Trả lời:
Xin chào bạn,
Đây là một câu hỏi thật thú vị mà chúng tôi e là phải tốn nhiều thời giờ, giấy mực để có thể làm cho bạn vừa ý. Chúng tôi cũng rất hiểu vì sao bạn vẫn còn băn khoăn khi đã hỏi qua nhiều vị bác sĩ đáng kính mà vẫn chưa nhận được câu trả lời vừa ý. Nên xem xét vấn đề trên nhiều phương diện.
1. Trước khi đi vào câu hỏi, chúng ta cùng tìm hiểu qua hệ thống tiêu hóa của cơ thể con người
Về mặt giải phẫu, hệ tiêu hóa của con người gồm các phần từ trên xuống dưới bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già (đại tràng, trực tràng), hậu môn. Xét về mặt chức năng, đây là một hệ thống dây chuyền xử lý thức ăn mà đầu vào bao gồm tất cả những thứ mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày. Đầu ra gồm 2 phần: các chất dinh dưỡng cơ thể có thể sử dụng, được hấp thu qua ruột vào máu và những chất không dinh dưỡng mà cơ thể coi là chất thải được bài tiết ra ngoài. Đây cũng chính là phần "25%" mà bạn đang băn khoăn, lo lắng.
Đi vào chi tiết hơn, hệ thống nhà máy tiêu hóa của chúng ta luôn thực hiện đa chức năng ở từng vị trí có thể tạm hiểu như sau:
- Răng: Máy nghiền thức ăn, biến những khối thức ăn lớn thành từng mảnh nhỏ, thuận tiện cho việc tiêu hóa.
- Dạ dày: Máy trộn, nhào nắn thức ăn thành từng viên nhỏ, hòa lẫn với dịch tiêu hóa và đưa xuống ruột để xử lý.
- Ruột non: Máy trích thức ăn, đảm bảo mọi thức ăn chúng ta đưa vào đều được phân tích thành những thành phần nhỏ nhất có thể hấp thu qua niêm mạc. Cụ thể đó là các gốc đường đơn, các axit béo, các phân tử amino axit. Những thành phần cần thiết khác như nước và các chất khoáng vô cơ, các loại vitamin... cũng được hấp thu ở từng chặng khác nhau của ruột.
- Ruột già: Nhà kho nơi trữ, xử lý và giải phóng các chất thải không hấp thu được.
Như bạn thấy, mỗi người có một chế độ ăn, một bộ răng khác nhau và đương nhiên dạ dày ruột dài ngắn cũng khác nhau nên tính chất thành phẩm cũng chẳng thể nào giống nhau được. Nói đơn giản là đầu vào ít tạp chất, máy tốt thì tỷ lệ sản phẩm hư và chất thải sẽ rất ít. Ngược lại đầu vào nhiều tạp chất, máy móc rệu rạo thì số sản phẩm hư và chất thải sẽ nhiều hơn. Tất nhiên thực tế sẽ phức tạp hơn ví dụ này rất nhiều nhưng chỉ để cho bạn thấy là con số 25% hay 35% khác nhau chẳng có gì lạ cả.
2. Tại sao 25% và tại sao 35%?
Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được một câu hỏi quan tâm đến số lượng thay vì chất lượng. Phần lớn rắc rối của vấn đề này liên quan đến tính chất (lỏng hay đặc) và tần suất (tiêu chảy hay táo bón) thay vì số lượng phân. Ai cũng ngầm hiểu rằng ăn nhiều thì đi nhiều, không ăn thì không đi nên chẳng mấy ai quan tâm đến chuyện này.
Số liệu bình thường cho thấy ở một người trưởng thành:
- Số lần đại tiện bình quân là một lần mỗi ngày. Nhưng cũng có thể nhiều hơn đến 3 lần mỗi ngày hoặc ít hơn như một lần mỗi 3 ngày. Điều quan trọng là với tần suất nào thì người ta vẫn cảm thấy khỏe khoắn, yêu đời, không thấy khó chịu vùng bụng và vẫn ăn ngon miệng. Mặt khác, đó là tình trạng thường xuyên, chứ không phải mới xuất hiện.
- Số phân sản xuất ra trung bình là một ounce (28,3 g) cho mỗi 12 pound (khoảng 5,5 kg) cân nặng. Ở người Việt Nam, trung bình khoảng 150 g đến 200 g mỗi ngày.
Tất nhiên như trên đã nói, số lượng phân tùy thuộc nhiều vào chế độ ăn và tình trạng hệ tiêu hóa của mỗi người. Nếu bạn thải phân số lượng ít, tình trạng cơ thể khỏe mạnh và sinh hoạt hợp lý thì bạn có một hệ tiêu hóa hoàn hảo và chằng có gì phải lo cả.
3. Số lượng thực phẩm còn lại đã được biến hóa và tích trữ vào đâu từ nhiều tháng năm qua?
Đây lại là một vấn đề thú vị khác. Trước hết chắc chắn số thức ăn chẳng thể nào chuyển đến ngân hàng để tích trữ, cũng chẳng thể nào bị trộm mất bởi ai đó. Chúng hẳn là vẫn đang tồn tại đâu đó trên người.
Định luật bảo toàn vật chất khẳng định vật chất không tự sinh ra và cũng không tự mất đi mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Có bao giờ bạn tự hỏi sao ngày nào cũng đổ xăng vào xe nhưng rồi chúng cứ biến mất dần đi? Xăng trong xe tồn tại dưới dạng hóa năng, qua động cơ để chuyển hóa thành động năng để đưa bạn mỗi ngày đến cơ quan, rồi lại về nhà mỗi tối.
Cũng như vậy, thức ăn đưa vào thường dưới dạng phức hợp đa phân tử, qua hệ tiêu hóa để trở thành các phân tử đơn giản hơn của các gốc đường, mỡ đạm để được hấp thu vào máu. Khi đến cơ quan, các phân tử này sẽ được đưa vào các nhà máy tế bào, qua các chu trình sinh hóa để phân giải thành dạng năng lượng cơ bản nhất, các phân tử ATP để cung cấp cho việc tổng hợp chất, cho hệ vận động, thần kinh... và cho triệu triệu hình thức vận động của cơ thể.
Nói đơn giản hơn, mọi thức ăn đưa vào đều sẽ được quy đến tận cùng là đơn vị sản sinh năng lượng (calorie). Cán cân năng lượng sẽ là số calo nhập vào và số calo sử dụng. Ở một người bình thường, số năng lượng đưa vào (energy intake) sẽ bằng: Số năng lượng tiêu dùng (sinh nhiệt - làm việc - vận động) + Số năng lượng cơ thể cần có để phục hồi, thay thế, dự trữ.
Các thông số này một lần nữa phụ thuộc rất nhiều vào giới tính, tuổi, mức độ hoạt động thể chất, tình trạng bệnh lý... nên cũng không phải là một con số cố định. Trẻ em, người bệnh đang hồi phục cần tăng nguồn cung cấp vì có nhu cầu phát triển, bồi bổ cơ thể. Bệnh nhân béo phì cần giảm vì có nhu cầu đốt cháy năng lượng từ các khối mỡ thừa. Các vận động viên có mức tiêu thụ cao, nên cũng cần cung cấp năng lượng cao để bù đắp tương ứng. Bệnh nhân mãn tính lại có cân bằng âm tính vì ăn không đủ hoặc do bệnh tàn phá, nên sẽ gầy mòn nhanh chóng.
Nếu cán cân năng lượng là dương tính, số năng lượng thừa sẽ được tích trữ dưới dạng mô mỡ và bạn đang đối diện với nguy cơ béo phì, gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol... Ngược lại, nếu qua nhiều năm mà bạn vẫn khỏe mạnh, không tăng cân bất thường, hình dáng bên ngoài "ngon lành" thì hệ thống chuyển hóa năng lượng của bạn đang hoạt động hoàn hảo.
Chúc bạn khỏe.
Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin
(Nguồn: chuyên mục Đời sống/sức khỏe vnexpress.net)
http://doisong.vnexp...it-3114208.html