Chào bạn,
Trước tiên, Bs.Nhi thành thật cảm thông với người mẹ đang mong mỏi thiên thần 5 tuổi của mình thuộc bảng chữ cái trước khi bước chân vào lớp học đầu đời. Bên cạnh đó, BS.Nhi cảm thấy dường như mẹ nhầm lẫn địa chỉ rồi khi gởi câu hỏi và yêu cầu “giúp đỡ”để “cải thiện “vấn đề đang vướng mắc của bạn.
Giáo dục trẻ thơ là cả một nghệ thuật. Sự thành công tùy thuộc cách phối hợp tế nhị giữa phương pháp giáo dục và tính cách cá nhân cùng sự phát triển của từng trẻ.
Trên cương vị của một Bs.Nhi, vì đã nhận câu hỏi, Bs. đành rụt rè đóng góp với bạn vài ý sau-Mong rằng các giáo viên mẫu giáo chuyên nghiệp và bạn mỉm cười thông cảm cho Bs.nhé:
-Trẻ con 5 tuổi rất thích vui chơi. Ngoài đồ chơi,
+ Trẻ đã biết yêu thích âm nhạc, hình ảnh, chuyện kể...
+ Đã biết phân biệt hình tượng với ý nghĩa tương đương,
+Đã biết yêu thích thiên nhiên và môi trường thích hợp,
+Đã biết thích mình được tôn trọng,
+Đã biết cảm nhận và thể hiện cảm xúc khi nhận lời hướng dẫn, giải thích...
Do đó, phương pháp giảng dạy của mẹ cho con cần phối hợp các yếu tố trên một cách tế nhị và hài hòa mới mong thành công được đối với trẻ mà với nhận xét của mẹ là “không thích học” và ”rất nhát” học mà không đề cập đến thắc mắc bé là một đứa trẻ phát triển tâm vận bình thường hay không, cũng như không đề cập đến tính cách bất thường về vui chơi, ngôn ngữ, và hành vi của bé.
1/ Về vấn đề bạn nêu ra là bé không thích học và nhác học: Bạn nên làm sao để tạo hứng thú trong việc học, để mỗi thời gian học là mỗi thời gian vui, và quan trọng là phải ứng với thời gian tập trung của bé.
Việc gây cảm hứng học có thể thông qua hình ảnh, học cụ, đồ chơi có tính cách giáo dục, phương pháp truyền đạt phù hợp cảm tính cá nhân trẻ như đã đề cập ở trên.
Cũng nên lưu ý rằng sẽ vô ích khi chúng ta cố nhồi nhét truyền đạt cho bé ngoài thời gian tập trung của bé. Thời gian này tùy thuộc cá tính của từng em.
2/ Về vấn đề mỗi lần mẹ dạy cho con 2,3 chữ cái mà vẫn không thuộc: Bạn nên thử giảm số chữ phải học, mỗi lần học 1 chữ thôi để dễ tiếp thu hơn. Khi đã thuộc, trong lần học chữ mới sẽ có phần ôn lại chữ cũ đã học.
3/ Về vấn đề bé “khó nhớ”, và mẹ thất bại trong nhiều cách giáo dục cho bé: Bạn hãy xem lại thời điểm học của bé có đúng vào thời gian tập trung của cá nhân bé và phương cách giáo dục có phù hợp với cá tính của bé không.
Quan trọng hơn nữa, cần phải xác định bé có phải là một trường hợp bệnh lý Chậm phát triển thông thường, hay một Rối loạn phát triển thần kinh thời thơ ấu gây khó khăn cho sự chú ý như chứng Tăng động Giảm chú ý, ... không.
-Vì vậy, theo Bs.Nhi, bạn nên cho bé khám tại Bs. chuyên khoa Tâm lý và Phát triển Nhi để chẩn đoán xác định hay loại trừ các trường hợp bệnh lý nêu trên.
+Trong trường hợp bệnh lý, em sẽ được can thiệp sớm tùy mức độ để cải thiện sự phát triển, và sẽ được đề nghị giáo dục ở Trường Chuyên biệt.
+ Trong trường hợp em là trẻ phát triển tâm –vận bình thường, Bs.Nhi khuyên bạn nên tìm đến với Giáo viên mẫu giáo chuyên nghiệp hơn là Bs.Nhi (!!!)
Thân chúc bạn sớm nhận được kết quả mong đợi
Chào bạn
Bs. MAI THỊ THU CÚC
Chuyên khoa Nhi - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin