,2 mg% hoặc 53 đến 106 micromol t/l. Theo đó, con số mà em cung cấp có vẻ là theo đơn vị microM/l và là trong giới hạn bình thường.

Trên thực tế, các chỉ số sinh hóa trong cơ thể thường có một độ giao động nhất định tùy theo cân bằng nước điện giải và theo chế độ ăn, sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, creatinin máu có thể tăng trong nhiều trường hợp như ăn nhiều chất đạm hoặc có nhiều hoạt động làm tăng sự chuyển hóa của cơ như tập vận động nặng, nhịn đói kéo dài hoặc mất nước. Trong những trường hợp này, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hoặc chế độ vận động của mình thì chỉ số creatinin sẽ trở lại bình thường. Trước mắt, chúng tôi cho là em không có gì phải lo lắng về vấn đề suy thận cả.

Xin chào và chúc em khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3555 Gan nhiễm mỡ, Sỏi thận...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 09 Tháng 8 2016 - 10:33 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, vừa rồi tôi có đi khám sức khoẻ tại phòng khám (giáo viên trường Đại Học Tôn Đức Thắng). Một trong những vấn đề tôi đang bị là: gan và thận.

  • Gan: men gan cao, gan nhiễm mở.
  • Thận: sỏi thận trái 9 mm.

Tôi muốn được tư vấn: Nên làm gì tiếp theo để điều trị các bệnh này. Xin cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Đây là hai vấn đề riêng biệt và cần được giải quyết khác nhau. Cả hai vấn đề đều không phải là khẩn cấp và bạn có thể chọn lựa giải quyết cùng lúc hoặc lần lượt. Xét theo mức độ cần thiết, bạn nên giải quyết vấn đề gan nhiễm mỡ trước khi điều trị sỏi thận.

  1. Trước hết về gan nhiễm mỡ  : Đây là một bệnh chuyển hóa, có thể là hậu quả của chế độ dinh dưỡng và chế độ ăn, nhưng cũng có thể là hậu quả của một bệnh lý khác như viêm gan hay xơ gan giai đoạn đầu.
    Trên thực tế, gan nhiễm mỡ nhẹ là một tình trạng phổ biến ở những người thừa cân, tăng lipid máu và những người dùng nhiều bia rượu. Trong trường hợp này, điều trị nhằm vào các yếu tố sinh bệnh ban đầu như giảm cân, giảm lipid máu và hạn chế bia rượu. Mức độ gan nhiễm mỡ thường nhẹ và không cần điều trị gì.
    Chỉ khi gan nhiễm mỡ đơn thuần không kèm bất cứ bệnh lý hay bất thường nào khác mới cần điều trị chuyên biệt.
    Trên thực tế, điều trị gan nhiễm mỡ thường bao gồm:
    • Chế độ ăn giảm cân, giảm mỡ và hạn chế bia rượu kèm chê độ vận động.
    • Điều chỉnh mỡ trong máu.
    • Các thuốc hổ trợ làm giảm men gan, lợi mật.
  2. Sỏi thận nếu không có triệu chứng thường không cần điều trị. Nếu muốn giải quyết triệt để, có thể đi khám để tán sỏi bằng siêu âm. Bạn cũng có thể đi thử nước tiểu để tìm hiểu thành phần của sỏi, tuy các thuốc ít có tác dụng làm tan sỏi rõ ràng.

Thân chào bạn.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3554 Trễ lịch tiêm chủng cho trẻ...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 08 Tháng 8 2016 - 10:07 AM trong Chủng ngừa - Tiêm phòng

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Con em từ khi mới sinh ra, cháu bị gãy xương vai, phải tiêm kháng sinh. Rồi mỗi tháng đến đợt chích ngừa thì cháu lại bị nóng, hoặc bệnh nên không tiêm chủng được. Bây giờ cháu đã 15 tháng tuổi (nặng 12 kg, cao hơn 80cm) chưa tiêm ngừa cho bé thì làm thế nào? Có nên đi xét nghiệm máu trước khi tiêm ngừa không, vì cháu dễ bị dị ứng. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Em nên đưa cháu đi chủng ngừa càng sớm càng tốt. Cháu sẽ được chỉ định tiêm ngừa các vaccine đã trễ lịch tiêm và bổ sung các vaccine theo tuổi hiện tại. Có 1 vài xét nghiệm cần thiết cần kiểm tra trước tiêm, em sớm đưa cháu đến cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng để được tư vấn cụ thể hơn nhé.

Trưởng Khoa Nhi - Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3553 Lách to và nhiễm HP...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 08 Tháng 8 2016 - 10:07 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, ông xã em hiện 44 tuổi. Đi siêu âm Bác sĩ bảo lách to nhẹ 51^117mm và cho xét nghiệm máu và gan tổng quát thì kết quả bình thường nhưng phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày. Cho em hỏi lách to và vi khuẩn HP có liên quan nhau không và trường hợp này cần phải làm gì. Cám ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào em,

Lách to và nhiễm HP không liên quan, là 2 vấn đề riêng biệt. Do đó, cần tách biệt 2 chuyện này.

  1. Đối với nhiễm HP : điều trị theo phác đồ.
  2. Đối với lách to : cần theo dõi thêm. Cũng cần chú ý là con số mà em cung cấp vẫn nằm trong giới hạn bình thường  nên việc xác định lách có to thật sự không vẫn là một câu hỏi.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng, nên tiếp tục kiểm tra để tìm nguyên nhân lách yo.

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng gì thì nên kiểm tra lại siêu âm sau 1 tháng.

Chúc em khỏe. Thân mên!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3552 Đau đầu thường xuyên...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 05 Tháng 8 2016 - 08:22 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Em là nữ năm nay 22 tuổi. Cứ tầm 2, 3 tuần em lại bị một cơn đau đầu kéo dài vài ngày. Ban đầu cơn đau nhức xảy ra ở giữa trán và thái dương bên trái, có lúc đau theo mạch đập. Sau đó em bị đau buốt nhói từng cơn phía trên thái dương bên phải, cứ tầm 1, 2 phút lại nhói lên vài lần, rất đau và khó chịu. Em bị thế này đã lâu, tầm 1 - 2 năm nay. Em rất lo lắng không biết mình bị bệnh gì, mong Bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều ạ.

TRẢ LỜI

Chào em,

Nhức đầu là một căn bệnh phổ biến, gây ra do nhiều nguyên nhân. Riêng trong trường hợp của em, vị trí đau và tính chất đau có gợi ý đến bệnh lý viêm động mạch thái dương (temporal arteritis) hay còn gọi là bệnh Horton. Tuy nhiên, để xác định cần loại trừ các bệnh khác bằng khám lâm sàng và CT. Để khẳng định, có thể cần phải làm sinh thiết tại chỗ.

Do đó, em cần khám chuyên khoa thêm để có chẩn đoán và điềru trị chính xác.

Thân chào

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3551 Chứng mất ngủ...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 04 Tháng 8 2016 - 09:42 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Năm nay tôi 60 tuổi. Nhiều năm gần đây, tôi bị chứng khó ngủ. Mỗi đêm tui chỉ ngủ được khoảng chừng 4-5 tiếng thậm chí nhiều đêm còn ít hơn. Tui có sử dụng thuốc ngủ nhưng rất ít (khoảng mấy ngày một lần) và dùng với liều lượng rất ít. Thời gian đầu rất có hiệu quả. Nhưng dạo gần đây tôi vẫn không ngủ được kể khi đã dùng thuốc, kèm theo đó là chứng đau đầu. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi: Nên ngủ bao nhiêu giờ/ ngày là hợp lý và tôi cần làm gì với trường hợp của mình. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Mất ngủ là một tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi và có rất nhiều nguyên nhân.

Trong một số trường hợp, mất ngủ có thể gây ra do một căn bệnh có sẵn về tâm lý như trầm cảm, hay về hô hấp như suyển hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Thậm chí, các bệnh nội tiết như cường giáp, tiểu đường và bệnh tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản cũng hay gây mất ngủ. Nhiều bệnh khác không gây mất ngủ nhưng những thuốc điều trị chúng lại góp phần gây nên mất ngủ.

Ngay cả khi không có bệnh, có nhiều yếu tố khác cũng góp phần ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các yếu tố thường gặp bao gồm độ ồn , điều kiện ánh sáng, tình trạng giường chiếu, chế độ ăn, lịch làm việc....

Khi hoàn toàn không tìm được nguyên nhân và yếu tố thuận lợi, chứng mất ngủ được coi là nguyên phát và được điều trị bởi các bác sĩ tâm lý, các bác sĩ thần kinh hoặc các chuyên viên chuyên về bệnh lý giấc ngủ. Có thể nói, thuốc an thần hay thuốc ngủ hầu như bao giờ cũng là biện pháp cuối cùng và việc sử dụng lâu dài không được khuyến khích.

Trong trường hợp của bạn, chúng tôi cho rằng nên xem xét lại để loại trừ các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ tử bên ngoài và điều chỉnh. Việc dùng thuốc , vì hầu hết đều là dạng phải ghi toa, bắt buộc bạn phải được khám và theo dõi ở phòng khám.

Ở nước ngoài, bệnh lý liên quan giấc ngủ là một lĩnh vực khá riêng và có những biện pháp điều trị chuyên biệt. Ở Việt Nam, rất tiếc là chưa chú ý lắm vào điều này.

Chúc bạn mau khỏe!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3550 Sỏi mật, sỏi thận...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 02 Tháng 8 2016 - 01:42 PM trong Tiết niệu - Thận

CÂU HỎI

Vừa rồi tôi đi siêu âm bụng ở bệnh viện, Bác sĩ cho biết kết quả là mật có sỏi 10mm thận phải 3,5. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và khoảng bao lâu thì nên siêu âm lại. Xin Bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Sỏi thận hay sỏi mật có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm mà không gây triệu chứng gì. Trong trường hợp của bạn:

  1. Siêu âm kiểm tra định kỳ hàng năm là phù hợp để theo dõi diễn tiến bệnh.
  2. Siêu âm mỗi khi bị đau lưng hoặc đau bụng nghi ngờ sỏi gây tắc nghẽn

 

Khi sỏi gây triệu chứng, biến chứng tắc nghẽn, nhiễm trùng,... bạn cần nghĩ đến việc can thiệp,  chủ yếu là dùng nội soi hay phẫu thuật.

 

Thân chào bạn

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3547 Bệnh lý về hồng cầu ở trẻ

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 30 Tháng 7 2016 - 08:38 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Cháu nhà em được 16 tháng, 8,5 kg sốt cao trong ba ngày, em cho đi khám Bác sĩ kết luận: Hồng cầu nhỏ nhược sắc hình bia và giọt nước. Bác sĩ cho em hỏi cách điều trị và bệnh này có nguy hiểm gì không? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Có vẻ như cháu đang có 2 vấn đề riêng biệt.

  • Sốt
  • Bệnh lý hồng cầu, nhiều khả năng là Thalassemia.

Thật ra, bệnh Thalassemia thể nặng có thể gây ra những đợt tán huyết cấp và gây sốt. Đáng tiếc, số thông tin ít ỏi không giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi sau đây:

  1. Cháu có đúng là bị Thalassemia không và mức độ thế nào?
  2. Cháu có thiếu máu không ? Có tán huyết không?
  3. Cháu có biểu hiện nhiễm trùng ở nơi nào khác không?
  4. Cuối cùng, sốt có phải do tán huyết hay do nguyên nhân nào khác ?

Không có thông tin, chúng tôi khó có thể biết là bệnh nặng hay nhẹ, và cũng không thể giải thích về điểu trị cần thiết. Bạn nên đặt các câu hỏi trên với BS điều trị để có câu trả lời chính xác.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3546 Đau và mất liên kết ở vùng khuỷu tay...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 30 Tháng 7 2016 - 08:37 AM trong Cơ xương khớp

CÂU HỎI

Thưa Bác sĩ, năm nay cháu 19 tuổi. Hồi 11t cháu bị ngã trật khuỷa tay vỡ xương má trong khuỷa tay. Gần mấy năm nay cháu cảm thấy tay cháu mất liên kết và rất yếu ở vùng khuỷa. Xin hỏi Bác sĩ đây có phải di chứng để lại không? Và cháu phải điều trị như thế nào? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào cháu, vấn đề khuỷu tay bị yếu đi rất có thể là do chấn thương mà cháu gặp phải năm 11 tuổi, cũng có thể do kết hợp với các hoạt động hoặc thói quen khác của cháu (tư thế, vận động thể thao, v.v...) Cách điều trị như thế nào sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác của vấn đề. Khuỷu tay có 3 khớp nối giữa hai xương cẳng tay và xương cánh tay, xung quanh các khớp có các dây chằng và cơ giúp cánh tay hoạt động linh hoạt và ổn định. Bất kỳ một sự rối loạn chức năng nào của một trong những bộ phận này cũng đều có thể gây ra các triệu chứng như của cháu gặp phải. Do đó cách tốt nhất là cần phải tìm ra được chính xác nguyên nhân.

Cháu nên đến gặp Bác sĩ chuyên về các vấn đề về thần kinh cột sống và xương khớp để tìm ra chính xác vấn đề mà cháu đang gặp phải. Các bác sĩ của trung tâm 3C sẽ tư vấn hướng điều trị tốt nhất cho cháu.

Giám đốc Y khoa - Bác sĩ KEVIN MERNISSI

Phòng khám Thần kinh Cột sống 3C

(http://3cchiro.com/)

(Facebook page: https://www.facebook.com/3ccare/)




#3545 Đau vùng thắt lưng nhiều năm...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 26 Tháng 7 2016 - 10:46 AM trong Cơ xương khớp

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, năm nay tôi 30 tuổi và tôi thường bị đau vùng thắt lưng đã nhiều năm nay. Khi tôi đi lại hoặc thậm chí chỉ đứng khoảng hơn 1 tiếng, tôi cảm thấy rất đau. Xin hỏi Bác sĩ, tôi cần làm gì đối với trường hợp này.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Vấn đề của bạn khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh đau lưng, như ngồi một chỗ quá lâu khi làm việc với máy tính, mang vác nặng hoặc đơn giản là té ngã hay chấn thương. Đa phần những cơn đau này đều liên quan tới đĩa đệm, khớp, cơ hoặc dây thần kinh. Ở vùng lưng dưới, chúng ta có 5 đốt sống và 2 khớp nối với xương chậu. Cơn đau của bạn có thể do một sự rối loạn chức năng nào đó thuộc vùng này.

Untitled-3.png

Tuy nhiên để biết chính xác, bác sĩ sẽ cần làm một số bài kiểm tra. Thuốc có thể giúp giảm đau nhưng nếu bạn thật sự muốn tìm kiếm một phương pháp tự nhiên, Chiropractic chính là giải pháp cho bạn. Đây là một phương pháp trị liệu bằng tay, hoàn toàn an toàn và không hề đau đớn. Bạn nên đặt hẹn để được các bác sĩ của chúng tôi kiểm tra, từ đó có thể chỉ ra chính xác vấn đề mà bạn đang gặp phải và đưa ra một liệu trình điều trị thích hợp với bệnh trạng của bạn.

Thân chào.

Giám đốc Y khoa - Bác sĩ KEVIN MERNISSI

Phòng khám Thần kinh Cột sống 3C

(http://3cchiro.com/)

Facebook page: https://www.facebook.com/3ccare/




#3544 Viêm thực quản do nấm...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 7 2016 - 01:58 PM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

 

Chào Bác sĩ. Khoảng 3 -4 tháng này em hay bị ợ hơi, cấn vùng thượng vị, khó tiêu, chướng bụng, cảm thấy vướng vướng cổ họng, nghĩ là trào ngược dạ dày và loét dạ dày tái phát (tiền sử em bị viêm loét dạ dày). Sau khi nội soi BS kết luận: Nấm thực quản chứ không phải loét và cũng không phải HP. Bác sĩ cho 1 số thuốc tiêu hoá như Glosicon, Elthon,... Và em thấy có thuốc Nystatin 15 ngày (60 viên, 1 ngày 2 lần, 1 lần 2 viên). Mong BS tư vấn giúp em:

  1. Em nghe nói đây là bệnh hiếm gặp, chỉ khi sức đề kháng giảm và suy giảm miễn dịch (như HIV, Lao, ... ) hiện em đang lo lắng là nguyên nhân nào gây ra bệnh. Em cũng từng bị viêm xoang và thường phải uống kháng sinh, phải chăng đây là nguyên nhân chính?
  2. Ngoài ra, thuốc Nystatin có trị khỏi hoàn toàn nấm ko? Bệnh này có dễ tái phát và lây nhiễm cho vợ con không? Giả sử khi hôn môi và móm cho con ăn. Ngoài ra thuốc này có gây tổn thương lớn cho gan, thận hay không?
  3. Sau 15 ngày thuốc thì để kiểm tra mình đã hết nấm chưa, thì em phải đi làm xét nghiệm máu hay phải đi soi lần nữa? Em xin cám ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Đúng như bạn nghĩ, bệnh viêm thực quản do nấm là một bệnh nhiễm khuẫn cơ hội, ít khi xảy ra ở người bình thường mà hay gặp khi bệnh nhân có vấn đề về sức đề kháng của cơ thể.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng. HIV, tiểu đường, ung thư hay lao thì cũng chỉ là một vài nguyên nhân có thể. Trên thực tế, có khá nhiều yếu tố thuận lợi khác làm người ta bị bệnh do nấm. Lạm dụng kháng sinh gây mất cân bằng các vi khuẩn đường tiêu hóa là một yếu tố thường gặp ở nước ta. Những yếu tố khác bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Mang răng giả
  • Bị khô miệng
  • Ăn nhiều đường
  • Bị một bệnh mãn tính khác...

Do đó, cần hạn chế hoặc loại trừ các yếu tố thuận lợi này để đảm bảo điều trị thành công.
Các vấn đề khác bạn hỏi:

  • Lây khi tiếp xúc? Điều này ít khả năng vì như đã nói, đây là bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Nếu cháu khỏe mạnh, việc tiếp xúc với bệnh nhân có nấm cũng không làm mắc bệnh. Mặt khác, cần biết là trong cơ thể người bình thường, nấm cũng có hiện diện với số lượng ít.
  • Tác dụng phụ? Nystatin là thuốc có tác dụng phụ tương đối ít, chủ yếu ở đường tiêu hóa. Với liều điều trị thông thường, ít khả năng gây tổn thương gan, thận ...
  • Theo dõi thường bằng lâm sàng, hiếm khi nào phải nội soi lại. Nếu triệu chứng không giảm hay nặng hơn, cần kiểm tra tổng quát để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn khác.

Chúc bạn mau khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3542 U tuyến ống nhánh là như thế nào? Và hướng điều trị?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 18 Tháng 7 2016 - 08:42 AM trong Các vấn đề liên quan đến Polyp

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Xin Bác sỹ cho biết kết quả xét nghiệm sau khi cắt nội soi POLYP đại tràng là: u tuyến ống nhánh, nghịch sản nặng,chân (-) là như thế nào và hướng điều trị tiếp theo? Xin cảm ơn Bác sỹ!

TRẢ LỜI

Xin chào em,

Các chi tiết được mô tả được dùng để đánh giá mức độ nguy cơ bị ung thư của tổn thương.

  • U dạng tuyến ống nhánh ( Tubular adrnoma) là dạng u xuất phát từ sự tăng sinh bất thường của lớp biểu mô lót bề mặt. Các tế bào vẫn còn giữ cấu trúc bình thường, xếp theo hình ống. Nói chung, dạng giải phẫu bệnh này có nguy cơ ung thư hóa thấp hơn u tuyến dạng nhú.
  • Tuy nhiên, sự hiện diện của tình trạng nghịch sản nặng làm cho mức rủi ro tăng thêm đáng kể. Hiện tượng nghịch sản nặng có thể coi như là tiền ung thư rồi.
  • Việc khảo sát chân polyp nhằm xác nhận khối u đã được lấy hết an toàn và không còn sót tế bào u có thể tái phát.

Trong trường hợp của em, chỉ định nội soi đại tràng cần được thực hiện mỗi 3 năm, hoặc ít hơn nếu cần thiết.

Chúc em khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersi




#3541 Quên uống thuốc, uống thuốc trễ có kháng thuốc, giảm hấp thu thuốc...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 18 Tháng 7 2016 - 08:37 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, em điều trị lao đến nay được gần 1 tháng. Sáng nay do hơi bận công việc nên em uống thuốc lao chậm 1 tiếng đông hồ (thời gian em phải uống thuốc là 9h nhưng hôm nay 10h em mới uống). Vậy bác sĩ cho em hỏi quên uống thuốc nhự vậy có bị kháng thuốc không ạ? Mong các bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

TRẢ LỜI

Chào em,

Quan tâm đến việc uống thuốc như thế là rất tốt. Tuy nhiên, việc uống trễ 1 giờ sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến qúa trình hấp thu và tác động của thuốc.

Việc này sẽ không làm tăng nguy cơ kháng thuốc, em cứ an tâm nhé.

Thân chào

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersi




#3540 Thoát vị màng não tủy ở trẻ sơ sinh...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 14 Tháng 7 2016 - 08:18 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Em xin hỏi bệnh thoát vị màng não tủy ở trẻ sơ sinh có điều trị khỏi được không ạ? Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Thoát vị màng não tủy là một dị dạng bẩm sinh hệ thần kinh thường gặp và có thể chẩn đoán trước sinh khi siêu âm.

Khi đã có chẩn đoán thoát vị màng não tủy, điều trị duy nhất là phẫu thuật và nên làm sớm để hạn chế nhiễm trùng và những tổn thương của hệ thần kinh.

Nếu ca mổ sớm và thành công, bé có thể hồi phục mà không có di chứng nào. Chúc em may mắn.

Thân mến!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3539 Bị thủy đậu trong giai đoạn đầu thai kì...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 06 Tháng 7 2016 - 10:06 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thân chào Bác sĩ. Em vừa khỏi thủy đậu cách đây 2 tuần. Nhưng hiện tại em vừa phát hiện, em đã có thai được 5 tuần (tức thời em bị thủy đậu trong giai đoạn mang thai). Vậy với tình trạng như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi và sự phát triển của bé sau này không ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào em, trường hợp mắc bệnh Thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao ảnh hưởng tới em bé em ạ (có thể có dị tật bẩm sinh). Vì thế em nên đi khám Bác sĩ Chuyên khoa Sản sớm nhất có thể để được tư vấn và điều trị thích hợp. Chào em!

Trưởng Khoa Nhi - BS. Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3538 Nấm đường tiêu hóa có nội soi được không?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 04 Tháng 7 2016 - 08:32 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, tôi đi xét nghiệm phân ở phòng khám Hòa Hảo TP.HCM. Kết quả tôi bị nấm đường tiêu hóa. Vậy xin Bác sĩ cho biết tôi đi nội soi được không?

Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi thấy có 2 ý như sau :

1. Có nấm trong phân : đây thường được coi là dấu hiệu tăng trưởng quá mức của nhóm nấm ký sinh trong đường tiêu hóa. Nếu xét nghiệm có nhiều nấm kèm với triệu chứng lâm sàng gợi ý( thường là rối loạn tiêu hóa kéo dài như đầy bụng, tiêu chảy , đau bụng v.v...), bác sĩ có thể chỉ định điều trị nấm ngay mà không cần nội soi.

2. Câu hỏi là có nội soi được hay không ? Tất nhiên là được vì không có chống chỉ định. Tuy nhiên, việc xác định nhiễm nấm không thực sự yêu cầu nội soi. Nội soi chỉ nên chỉ định khi chẩn đoán còn nghi ngờ và chưa loại trừ hẳn tổn thương khác ngư ung thư.
Vấn đề cần quan tâm hơn không phải là nội soi mà phải đánh giá toàn thân để xác định những yếu tố làm thay đổi tổng trạng giúp các nhiễm trùng cơ hội bộc phát.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3537 Chưa đủ 18 tuổi có được hiến gan...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 27 Tháng 6 2016 - 08:18 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thưa Bác Sỹ, năm nay con 17 tuổi, dì của con ở Việt nam đang cần một người hiến gan trong khi gia đình chỉ còn hai dì cháu. Bác sĩ cho con hỏi hiện tại con chưa đủ 18 tuổi nhưng vì sức khỏe của dì thì con có được hiến gan không ạ? Nếu con hiến gan thì sức khỏe của con sau này có những biến chứng hay suy giảm và có thể hồi phục không ạ? Con cần làm gì để hồi phục sức khỏe ạ?

Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Chào cháu,

Cháu rất tốt khi mạnh dạn nghĩ đến việc giúp đỡ người thân trong gia đình như thế. Việc hiến gan từ người sống đã được thực hiện khá rộng rãi trên thế giới nhưng còn ít phổ biến ở Việt Nam. Tiêu chuẩn chung của thế giới là người cho phải trên 18 tuổi. Điều này không chỉ liên quan đến việc xác định mốc trưởng thành về giải phẫu, mà còn về vấn đề nhận thức và trách nhiệm pháp lý.
Riêng ở Việt Nam, tuổi người hiến gan được Bộ Y tế quy định là 20-55 tuổi. Do đó, với mức tuổi của cháu hiện tại, việc hiến gan phần nhiều không được chấp thuận. Trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ như bệnh của dì cháu nặng và cháu không còn người thân khác, có khả năng việc cho gan được chấp thuận khi cháu đã qua 18 tuổi. Cháu nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ điều trị hoặc đơn vị điều phối ghép tạng ở tỉnh, thành mà dì cháu đang cự ngụ để có thêm thông tin:
1. Đơn vị điều phối tại Bệnh viện Chợ Rẫy có địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM.

2. Trung tâm Điều phối qUốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có địa chỉ số 40 Tràng Thi, Hà Nội.

Việc cho tạng cũng là một cuộc mổ nên vẫn có khả năng có tai biến trong và sau khi mổ. Để hạn chế các tai biến, đơn vị ghép tạng cẩn kiểm tra người cho cẩn thận trước khi đồng ý việc hiến và ghép tạng. Khối lượng mô gan lấy ra đươc tính toán để người cho có thể sống hoàn toàn như người bình thường mà không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3535 Bụng đau nhẹ, đi ngoài nhiều lần, lỏng...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 22 Tháng 6 2016 - 09:03 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, hai tuần nay bụng tôi cứ đau râm râm từng cơn nhẹ, ngày khoảng 4 - 5 lần, đi ngoài hơi lỏng, mỗi lần đau khoảng 20' và không đau lắm. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi và cho tôi lời khuyên. Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Rất tiếc, Chúng tôi rất khó để có thể phân tích sâu hơn cho bạn vì với những triệu chứng mà bạn nêu, hầu như tất cả các bệnh lý vùng bụng đều có thể là nguyên nhân. Nói cách khác, có thể là bệnh của ống tiêu hóa - bao gồm dạ dày và đại tràng, hệ niệu dục - bao gồm các bệnh của tử cung và phần phụ, hoặc của các cơ quan khác như tụy tạng, lá lách v.v... Có một triệu chứng làm định hướng chẩn đoán nghiêng về bệnh của ống tiêu hóa, cụ thể là đường ruột - là đi ngoài hơi lỏng,...

Với suy nghĩ đó, cộng với sự phổ biến của các bệnh đường ruột và sự tràn lan của các thực phẩm kém an toàn, khả năng bạn bị rối loạn tiêu hóa/ viêm dạ dày là rất cao. Không có khả năng xác định cụ thể vị trí cũng như tác nhân gây bệnh với thông tin hạn chế như nêu trên.

Lời khuyên của chúng tôi ở giai đoạn này là chờ khoảng 48 giờ để đường tiêu hóa của bạn tự hồi phục. Trong thời gian này, bạn có thể dùng một vài thuốc bán không cần toa để giúp ổn định triệu chứng. Các thuốc có thể dùng bao gồm băng niêm mạc (Smecta  hay PeptoBismol chẳng hạn) kèm với thuốc giảm co thắt (Spasmaverine hay Nospa).

Nếu tình trạng nặng hơn : đau hay tiêu chảy nặng hơn và/ hoặc có sốt , hoặc không hết sau 48 giờ, bạn nên đi khám để có chẩn đoán và điều trị chính xác.

Chúc bạn mau khỏe

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin





Hội thảo chuyên môn

Gửi câu hỏi