Đến nội dung

Nội dung của BS YERSIN

207 phương tiện bởi BS YERSIN (Tìm kiếm giới hạn từ 20-Tháng 5 23)



#3527 Vấn đề chích ngừa vaccin 6 in 1 cho bé

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 20 Tháng 5 2016 - 03:08 PM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI:

Thưa Bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi về vấn đề chích ngừa vaccin 6 in 1 cho bé. Hiện bé nhà em đã chích ngừa vaccin 6in 1 đến mũi thứ 3, bs hẹn đến tháng 24 chích nhắc lại mũi thứ 4. Nhưng vì khan hiếm vaccin nên bé không được chích đúng thời hạn, đến giờ đã có vaccin trở lại, nhưng em gọi lên đăng ký để chích ngừa thì tổng đài trả lời là bé đã quá 24 tháng thì không được chích mũi thứ 4 vaccin 6 in 1 nữa mà sẽ chuyển sang chích 3 in 1 hoặc 4 in 1. Như vậy thì có hợp lý không. Nếu đúng thì bé có thể chích các mũi này ở đâu.

Trân trọng kính chào!

- Trần thị Bích Ngân -

TRẢ LỜI

Chào em.

Hiện tại theo chỉ đạo của Sở Y tế vacccin Pentaxim ( 5 in 1), và InfanrixHexa ( 6 in 1) chủ ưu tiên cho các bé chích mũi 1-2-3. Mũi thứ 4 sẽ được thay bằng 3 trong 1 hay 4 trong 1 (Bạch hầu- ho gà-uốn ván-bại liệt), 2 loại này em có thể cho bé chích tại BV Nhi đồng.

Vì tình hình vaccin đang khan hiếm nên con em không được ưu tiên chích mũi 4 chứ không phải không chích được 5 hay 6 trong 1. Vaccin 5 và 6 trong 1 vẫn chích được cho trẻ dưới 5 tuổi.

Thân chào bạn,

BS. Nguyễn Hải Thanh -  Chuyên khoa I - Nhi Khoa
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3528 Bé không đi ngoài được ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 6 2016 - 08:22 AM trong Bệnh thường gặp ở trẻ

CÂU HỎI

Xin chào Bác sĩ.

Bé nhà con hiện được 7 tuổi. Tình hình là hơn 15 ngày nay, bé không đi ngoài được. Con có cho bé uống Sorbiton mà vẫn không thấy hiệu quả. Xin Bác sĩ tư vấn giúp con ạ. Cám ơn Bác sĩ rất nhiều.

 

TRẢ LỜI

Chào em,

Đầu tiên, em nên xem lại chế độ ăn của cháu có đầy đủ các thành phần: Bột, đạm, rau củ quả và dầu ăn chưa. Ngoài ra, thời tiết nóng bức như hiện nay khiến cơ thể của cháu tiết nhiều mồ hôi, dễ mất nước nên cần cho bé uống đủ nước, ít nhất 2 lít/ ngày (bao gồm sữa, nước trái cây,...).
Tiếp theo, em kiểm tra xem phân của cháu có cứng quá không, cháu có bị đau mỗi lần đi ngoài hay cháu có tâm lý sợ khi đi ngoài không (chảng hạn vì sợ bẩn, vì ham chơi,...). Bác không biết tiền sử trước đó như thế nào để có thể tư vấn rõ hơn cho cháu.
Ngoài ra, Sorbitol là thuốc nhuận tràng thường dùng theo thói quen để trị táo bón. Chúng ta không nên lạm dụng thuốc này vì có thể sẽ có tác dụng ngược lại. Nếu cháu đã dùng Sorbitol mà vẫn chưa đi ngoài được thì em nên sớm đưa cháu đến phòng khám để Bác sĩ tư vấn và có chẩn đoán điều trị thích hợp nhất.

Thân chào em,

 

BS. Nguyễn Hải Thanh -  Chuyên khoa I - Nhi Khoa
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3530 Tổn thương phổi và giảm lympho

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 08 Tháng 6 2016 - 03:51 PM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thưa Bác sĩ, dưới đây là kết quả xét nghiệm của cháu:

WBC: 4.22; Lymph#: 0.39 x 10^9/L; Mid#: 0.43 x 10^9/L; Gran#: 3.40 x 10^9/L; Lymph%: 9.2%; Mid%: 10.1%; Gran%: 80.7%; RBC: 4.73x 10^12/L; Hgb: 13.9g/dL; Hct: 41%; Mcv: 86.6fL; Mch: 29.3pg; Mchc: 33.9g/dL Rdwc: 15.8% Plt: 257 x 10^9/L; Mpv: 9.8fL; Pct: 0.25%; Pdwc: 37.8%.

Cháu đã đi khám và được chẩn đoán bị bệnh viêm phổi, nhưng cháu thấy chỉ số Lymph# của cháu quá thấp. Nên cháu chưa an tâm lắm.

Ngoài ra, cháu cũng đang rất lo mình bị nhiễm HIV. Rất mong Bác sĩ cho cháu lời khuyên ạ.

Chân thành cảm ơn Bác sĩ.

 

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Rất tiếc, dữ liệu bạn cung cấp quá ít nên chúng tôi khó có thể phân tích sâu hơn cho bạn. Kết quả xét nghiệm máu đúng là có giảm tế bào lympho nhưng đây là một triệu chứng không đặc hiệu và có thể gặp ở nhiều loại nhiễm trùng khác nhau.

Sự kết hợp giữa tổn thương phổi và giảm lympho làm gợi ý đến các nhiễm trùng mãn tính , kể cả do một số siêu vi. Chúng tôi khuyên bạn điều trị viêm phổi trước. Sau khi tình trạng phổi đã ổn định, bạn nên kiểm tra lại công thức máu lần nữa để xem tình trạng bệnh diễn tiến như thế nào.

Riêng về HIV, có thể bạn bị phơi nhiễm nên cảm thấy lo lắng? Nếu đúng thế, bạn cần đi thử máu để biết kết quả chính xác nhất. Lympho giảm cũng có thể là biểu hiện của nhiễm HIV nhưng thường chỉ gặp khi đã phát bệnh.

Thân chào.

 

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3531 Trẻ thường xuyên bị viêm amidan

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 09 Tháng 6 2016 - 03:18 PM trong Bệnh thường gặp ở trẻ

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ,

Con tôi năm nay 7 tuổi. Cháu thường xuyên bị viêm amidan từ hồi mới được 2 tuổi. Cháu thường bị ngứa rát họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ, hơi thở hôi, giọng nói thỉnh thoảng khàn nhẹ, hay sốt. Cháu cũng thường bị viêm mũi, chảy dịch gây khó thở, nhất là khi gặp khói bụi.

Xin Bác sỹ cho lời khuyên, đối với trường hợp cuả cháu nên điều trị như thế nào?

TRẢ LỜI

Chào em,

Amidan là một tổ chức bạch huyết phát triển mạnh nhất ở tuổi lên 2. Song song với sự phát triển là sự viêm nhiễm tái đi tái lại ở trẻ độ tuổi đi học. Trường hợp của cháu có thêm hiện tượng viêm mũi, chảy dịch, gây khó thở nhất là khi gặp khói bụi, rất có khả năng cháu bị viêm VA kèm theo. VA là 1 tổ chức gần giống Amidan, vị trí ở phía sau, trên mũi họng. Vì ở 2 vị trí mũi và họng nên VA và Amidan thường xuyên tiếp xúc với các mầm bệnh trong không khí và trong thức ăn trước khi đưa vào cơ thể để được kích thích tạo miễn dịch, đồng thời cũng vì thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh nên VA là Amidan hay bị viêm, nhiễm trùng.


Do vậy, đối với trường hợp của cháu nên tránh môi trường khói bụi, khói thuốc lá, tiếp xúc hóa chất,… Nếu trong một năm cháu bị tái phát từ 6 lần trở lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, giấc ngủ… thì em nên đưa cháu đến Bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Thân ái.

BS. Nguyễn Thị Hải Thanh

BSNT – Chuyên khoa I – Nhi khoa

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3532 Trẻ ăn uống khó khăn, hay nôn...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 11 Tháng 6 2016 - 11:30 AM trong Bệnh thường gặp ở trẻ

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, tôi có con trai đã 8 tháng tuổi rồi nhưng chỉ nặng 7,5kg. Cháu ăn uống rất khó khăn, mỗi lần uống sữa chỉ được 60ml mà đôi lúc còn nôn ra hết. Tôi đã đưa đi khám ở bệnh viện nhưng vẫn không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ có cho uống thuốc chống nôn trước khi ăn nhưng vẫn không có kết quả tốt.

Mong Bác sĩ tư vấn tôi nên làm thế nào để tình hình của con tôi được cải thiện. Mong sớm nhận được tư vấn của Bác sĩ. Xin cảm ơn Bác sĩ.

 

TRẢ LỜI

Chào em,

Con trai em 8 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 7,5 kg là chậm cân so với độ tuổi phát triển của bé. Tình trạng cháu hay nôn có thể cháu bị trào ngược dạ dày – thực quản, đây là 1 vấn đề hay gặp ở trẻ em.

Vomiting-in-the-newborn.png

Trào ngược dạ dày - Vấn đề thường gặp ở trẻ (Ảnh sưu tầm)

 

Tùy vào mức độ trào ngược sẽ có những loại thuốc thích hợp để cải thiện tình trạng cho cháu. Nếu chỉ dùng thuốc chống nôn thông thường mà không điều chỉnh chế độ ăn và cách chăm sóc thì cũng không thể khắc phục triệt để vấn đề của cháu. Em nên đưa cháu đến Bác sĩ Khoa Nhi để khám, tư vấn, điều trị để giúp cháu nhanh chóng bắt kịp đà tăng trưởng theo tuổi.

Thân mến chào em.

 

BS. Nguyễn Thị Hải Thanh

BSNT – Chuyên khoa I – Nhi khoa

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3533 Nổi nốt đỏ có phải ung thư máu?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 15 Tháng 6 2016 - 12:14 PM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Trên người em có nổi một vài nốt đỏ như nốt ruồi son. Em có tham khảo một số nguồn trên Internet, trường hợp này có khả năng bị ung thư máu. Em cũng thỉnh thoảng đau đầu và thường xuyên mất ngủ. Em đang lo lắng không biết mình có bị ung thư máu thật không. Mong câu trả lời từ Bác sĩ. Trân trọng cám ơn.

TRẢ LỜI

Chào cháu,

Nốt đỏ trên da có thể có nhiều nguyên nhân. Thường gặp nhất là các bệnh ngoài da hay dị ứng. Cái mà cháu lo sợ có lẽ là các chấm đỏ do xuất huyết dưới da, do giảm tiểu cầu, có thể gặp trong một vài ca ung thư máu.

Do số nguyên nhân có rất nhiều, việc chỉ dựa vào vài nốt đỏ mà nghi ngờ ung thư thì rất ít khả năng. Trong thực tế, các ca ung thư máu thường khởi phát bằng sốt kèm tình trạng suy sụp nhanh.

Để không phải lo, cháu có thể đi khám bác sĩ để xác định các nốt đỏ đó là gì.
Một cách khác là cháu đi thử công thức máu. Cách này có thể phát hiện các bất thường về máu nếu có.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3534 Em có bị ung thư vú khi thấy những dấu hiệu...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 16 Tháng 6 2016 - 03:02 PM trong Phụ khoa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, hiện tại em đang rất hoang mang ko biết mình có bị ung thư vú hay không? Em xin trình bày những dấu hiệu em mắc phải: Cách đây vài tháng em có bị hạch dưới nách phải, đã làm sinh thiết và kết quả không có tế bào ung thư. Bác sĩ chẩn đoán em bị viêm nang lông (do em hay dùng dao cạo để vệ sinh vùng nách, có lần chảy máu). Thời gian gần đây, em thấy tay phải của mình hay bị giựt, mỏi, thỉnh thoảng thấy hơi nóng, tay mỏi và run.

Hôm nay em đi tắm, phát hiện thấy có cục u nhỏ nhỏ gần đầu núm vú phải, em sờ kĩ thì thấy nó gây nhức. Ngoài ra, em có nhìn vào gương và so sánh: Hai ngực vẫn đều, chưa thấy ngực nào to hơn hay biến dạng hơn so với ngực còn lại. Xung quanh núm vú em có mấy hạt trắng trắng, em nặn ra là mụn, nhưng thỉnh thoảng em nặn ra có nước. Em không biết là do cách hạch dưới nách lúc trước nó chạy lại hay ko? Tiền sử nhà em không có ai bị ung thư vú, nhưng các dì có bị u bã đậu, u ngay đùi nhưng là u lành tính.

Em hay chạy nhảy, vận động, ra nhiều mồ hôi, đôi lúc có mặc áo ngực chật. Em không biết những việc này có làm ẩm, bí hơi, dẫn đến viêm chân lông như hồi bị ở nách hay không? Em cũng có ăn cánh gà, nhưng tần suất thấp, lúc trước cũng hay đi ăn đồ nướng (vú dê, chân gà,...) nhưng giờ em đã hạn chế lại. Hơn 1 năm rưỡi trở lại đây tóc em bắt đầu rụng nhiều, em cũng nhuộm duỗi nên ko biết đâu là nguyên nhân. Ngoài những điều trên, em rất hay thường bị ho, ho kéo dài, xúc miệng hay nôn ra nước bọt.

Em đang vô cùng lo lắng nên rất mong Bác sĩ hồi âm sớm giúp em. Cảm ơn Bác sĩ.

 

TRẢ LỜI

Chào em,

Theo như lời em kể, hạch ở nách của em đã sinh thiết, kết quả không có tế bào ung thư và chỉ là viêm nang lông, nên không có điều gì em phải lo nữa.

Một số điều kiện thuận lợi dễ dẫn đến viêm nang lông như: Ra mồ hôi nhiều hay gặp điều kiện vệ sinh, ăn mặc không bảo đảm thông thoáng và sạch tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn cư trú và phát triển tại lỗ chân lông gây viêm nang lông.

Duỗi nhuộm tóc điều là những yếu tố làm dễ rụng tóc.

Trường hợp ho kéo dài của em, phải đến khám chuyên khoa NỘI VÀ TAI MŨI HỌNG để có chẩn đoán chính xác nhất.

Vấn đề chính của em là lo sợ có phải bị ung thư vú không? Vậy nên mặc dù em không có tiền sử gia đình về ung thư vú nhưng nếu bây giờ em phát hiện có u cục nhỏ ở vú thì mời em đến cơ sở y tế có chuyên khoa SPK, nhũ hoa để được khám và tìm hiểu bản chất khối em sờ thấy là gì.

Phòng khám Yersin rất vui mừng chào đón em.

Chúc em may mắn! Thân mến.

Trưởng Sản - Phụ khoa, Bác sĩ Trần Thị Anh Lan

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

shutterstock_37245157.jpg

_______________________________________________________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.




#3535 Bụng đau nhẹ, đi ngoài nhiều lần, lỏng...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 22 Tháng 6 2016 - 09:03 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, hai tuần nay bụng tôi cứ đau râm râm từng cơn nhẹ, ngày khoảng 4 - 5 lần, đi ngoài hơi lỏng, mỗi lần đau khoảng 20' và không đau lắm. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi và cho tôi lời khuyên. Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Rất tiếc, Chúng tôi rất khó để có thể phân tích sâu hơn cho bạn vì với những triệu chứng mà bạn nêu, hầu như tất cả các bệnh lý vùng bụng đều có thể là nguyên nhân. Nói cách khác, có thể là bệnh của ống tiêu hóa - bao gồm dạ dày và đại tràng, hệ niệu dục - bao gồm các bệnh của tử cung và phần phụ, hoặc của các cơ quan khác như tụy tạng, lá lách v.v... Có một triệu chứng làm định hướng chẩn đoán nghiêng về bệnh của ống tiêu hóa, cụ thể là đường ruột - là đi ngoài hơi lỏng,...

Với suy nghĩ đó, cộng với sự phổ biến của các bệnh đường ruột và sự tràn lan của các thực phẩm kém an toàn, khả năng bạn bị rối loạn tiêu hóa/ viêm dạ dày là rất cao. Không có khả năng xác định cụ thể vị trí cũng như tác nhân gây bệnh với thông tin hạn chế như nêu trên.

Lời khuyên của chúng tôi ở giai đoạn này là chờ khoảng 48 giờ để đường tiêu hóa của bạn tự hồi phục. Trong thời gian này, bạn có thể dùng một vài thuốc bán không cần toa để giúp ổn định triệu chứng. Các thuốc có thể dùng bao gồm băng niêm mạc (Smecta  hay PeptoBismol chẳng hạn) kèm với thuốc giảm co thắt (Spasmaverine hay Nospa).

Nếu tình trạng nặng hơn : đau hay tiêu chảy nặng hơn và/ hoặc có sốt , hoặc không hết sau 48 giờ, bạn nên đi khám để có chẩn đoán và điều trị chính xác.

Chúc bạn mau khỏe

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3537 Chưa đủ 18 tuổi có được hiến gan...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 27 Tháng 6 2016 - 08:18 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thưa Bác Sỹ, năm nay con 17 tuổi, dì của con ở Việt nam đang cần một người hiến gan trong khi gia đình chỉ còn hai dì cháu. Bác sĩ cho con hỏi hiện tại con chưa đủ 18 tuổi nhưng vì sức khỏe của dì thì con có được hiến gan không ạ? Nếu con hiến gan thì sức khỏe của con sau này có những biến chứng hay suy giảm và có thể hồi phục không ạ? Con cần làm gì để hồi phục sức khỏe ạ?

Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Chào cháu,

Cháu rất tốt khi mạnh dạn nghĩ đến việc giúp đỡ người thân trong gia đình như thế. Việc hiến gan từ người sống đã được thực hiện khá rộng rãi trên thế giới nhưng còn ít phổ biến ở Việt Nam. Tiêu chuẩn chung của thế giới là người cho phải trên 18 tuổi. Điều này không chỉ liên quan đến việc xác định mốc trưởng thành về giải phẫu, mà còn về vấn đề nhận thức và trách nhiệm pháp lý.
Riêng ở Việt Nam, tuổi người hiến gan được Bộ Y tế quy định là 20-55 tuổi. Do đó, với mức tuổi của cháu hiện tại, việc hiến gan phần nhiều không được chấp thuận. Trong những trường hợp đặc biệt, ví dụ như bệnh của dì cháu nặng và cháu không còn người thân khác, có khả năng việc cho gan được chấp thuận khi cháu đã qua 18 tuổi. Cháu nên liên hệ trực tiếp với bác sĩ điều trị hoặc đơn vị điều phối ghép tạng ở tỉnh, thành mà dì cháu đang cự ngụ để có thêm thông tin:
1. Đơn vị điều phối tại Bệnh viện Chợ Rẫy có địa chỉ: 201B Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TPHCM.

2. Trung tâm Điều phối qUốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có địa chỉ số 40 Tràng Thi, Hà Nội.

Việc cho tạng cũng là một cuộc mổ nên vẫn có khả năng có tai biến trong và sau khi mổ. Để hạn chế các tai biến, đơn vị ghép tạng cẩn kiểm tra người cho cẩn thận trước khi đồng ý việc hiến và ghép tạng. Khối lượng mô gan lấy ra đươc tính toán để người cho có thể sống hoàn toàn như người bình thường mà không bị ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3538 Nấm đường tiêu hóa có nội soi được không?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 04 Tháng 7 2016 - 08:32 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, tôi đi xét nghiệm phân ở phòng khám Hòa Hảo TP.HCM. Kết quả tôi bị nấm đường tiêu hóa. Vậy xin Bác sĩ cho biết tôi đi nội soi được không?

Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi thấy có 2 ý như sau :

1. Có nấm trong phân : đây thường được coi là dấu hiệu tăng trưởng quá mức của nhóm nấm ký sinh trong đường tiêu hóa. Nếu xét nghiệm có nhiều nấm kèm với triệu chứng lâm sàng gợi ý( thường là rối loạn tiêu hóa kéo dài như đầy bụng, tiêu chảy , đau bụng v.v...), bác sĩ có thể chỉ định điều trị nấm ngay mà không cần nội soi.

2. Câu hỏi là có nội soi được hay không ? Tất nhiên là được vì không có chống chỉ định. Tuy nhiên, việc xác định nhiễm nấm không thực sự yêu cầu nội soi. Nội soi chỉ nên chỉ định khi chẩn đoán còn nghi ngờ và chưa loại trừ hẳn tổn thương khác ngư ung thư.
Vấn đề cần quan tâm hơn không phải là nội soi mà phải đánh giá toàn thân để xác định những yếu tố làm thay đổi tổng trạng giúp các nhiễm trùng cơ hội bộc phát.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3539 Bị thủy đậu trong giai đoạn đầu thai kì...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 06 Tháng 7 2016 - 10:06 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thân chào Bác sĩ. Em vừa khỏi thủy đậu cách đây 2 tuần. Nhưng hiện tại em vừa phát hiện, em đã có thai được 5 tuần (tức thời em bị thủy đậu trong giai đoạn mang thai). Vậy với tình trạng như vậy có ảnh hưởng gì đến thai nhi và sự phát triển của bé sau này không ạ? Xin cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào em, trường hợp mắc bệnh Thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao ảnh hưởng tới em bé em ạ (có thể có dị tật bẩm sinh). Vì thế em nên đi khám Bác sĩ Chuyên khoa Sản sớm nhất có thể để được tư vấn và điều trị thích hợp. Chào em!

Trưởng Khoa Nhi - BS. Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3540 Thoát vị màng não tủy ở trẻ sơ sinh...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 14 Tháng 7 2016 - 08:18 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Em xin hỏi bệnh thoát vị màng não tủy ở trẻ sơ sinh có điều trị khỏi được không ạ? Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Thoát vị màng não tủy là một dị dạng bẩm sinh hệ thần kinh thường gặp và có thể chẩn đoán trước sinh khi siêu âm.

Khi đã có chẩn đoán thoát vị màng não tủy, điều trị duy nhất là phẫu thuật và nên làm sớm để hạn chế nhiễm trùng và những tổn thương của hệ thần kinh.

Nếu ca mổ sớm và thành công, bé có thể hồi phục mà không có di chứng nào. Chúc em may mắn.

Thân mến!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3541 Quên uống thuốc, uống thuốc trễ có kháng thuốc, giảm hấp thu thuốc...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 18 Tháng 7 2016 - 08:37 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, em điều trị lao đến nay được gần 1 tháng. Sáng nay do hơi bận công việc nên em uống thuốc lao chậm 1 tiếng đông hồ (thời gian em phải uống thuốc là 9h nhưng hôm nay 10h em mới uống). Vậy bác sĩ cho em hỏi quên uống thuốc nhự vậy có bị kháng thuốc không ạ? Mong các bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.

TRẢ LỜI

Chào em,

Quan tâm đến việc uống thuốc như thế là rất tốt. Tuy nhiên, việc uống trễ 1 giờ sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến qúa trình hấp thu và tác động của thuốc.

Việc này sẽ không làm tăng nguy cơ kháng thuốc, em cứ an tâm nhé.

Thân chào

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersi




#3542 U tuyến ống nhánh là như thế nào? Và hướng điều trị?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 18 Tháng 7 2016 - 08:42 AM trong Các vấn đề liên quan đến Polyp

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Xin Bác sỹ cho biết kết quả xét nghiệm sau khi cắt nội soi POLYP đại tràng là: u tuyến ống nhánh, nghịch sản nặng,chân (-) là như thế nào và hướng điều trị tiếp theo? Xin cảm ơn Bác sỹ!

TRẢ LỜI

Xin chào em,

Các chi tiết được mô tả được dùng để đánh giá mức độ nguy cơ bị ung thư của tổn thương.

  • U dạng tuyến ống nhánh ( Tubular adrnoma) là dạng u xuất phát từ sự tăng sinh bất thường của lớp biểu mô lót bề mặt. Các tế bào vẫn còn giữ cấu trúc bình thường, xếp theo hình ống. Nói chung, dạng giải phẫu bệnh này có nguy cơ ung thư hóa thấp hơn u tuyến dạng nhú.
  • Tuy nhiên, sự hiện diện của tình trạng nghịch sản nặng làm cho mức rủi ro tăng thêm đáng kể. Hiện tượng nghịch sản nặng có thể coi như là tiền ung thư rồi.
  • Việc khảo sát chân polyp nhằm xác nhận khối u đã được lấy hết an toàn và không còn sót tế bào u có thể tái phát.

Trong trường hợp của em, chỉ định nội soi đại tràng cần được thực hiện mỗi 3 năm, hoặc ít hơn nếu cần thiết.

Chúc em khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersi




#3544 Viêm thực quản do nấm...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 7 2016 - 01:58 PM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

 

Chào Bác sĩ. Khoảng 3 -4 tháng này em hay bị ợ hơi, cấn vùng thượng vị, khó tiêu, chướng bụng, cảm thấy vướng vướng cổ họng, nghĩ là trào ngược dạ dày và loét dạ dày tái phát (tiền sử em bị viêm loét dạ dày). Sau khi nội soi BS kết luận: Nấm thực quản chứ không phải loét và cũng không phải HP. Bác sĩ cho 1 số thuốc tiêu hoá như Glosicon, Elthon,... Và em thấy có thuốc Nystatin 15 ngày (60 viên, 1 ngày 2 lần, 1 lần 2 viên). Mong BS tư vấn giúp em:

  1. Em nghe nói đây là bệnh hiếm gặp, chỉ khi sức đề kháng giảm và suy giảm miễn dịch (như HIV, Lao, ... ) hiện em đang lo lắng là nguyên nhân nào gây ra bệnh. Em cũng từng bị viêm xoang và thường phải uống kháng sinh, phải chăng đây là nguyên nhân chính?
  2. Ngoài ra, thuốc Nystatin có trị khỏi hoàn toàn nấm ko? Bệnh này có dễ tái phát và lây nhiễm cho vợ con không? Giả sử khi hôn môi và móm cho con ăn. Ngoài ra thuốc này có gây tổn thương lớn cho gan, thận hay không?
  3. Sau 15 ngày thuốc thì để kiểm tra mình đã hết nấm chưa, thì em phải đi làm xét nghiệm máu hay phải đi soi lần nữa? Em xin cám ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Đúng như bạn nghĩ, bệnh viêm thực quản do nấm là một bệnh nhiễm khuẫn cơ hội, ít khi xảy ra ở người bình thường mà hay gặp khi bệnh nhân có vấn đề về sức đề kháng của cơ thể.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá lo lắng. HIV, tiểu đường, ung thư hay lao thì cũng chỉ là một vài nguyên nhân có thể. Trên thực tế, có khá nhiều yếu tố thuận lợi khác làm người ta bị bệnh do nấm. Lạm dụng kháng sinh gây mất cân bằng các vi khuẩn đường tiêu hóa là một yếu tố thường gặp ở nước ta. Những yếu tố khác bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Mang răng giả
  • Bị khô miệng
  • Ăn nhiều đường
  • Bị một bệnh mãn tính khác...

Do đó, cần hạn chế hoặc loại trừ các yếu tố thuận lợi này để đảm bảo điều trị thành công.
Các vấn đề khác bạn hỏi:

  • Lây khi tiếp xúc? Điều này ít khả năng vì như đã nói, đây là bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Nếu cháu khỏe mạnh, việc tiếp xúc với bệnh nhân có nấm cũng không làm mắc bệnh. Mặt khác, cần biết là trong cơ thể người bình thường, nấm cũng có hiện diện với số lượng ít.
  • Tác dụng phụ? Nystatin là thuốc có tác dụng phụ tương đối ít, chủ yếu ở đường tiêu hóa. Với liều điều trị thông thường, ít khả năng gây tổn thương gan, thận ...
  • Theo dõi thường bằng lâm sàng, hiếm khi nào phải nội soi lại. Nếu triệu chứng không giảm hay nặng hơn, cần kiểm tra tổng quát để phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn khác.

Chúc bạn mau khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3545 Đau vùng thắt lưng nhiều năm...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 26 Tháng 7 2016 - 10:46 AM trong Cơ xương khớp

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, năm nay tôi 30 tuổi và tôi thường bị đau vùng thắt lưng đã nhiều năm nay. Khi tôi đi lại hoặc thậm chí chỉ đứng khoảng hơn 1 tiếng, tôi cảm thấy rất đau. Xin hỏi Bác sĩ, tôi cần làm gì đối với trường hợp này.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Vấn đề của bạn khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh đau lưng, như ngồi một chỗ quá lâu khi làm việc với máy tính, mang vác nặng hoặc đơn giản là té ngã hay chấn thương. Đa phần những cơn đau này đều liên quan tới đĩa đệm, khớp, cơ hoặc dây thần kinh. Ở vùng lưng dưới, chúng ta có 5 đốt sống và 2 khớp nối với xương chậu. Cơn đau của bạn có thể do một sự rối loạn chức năng nào đó thuộc vùng này.

Untitled-3.png

Tuy nhiên để biết chính xác, bác sĩ sẽ cần làm một số bài kiểm tra. Thuốc có thể giúp giảm đau nhưng nếu bạn thật sự muốn tìm kiếm một phương pháp tự nhiên, Chiropractic chính là giải pháp cho bạn. Đây là một phương pháp trị liệu bằng tay, hoàn toàn an toàn và không hề đau đớn. Bạn nên đặt hẹn để được các bác sĩ của chúng tôi kiểm tra, từ đó có thể chỉ ra chính xác vấn đề mà bạn đang gặp phải và đưa ra một liệu trình điều trị thích hợp với bệnh trạng của bạn.

Thân chào.

Giám đốc Y khoa - Bác sĩ KEVIN MERNISSI

Phòng khám Thần kinh Cột sống 3C

(http://3cchiro.com/)

Facebook page: https://www.facebook.com/3ccare/




#3546 Đau và mất liên kết ở vùng khuỷu tay...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 30 Tháng 7 2016 - 08:37 AM trong Cơ xương khớp

CÂU HỎI

Thưa Bác sĩ, năm nay cháu 19 tuổi. Hồi 11t cháu bị ngã trật khuỷa tay vỡ xương má trong khuỷa tay. Gần mấy năm nay cháu cảm thấy tay cháu mất liên kết và rất yếu ở vùng khuỷa. Xin hỏi Bác sĩ đây có phải di chứng để lại không? Và cháu phải điều trị như thế nào? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào cháu, vấn đề khuỷu tay bị yếu đi rất có thể là do chấn thương mà cháu gặp phải năm 11 tuổi, cũng có thể do kết hợp với các hoạt động hoặc thói quen khác của cháu (tư thế, vận động thể thao, v.v...) Cách điều trị như thế nào sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân chính xác của vấn đề. Khuỷu tay có 3 khớp nối giữa hai xương cẳng tay và xương cánh tay, xung quanh các khớp có các dây chằng và cơ giúp cánh tay hoạt động linh hoạt và ổn định. Bất kỳ một sự rối loạn chức năng nào của một trong những bộ phận này cũng đều có thể gây ra các triệu chứng như của cháu gặp phải. Do đó cách tốt nhất là cần phải tìm ra được chính xác nguyên nhân.

Cháu nên đến gặp Bác sĩ chuyên về các vấn đề về thần kinh cột sống và xương khớp để tìm ra chính xác vấn đề mà cháu đang gặp phải. Các bác sĩ của trung tâm 3C sẽ tư vấn hướng điều trị tốt nhất cho cháu.

Giám đốc Y khoa - Bác sĩ KEVIN MERNISSI

Phòng khám Thần kinh Cột sống 3C

(http://3cchiro.com/)

(Facebook page: https://www.facebook.com/3ccare/)




#3547 Bệnh lý về hồng cầu ở trẻ

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 30 Tháng 7 2016 - 08:38 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Cháu nhà em được 16 tháng, 8,5 kg sốt cao trong ba ngày, em cho đi khám Bác sĩ kết luận: Hồng cầu nhỏ nhược sắc hình bia và giọt nước. Bác sĩ cho em hỏi cách điều trị và bệnh này có nguy hiểm gì không? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Có vẻ như cháu đang có 2 vấn đề riêng biệt.

  • Sốt
  • Bệnh lý hồng cầu, nhiều khả năng là Thalassemia.

Thật ra, bệnh Thalassemia thể nặng có thể gây ra những đợt tán huyết cấp và gây sốt. Đáng tiếc, số thông tin ít ỏi không giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi sau đây:

  1. Cháu có đúng là bị Thalassemia không và mức độ thế nào?
  2. Cháu có thiếu máu không ? Có tán huyết không?
  3. Cháu có biểu hiện nhiễm trùng ở nơi nào khác không?
  4. Cuối cùng, sốt có phải do tán huyết hay do nguyên nhân nào khác ?

Không có thông tin, chúng tôi khó có thể biết là bệnh nặng hay nhẹ, và cũng không thể giải thích về điểu trị cần thiết. Bạn nên đặt các câu hỏi trên với BS điều trị để có câu trả lời chính xác.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3550 Sỏi mật, sỏi thận...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 02 Tháng 8 2016 - 01:42 PM trong Tiết niệu - Thận

CÂU HỎI

Vừa rồi tôi đi siêu âm bụng ở bệnh viện, Bác sĩ cho biết kết quả là mật có sỏi 10mm thận phải 3,5. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và khoảng bao lâu thì nên siêu âm lại. Xin Bác sĩ tư vấn giúp. Cảm ơn rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Sỏi thận hay sỏi mật có thể tồn tại trong cơ thể nhiều năm mà không gây triệu chứng gì. Trong trường hợp của bạn:

  1. Siêu âm kiểm tra định kỳ hàng năm là phù hợp để theo dõi diễn tiến bệnh.
  2. Siêu âm mỗi khi bị đau lưng hoặc đau bụng nghi ngờ sỏi gây tắc nghẽn

 

Khi sỏi gây triệu chứng, biến chứng tắc nghẽn, nhiễm trùng,... bạn cần nghĩ đến việc can thiệp,  chủ yếu là dùng nội soi hay phẫu thuật.

 

Thân chào bạn

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3551 Chứng mất ngủ...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 04 Tháng 8 2016 - 09:42 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Năm nay tôi 60 tuổi. Nhiều năm gần đây, tôi bị chứng khó ngủ. Mỗi đêm tui chỉ ngủ được khoảng chừng 4-5 tiếng thậm chí nhiều đêm còn ít hơn. Tui có sử dụng thuốc ngủ nhưng rất ít (khoảng mấy ngày một lần) và dùng với liều lượng rất ít. Thời gian đầu rất có hiệu quả. Nhưng dạo gần đây tôi vẫn không ngủ được kể khi đã dùng thuốc, kèm theo đó là chứng đau đầu. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi: Nên ngủ bao nhiêu giờ/ ngày là hợp lý và tôi cần làm gì với trường hợp của mình. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Mất ngủ là một tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi và có rất nhiều nguyên nhân.

Trong một số trường hợp, mất ngủ có thể gây ra do một căn bệnh có sẵn về tâm lý như trầm cảm, hay về hô hấp như suyển hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Thậm chí, các bệnh nội tiết như cường giáp, tiểu đường và bệnh tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản cũng hay gây mất ngủ. Nhiều bệnh khác không gây mất ngủ nhưng những thuốc điều trị chúng lại góp phần gây nên mất ngủ.

Ngay cả khi không có bệnh, có nhiều yếu tố khác cũng góp phần ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các yếu tố thường gặp bao gồm độ ồn , điều kiện ánh sáng, tình trạng giường chiếu, chế độ ăn, lịch làm việc....

Khi hoàn toàn không tìm được nguyên nhân và yếu tố thuận lợi, chứng mất ngủ được coi là nguyên phát và được điều trị bởi các bác sĩ tâm lý, các bác sĩ thần kinh hoặc các chuyên viên chuyên về bệnh lý giấc ngủ. Có thể nói, thuốc an thần hay thuốc ngủ hầu như bao giờ cũng là biện pháp cuối cùng và việc sử dụng lâu dài không được khuyến khích.

Trong trường hợp của bạn, chúng tôi cho rằng nên xem xét lại để loại trừ các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ tử bên ngoài và điều chỉnh. Việc dùng thuốc , vì hầu hết đều là dạng phải ghi toa, bắt buộc bạn phải được khám và theo dõi ở phòng khám.

Ở nước ngoài, bệnh lý liên quan giấc ngủ là một lĩnh vực khá riêng và có những biện pháp điều trị chuyên biệt. Ở Việt Nam, rất tiếc là chưa chú ý lắm vào điều này.

Chúc bạn mau khỏe!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3552 Đau đầu thường xuyên...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 05 Tháng 8 2016 - 08:22 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Em là nữ năm nay 22 tuổi. Cứ tầm 2, 3 tuần em lại bị một cơn đau đầu kéo dài vài ngày. Ban đầu cơn đau nhức xảy ra ở giữa trán và thái dương bên trái, có lúc đau theo mạch đập. Sau đó em bị đau buốt nhói từng cơn phía trên thái dương bên phải, cứ tầm 1, 2 phút lại nhói lên vài lần, rất đau và khó chịu. Em bị thế này đã lâu, tầm 1 - 2 năm nay. Em rất lo lắng không biết mình bị bệnh gì, mong Bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều ạ.

TRẢ LỜI

Chào em,

Nhức đầu là một căn bệnh phổ biến, gây ra do nhiều nguyên nhân. Riêng trong trường hợp của em, vị trí đau và tính chất đau có gợi ý đến bệnh lý viêm động mạch thái dương (temporal arteritis) hay còn gọi là bệnh Horton. Tuy nhiên, để xác định cần loại trừ các bệnh khác bằng khám lâm sàng và CT. Để khẳng định, có thể cần phải làm sinh thiết tại chỗ.

Do đó, em cần khám chuyên khoa thêm để có chẩn đoán và điềru trị chính xác.

Thân chào

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3553 Lách to và nhiễm HP...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 08 Tháng 8 2016 - 10:07 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, ông xã em hiện 44 tuổi. Đi siêu âm Bác sĩ bảo lách to nhẹ 51^117mm và cho xét nghiệm máu và gan tổng quát thì kết quả bình thường nhưng phát hiện vi khuẩn HP trong dạ dày. Cho em hỏi lách to và vi khuẩn HP có liên quan nhau không và trường hợp này cần phải làm gì. Cám ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào em,

Lách to và nhiễm HP không liên quan, là 2 vấn đề riêng biệt. Do đó, cần tách biệt 2 chuyện này.

  1. Đối với nhiễm HP : điều trị theo phác đồ.
  2. Đối với lách to : cần theo dõi thêm. Cũng cần chú ý là con số mà em cung cấp vẫn nằm trong giới hạn bình thường  nên việc xác định lách có to thật sự không vẫn là một câu hỏi.

Nếu bệnh nhân có triệu chứng, nên tiếp tục kiểm tra để tìm nguyên nhân lách yo.

Nếu bệnh nhân không có triệu chứng gì thì nên kiểm tra lại siêu âm sau 1 tháng.

Chúc em khỏe. Thân mên!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3554 Trễ lịch tiêm chủng cho trẻ...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 08 Tháng 8 2016 - 10:07 AM trong Chủng ngừa - Tiêm phòng

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Con em từ khi mới sinh ra, cháu bị gãy xương vai, phải tiêm kháng sinh. Rồi mỗi tháng đến đợt chích ngừa thì cháu lại bị nóng, hoặc bệnh nên không tiêm chủng được. Bây giờ cháu đã 15 tháng tuổi (nặng 12 kg, cao hơn 80cm) chưa tiêm ngừa cho bé thì làm thế nào? Có nên đi xét nghiệm máu trước khi tiêm ngừa không, vì cháu dễ bị dị ứng. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Em nên đưa cháu đi chủng ngừa càng sớm càng tốt. Cháu sẽ được chỉ định tiêm ngừa các vaccine đã trễ lịch tiêm và bổ sung các vaccine theo tuổi hiện tại. Có 1 vài xét nghiệm cần thiết cần kiểm tra trước tiêm, em sớm đưa cháu đến cơ sở y tế có dịch vụ tiêm chủng để được tư vấn cụ thể hơn nhé.

Trưởng Khoa Nhi - Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3555 Gan nhiễm mỡ, Sỏi thận...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 09 Tháng 8 2016 - 10:33 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, vừa rồi tôi có đi khám sức khoẻ tại phòng khám (giáo viên trường Đại Học Tôn Đức Thắng). Một trong những vấn đề tôi đang bị là: gan và thận.

  • Gan: men gan cao, gan nhiễm mở.
  • Thận: sỏi thận trái 9 mm.

Tôi muốn được tư vấn: Nên làm gì tiếp theo để điều trị các bệnh này. Xin cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Đây là hai vấn đề riêng biệt và cần được giải quyết khác nhau. Cả hai vấn đề đều không phải là khẩn cấp và bạn có thể chọn lựa giải quyết cùng lúc hoặc lần lượt. Xét theo mức độ cần thiết, bạn nên giải quyết vấn đề gan nhiễm mỡ trước khi điều trị sỏi thận.

  1. Trước hết về gan nhiễm mỡ  : Đây là một bệnh chuyển hóa, có thể là hậu quả của chế độ dinh dưỡng và chế độ ăn, nhưng cũng có thể là hậu quả của một bệnh lý khác như viêm gan hay xơ gan giai đoạn đầu.
    Trên thực tế, gan nhiễm mỡ nhẹ là một tình trạng phổ biến ở những người thừa cân, tăng lipid máu và những người dùng nhiều bia rượu. Trong trường hợp này, điều trị nhằm vào các yếu tố sinh bệnh ban đầu như giảm cân, giảm lipid máu và hạn chế bia rượu. Mức độ gan nhiễm mỡ thường nhẹ và không cần điều trị gì.
    Chỉ khi gan nhiễm mỡ đơn thuần không kèm bất cứ bệnh lý hay bất thường nào khác mới cần điều trị chuyên biệt.
    Trên thực tế, điều trị gan nhiễm mỡ thường bao gồm:
    • Chế độ ăn giảm cân, giảm mỡ và hạn chế bia rượu kèm chê độ vận động.
    • Điều chỉnh mỡ trong máu.
    • Các thuốc hổ trợ làm giảm men gan, lợi mật.
  2. Sỏi thận nếu không có triệu chứng thường không cần điều trị. Nếu muốn giải quyết triệt để, có thể đi khám để tán sỏi bằng siêu âm. Bạn cũng có thể đi thử nước tiểu để tìm hiểu thành phần của sỏi, tuy các thuốc ít có tác dụng làm tan sỏi rõ ràng.

Thân chào bạn.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3556 Tăng chỉ số Creatinin sẽ dẫn đến suy thận...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 8 2016 - 11:12 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Kính chào Bác sĩ. Chỉ số Creatinin của em là 72,6, em sợ nó sẽ tiếp tục tăng và thành suy thận. Bác sĩ cho em hỏi làm thế nào để giảm chỉ số này. Em không có bệnh lý về thận trước đây cũng không bị tiểu đường hay huyết áp cao thế sao creatinin của em lại cao thế ạ? Em cũng từng đi khám nhưng không phát hiện có gì bất thường cả. Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào em,

Trước hết, cần xác định chỉ số creatinine của em là bình thường hay bất thường. Ở người nam bình thường, Creatinin trong máu là 0,6 đến 1,2 mg% hoặc 53 đến 106 micromol t/l. Theo đó, con số mà em cung cấp có vẻ là theo đơn vị microM/l và là trong giới hạn bình thường.

Trên thực tế, các chỉ số sinh hóa trong cơ thể thường có một độ giao động nhất định tùy theo cân bằng nước điện giải và theo chế độ ăn, sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, creatinin máu có thể tăng trong nhiều trường hợp như ăn nhiều chất đạm hoặc có nhiều hoạt động làm tăng sự chuyển hóa của cơ như tập vận động nặng, nhịn đói kéo dài hoặc mất nước. Trong những trường hợp này, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hoặc chế độ vận động của mình thì chỉ số creatinin sẽ trở lại bình thường. Trước mắt, chúng tôi cho là em không có gì phải lo lắng về vấn đề suy thận cả.

Xin chào và chúc em khỏe.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin





Hội thảo chuyên môn

Gửi câu hỏi