Đến nội dung

Hình ảnh

Rối loạn tiền đình

chào bs

  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
2 Trả lời cho chủ đề này

#1 kang san

kang san

    Advanced Member

  • Newbies
  • PipPipPip
  • 32 Bài viết:

Đã gửi 27 Tháng 11 2014 - 05:57 PM

Chào bs:

 

Mẹ cháu sinh năm 1958. đã đi khám và được chẩn đoán là bị rối loạn tiền đình.

 

Về bố cháu thì hay đau lưng, và được chẩn đoán là bị gai cột sống. Bố cháu sinh năm 1958.

 

Mong bs tư vấn dùm bố mẹ cháu:

1) Chế độ ăn như thế nào

2) Có kiêng cữ gì không

3) Nên ăn những thực phẩm và uống vitamin gì.

4) Chế độ sinh hoạt nên tránh?

 

Và cháu nghe nói uống hoạt huyết dưỡng não tốt cho bệnh rối loạn tiền đình phải không bs? Nếu vậy thì dùng lâu dài có ảnh hưởng gì ko?

Bố cháu tiền sử bị đau dạ dày nên bs kê đơn có thuốc hại dạ dày nên bố cháu đã không uống vậy có loại thuốc nào thích hợp với bố cháu không (kể cả thuốc bổ)?

 

Cháu năm nay 25 tuổi, có hiện tượng run tay khoảng chừng 4-5 năm,chưa đi khám ở đâu cả. Lúc đầu bị nhẹ nhưng giờ thấy nặng hơn, run nhiều mỗi khi hồi hợp, để thả lỏng tay bình thường thì không run nhưng khi càm bút viết hay làm việc gì tỉ mỉ là run. Ví dụ như có một xấp giấy nếu lật từng trang thì tay run run. Khoảng 1 năm nay cổ cháu cũng bắt đầu run nhưng chỉ lúc hồi hộp và giọng nói cũng thế. Mong bs tư vấn dùm cháu và cháu nên đi khám chuyên khoa gì. Cháu nghe nói thực phẩm chức năng Kiện Não Hoàn tốt cho bệnh của cháu vậy cháu có thể uống không?

 

Mong Bs tư vấn dùm cháu và bố mẹ cháu, cháu hiện đang rất lo lắng. Bệnh của bố mẹ và cháu không có ai trong gia đình bị cả.

 

Chân thành cảm ơn bác sỹ ạ!



#2 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 01 Tháng 12 2014 - 10:53 AM

Cháu thân mến,

 
Câu hỏi của cháu gồm nhiều vấn đề, liên quan đến nhiều người và nhiều bệnh lý khác nhau. Chúng tôi xin lần lượt giải thích dưới đây:
 
1.Trước hết, về vấn đề của mẹ cháu:
 
Rối loạn tiền đình thật ra không phải là một bệnh mà là một hội chứng bao gồm một vài triệu chứng đặc hiệu nhưng có thể gây ra do rất nhiều nguyên nhân.
 
Các triệu chứng thường thấy để nghi ngờ có hội chứng rối loạn tiền đình :
        - Chóng mặt, đặc biệt khi xoay đầu hay khi thay đổi tư thế
        - Cảm giác choáng váng, đôi khi ngất
        - Mất khả năng giữ thăng bằng 
 
Những triệu chứng này xảy ra do có một cơ quan đã " làm việc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng" . Đó chính là tiền đình, một cơ quan nằm cạnh ốc tai nên còn có tên gọi khác là tiền đình ốc tai. Mỗi người có hai tiền đình ốc tai đối xứng ở hai bên, mỗi tiền đình cấu tạo từ các hệ thống ống chứa dịch lưu chuyển theo những mặt phẳng khác nhau. Sự lưu chuyển dịch trong các ống cung cấp cho cơ thể cảm nhận về vị trí/tư thế/ chuyển động cùng với sự phối hợp với mắt/hệ vận động để đảm bảo sự thăng bằng khi đứng và khi di chuyển hay làm việc.
 
Bất cứ tác nhân nào gây xáo trộn hoạt động của tiền đình đều gây ra các triệu chứng trên. Việc điều trị cần nhằm vào hai yếu tố :
        - Quan trọng nhất: xác định nguyên nhân và giải quyết tận gốc
        - Chỉ mang tính hỗ trợ là các thuốc điều trị triệu chứng, cũng như các chế độ ăn uống, sinh hoạt nhằm giảm thiểu tối đa các triệu chứng.
 
Hội chứng tiền đình có thể gây ra do nguyên nhân ngoại vi, do rối loạn hoạt động của bản thân cơ quan tiền đình, thường gặp ở các bệnh lý tại chỗ như viêm tai, do chấn thương, do tác động của một số thuốc. Hội chứng cũng có thể gây ra do tổn thương ở " bộ xử lý trung tâm ", hay là não bộ mà trong phần lớn trường hợp là hậu quả của các bệnh lý về mạch máu. Nói chung, để tìm được nguyên nhân, cần phải khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh và làm khá nhiều xét nghiệm cận lâm sàng. Trên thực tế, tỷ lệ bệnh nhân có thể tìm được nguyên nhân để điều chỉnh cũng không cao và phần lớn bệnh nhân rơi vào nhóm vô căn, hay không rõ nguyên nhân.
 
Về các biện pháp hỗ trợ như cháu hỏi,
 
-Chế độ ăn: Chú ý giữ cân bằng dịch điện giải vì đây là một yếu tố quan trọng trong hoạt động của hệ tiền đình. Cụ thể, phân bố các bữa ăn và nước uống đều trong ngày.
 
 Hạn chế cafein, thuốc lá  và rượu. Hạn chế những thức ăn có hàm lượng đường hoặc muối quá cao ( sẽ gây thay đổi nội môi nhanh). Chú ý không lạm dụng các nhóm đường đơn (đường cát, mật ong). Đặc biệt chú ý uống đủ nước hàng ngày, nhất là khi lao động tăng hay trong những ngày nóng bức. Tùy theo cơ địa , một số thức ăn có  chứa Tyramin cao có thể kích phát cơn nhức nữa đầu như rượu đỏ, gan gà, thịt xông khói, sôccôla, chuối, v.v.. Nếu thấy có liên quan thì nên kiêng bớt.
 
        - Chế độ sinh hoạt : 
Cần phải hiểu các hạn chế của mình để có thể giảm thiểu các khó chịu do bệnh gây ra. Những lời khuyên thường gặp bao gồm: tránh thay đổi tư thế bất ngờ, không nên đi ngay sau khi ngồi dậy để tránh chóng mặt, dùng gậy nếu cần thiết phải giữ thăng bằng. Dùng kính râm để hạn chế tác dụng kích thích của ánh sáng. Một số trung tâm phục hồi chức năng có thể giúp bệnh nhân giải quyết các vấn đề thăng bằng và đi lại bằng nhiều bài tập có phương pháp. Người có hội chứng tiền đình cũng cần rất cẩn thận khi đi xa, du lịch và đôi khi có thể không thích ứng được với tình trạng di chuyển bằng máy bay.
 
- Vitamin: về vấn đề dùng thuốc, các nguyên tắc quan trọng là phải tìm ra chẩn đoán, từ đó mới dùng đúng loại thuốc, với liều và thời gian phù hợp. Tùy theo nguyên nhân, có nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể dùng như kháng viêm, kháng histamin, các thuốc chống nôn, chống co giật, các thuốc ức chế phó giao cảm v.v.. Và tất nhiên là đáp ứng của từng bệnh nhân cũng sẽ khác nhau. Một trong những nguyên nhân thường gặp của tiền đình là do thuốc, hay được biết đến là thuốc chông lao do tác dụng phụ của streptomycin, thì vitamin B 6 có tác dụng tốt. Trong nhóm bệnh viêm các rễ thần kinh tiền đình ốc tai, các phức hợp vitamin B có thể giúp phần nào. Đối với các nhóm nguyên nhân khác, các vitamin không có tác dụng rõ ràng.
 
Riêng câu hỏi về hoạt huyết dưỡng não, chúng tôi không có ý kiến vì chẩn đoán không rõ ràng. Một số trường hợp bệnh lý mạch máu não gây chóng mặt có thể đáp ứng với các thuốc dãn mạch, tăng tuần hoàn não, có thể dùng tốt nếu định hướng điều trị đúng. Nếu không, thuốc không có hiệu quả gì. Mặt khác, các thuốc hoạt huyết dưỡng não theo đông y chủ yếu là theo điều trị kinh nghiệm, hiệu quả thực tế chưa được kiểm chứng và công nhận.
 
2/Về vấn đề của ba cháu: gai cột sống hay thoái hóa cột sống
 
Gai cột sống hay cột sống mọc gai là một từ bình dân dùng để chỉ tình trạng thoái hóa cột sống. Các " gai " ở đây là những dây chằng quanh sống bị vôi hóa nên tạo hình ảnh gai nhọn khi chụp X quang. Đây là một biểu hiện của quá trình lão hóa nên thường chỉ gặp trên các bệnh nhân lớn tuổi. Hầu như ai cũng bị vấn đề này khi đến một độ tuổi nào đó. Bản thân các " gai" không phải là vấn đề lớn và cũng không phải là nguyên nhân gây đau. Tuy nhiên, sự vôi hóa các dây chằng kèm theo với sự hao mòn các diện khớp và tình trạng loãng xương ở người già gây mất xương và xẹp các đốt sống, thu hẹp các khe liên sống v.v... Tòan bộ các quá trình này dẫn đến việc thoát vị đĩa đệm, chèn ép các rễ thần kinh và gây viêm, gây đau nhiều lúc không thể chịu nỗi.
 
Như đã nói, "gai" chẳng qua chỉ là sự vôi hóa các dây chằng, và là một tiến trình không hồi phục. Chẳng có phẫu thuật nào để " chặt gai" hay thuốc nào uống để "tiêu gai" cả. Việc điều trị thường nhằm hai mục đích: giảm triệu chứng và giải quyết nguyên nhân. Việc giải quyết nguyên nhân thường là phải phẫu thuật để bóc đĩa đệm, thường được chỉ định nếu bệnh nặng. Nếu mức độ nhẹ, điều trị nội với các thuốc kháng viêm (steroid hay không steroid) thường được sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn các thuốc này đều có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, nhất là ở dạ dày. Nhẹ thì ăn không tiêu, vừa thì đau bụng, nặng nữa thì gây ói ra máu. Đây là tình huống khá phổ biến nên phần lớn bệnh nhân cần thông báo với bác sĩ nếu có tiền căn dạ dày để bác sĩ cho thuốc phù hợp. 
 
   -Có thể vẫn dùng các loại kháng viêm (steroid hay không steroid) nhưng kèm với một thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày ( thường là các thuốc kháng bơm proton). Các thuốc kháng viêm này có ưu điểm là rẻ và hiệu quả mạnh. Trên thực tế, các thuốc omeprazol, lanzoprazol hay được dùng kèm khi dùng các thuốc kháng viêm phổ biến như diclofenac, ibuprofen hay dexamethason.
 
   -Một số loại thuốc kháng viêm đời mới có tác dụng phụ trên dạ dày ít hơn (các nhóm thuốc meloxicam,piloxicam v.v..) .
 
Việc sợ đau bao tử nên từ chối uống thuốc là một việc không nên. Chẳng có lý do gì để cho ba của cháu phải chịu đựng cơn đau triền miên như thế cả. Cháu chỉ cần lưu ý bác sĩ về vấn đề này khi  khám bệnh là được.
 
Về các vấn đề liên quan mà cháu hỏi :
 
- Chế độ sinh hoạt: Người bệnh đau cột sống cần có ý thức về tình trạng của mình trong hoạt động và vận động hàng ngày. Hàng chế làm việc nặng, chú ý tư thế khi khiêng vác, nhấc nâng vật nặng. Tập thể dục thường xuyên để tăng cường độ dẽo dai của cột sống. Khi đang trong cơn đau, các đai hổ trợ thắt lưng giúp rất tốt . Vật lý trị liệu và các bài xoa bóp theo từng cá nhân có tác dụng tốt. Cháu có thể hỏi xin các bài tập chuyên biệt ở các trung tâm vật lý trị liệu. Cần chú ý là phải có hướng dẫn vì tính chất và cường độ tập luyện có thể thay đổi trên từng bệnh nhân.
 
- Ăn uống: Chế độ ăn uống không giúp nhiều trong bệnh thoái hóa cột sống. Điều quan trọng nhất, nếu có, là phải giảm cân nếu như bị béo phì. Việc giảm cân sẽ làm giảm gánh nâng cho cột sống nói riêng và hệ cơ xương khớp toàn thân nói chung, nên sẽ giảm bớt triệu chứng rất nhiều. Một số chất khoáng và vitamin thường được dùng như vitamin B complex, Vitamin C, Vitamin D ...nhưng chỉ nên dùng từng đợt ngắn khi cần thiết.
        
Tóm lại, trong điều kiện hiện tại, việc điều trị của ba cháu là kết hợp vật lý trị liệu và thuốc để làm lui đợt đau lưng. Sau khi hết đau thì chú ý chế độ sinh hoạt để tránh tái phát. Trong trường hợp đau không kiểm soát được bằng thuốc, có thể cần phải nghĩ đến phẫu thuật. Hầu hết các bác sĩ sẽ yêu cầu MRI để có đánh giá chính xác tình trạng cột sống trước khi chỉ định phẫu thuật.
 
 
3/Về vấn đề run tay của cháu :
 
Tất cả những vấn đề mà cháu hỏi chỉ có thể trả lời nếu biết chính xác căn bệnh run tay của cháu là gì. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nếu ở người trẻ và nữ thì cường giáp là nguyên nhân khá phổ biến. Ngược lại ở người già thì bệnh Parkinson rất hay gặp. Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân khác như các hội chứng cường giao cảm, các tổn thương nội sọ hoặc tiểu não. Cháu nên đi khám chuyên khoa thần kinh để xác định thì mới có thể trị được. Thuốc kiện não hoàn hay bất cứ thuốc nào khác, đều không thể dùng thử vu vơ được đâu cháu ạ.
 

Chúc cháu và gia đình mau khỏe

 

TS.BS Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin



#3 kang san

kang san

    Advanced Member

  • Newbies
  • PipPipPip
  • 32 Bài viết:

Đã gửi 01 Tháng 12 2014 - 04:17 PM

cháu cảm ơn Bác Sĩ nhiều ạ.sắp sang năm mới cháu chúc bác cùng gia đình nhiều sức khoẻ




0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi