Đến nội dung

Hình ảnh

Ung thư đại trực tràng


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
2 Trả lời cho chủ đề này

#1 admin

admin

    Administrator

  • Administrators
  • 39 Bài viết:

Đã gửi 13 Tháng 12 2012 - 05:13 PM

Nhắc đến ung thư, giới nữ thường e ngại ung thư vú, cổ tử cung hay buồng trứng. Giới nam lại ngán ngẩm ung thư tuyến tiền liệt. Riêng ung thư đại trực tràng thì ai cũng phải lo sợ, vì chúng rất phổ biến ở cả hai giới, lại có độ ác lớn và tỷ lệ tử vong cao ngất ngưởng.
 

Một trong những loại ung thư phổ biến nhất, gieo rắc kinh hoàng nhất thời nay là ung thư đại trực tràng. Tìm hiểu về căn bệnh này để có ý thức phòng ngừa, không để sự việc trở thành quá “muộn”, âu cũng là điều cần thiết đối với chúng ta, nhất là trong thời đại công nghiệp vốn nhiều ô nhiễm này.

Phổ biến và nguy hiểm

Ung thư đại trực tràng là sự phát triển bất thường và ác tính của các tế bào đại trực tràng gây những tổn hại nặng nề về mặt cấu trúc và chức năng của đại trực tràng, có khả năng xâm lấn vào những mô khác. Đây là loại ung thư đứng thứ ba trong tất cả các loại ung thư tại các nước Âu Mỹ. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng cũng đứng hàng thứ hai trong ung thư đường tiêu hóa và “hườm hườm” đứng hàng thứ năm, thứ sáu trong tất cả các loại ung thư.
Phổ biến là thế, và đáng sợ hơn nữa là ung thư đại trực tràng rất nguy hiểm. Đây là một trong những loại có tính ác rất cao, đồng nghĩa với tỷ lệ tử vong cao.

Rõ ràng và mơ hồ

Câu hỏi đầu tiên mọi người thường thắc mắc là ung thư đại - trực tràng xuất phát từ đâu? Đối với các loại ung thư khác, đây là câu hỏi thường không có câu trả lời rõ ràng. Nhưng với ung thư đại trực tràng, câu trả lời lại khá thuyết phục: phần lớn các ung thư đại trực tràng có nguồn gốc ban đầu là các khối polyp.
Thế polyp là cái gì? Có vẻ như các nhà khoa học lại một lần nữa gây bối rối cho độc giả qua một rừng thuật ngữ. Nhưng quả thực thuật ngữ này rất cần thiết khi giải thích nguồn gốc của ung thư đại trực tràng. Thực chất, đó là một quá trình tiến triển mang tính liên tục từ polyp đến ung thư. Polyp là một tổn thương nhô vào lòng đại trực tràng xuất phát từ niêm mạc trực tràng. Đa phần chúng là những tổn thương lành tính nhưng một số ít trong đó lại có tiềm năng hóa thành ung thư. Sự liên quan này mật thiết đến mức dẫn đến kết luận, không có polyp thì không có ung thư đại trực tràng.
Nhưng polyp sinh ra từ đâu? Các nhà khoa học cũng còn rất mơ hồ về vấn đề này. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu và thống kê, người ta thấy polyp có liên quan đến lối sống, tuổi tác, di truyền.
May mắn thay, tiến trình polyp - ung thư phát triển cực kỳ chậm chạp. Từ một polyp ban đầu đến ung thư đại trực tràng ít nhất cũng 5-10 năm. Đây cũng là vấn đề mấu chốt đem lại cơ hội vàng cho chúng ta để tầm soát một cách hiệu quả bệnh ung thư đại trực tràng, bởi chúng ta chỉ cần tìm ra polyp, tiêu diệt nó. Thế là hết chuyện.

Tìm và diệt

Để truy tìm polyp, có nhiều cách thăm dò khác nhau như xét nghiệm tìm máu trong phân bằng các phương pháp sinh hóa hay hoá miễn dịch, khảo sát sự thay đổi ADN của các tế bào niêm mạc ruột trong phân, chụp đại tràng đối quang kép hay nội soi đại tràng...
Ở Mỹ, trong 7 phương pháp tầm soát, nội soi đại tràng được xếp cuối cùng do sự quá tải của các trung tâm nội soi và chi phí rất cao. Các phương pháp chẩn đoán hóa miễn dịch hay xét nghiệm thay đổi ADN lại có chi phí thấp hơn nên được chỉ định thường xuyên hơn. Những xét nghiệm này có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu rất thấp, và mỗi khi dương tính, bệnh nhân lại phải đi nội soi đại tràng để khẳng định có bị polyp hay ung thư đại trực tràng không.
Tình hình thực tế ở Việt Nam rất khác biệt so với thế giới. Trước hết, các xét nghiệm về hóa miễn dịch và ADN không phổ biến, rất ít cơ sở làm được và chi phí cao - nhiều khi cao hơn cả nội soi. Kế đến, bệnh nhân ở Việt Nam sẽ thấy không phù hợp nếu sau khi xét nghiệm tốn kém lại tiếp tục được chỉ định đi soi đại tràng. Sự khác biệt trong tầm soát ung thư đại trực tràng ở Việt Nam và thế giới xuất phát từ vấn đề chi phí và tính khả dụng của các hệ thống xét nghiệm/nội soi.

Tiêu chuẩn vàng

Có thể nói nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng về tầm soát và điều trị ung thư.
Ngày nay, các nhà khoa học đã cải tiến ống soi để cuộc soi ngày càng nhẹ nhàng và không gây khó chịu cho bệnh nhân. Hơn nữa, sự phát triển của các kỹ thuật gây mê mới giúp bạn trải qua một cuộc nội soi đại tràng nhẹ nhàng và an toàn đến mức “như không”. Nếu phát hiện polyp, bạn sẽ được cắt bỏ chúng ngay trong cuộc soi. Bằng không, việc nội soi đại tràng cũng giúp bạn phát hiện nhiều tổn thương khác nữa như viêm loét đại tràng, lao hồi manh tràng, túi thừa đại tràng, trĩ…
Nếu không may phát hiện ung thư đại tràng, bạn vẫn rất may mắn vì điều trị sớm có tiên lượng tốt hơn gấp nhiều lần khi phát hiện muộn. Còn nếu bạn hoàn toàn bình thường, hoặc có polyp đã cắt thì bạn được “bảo hành” cho cuộc soi từ 5 đến 10 năm.
Ở Việt Nam, ung thư đại tràng có tần suất cao và có xu hướng gia tăng. Do đó, người 50 tuổi trở lên nên bắt đầu nội soi tầm soát. Việc tầm soát này nên sớm hơn nếu trong dòng họ của bạn có người bị ung thư đại tràng hoặc bệnh đa polyp gia đình.
Việc áp dụng nội soi tầm soát ở Việt Nam nên được thực hiện thường xuyên hơn trên thế giới. Cơ sở của việc đề nghị này xuất phát từ độ nhạy thấp của xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân và độ kém phổ biến của các phương pháp khác ở Việt Nam, như xét nghiệm hóa miễn dịch, xét nghiệm ADN và cả nội soi ảo.

3 phương pháp thăm dò ung thư đại trực tràng tại Việt nam

< Xét nghiệm tìm máu trong phân: nên được thực hiện mỗi năm

< X-quang đại tràng cản quang kép hay nội soi ảo bằng CT: nên làm 3 năm 1 lần

< Nội soi đại tràng: nên được thực hiện mỗi năm nếu có yếu tố nguy cơ, mỗi 3-5 năm nếu không có yếu tố nguy cơ.



#2 nganntk

nganntk

    Newbie

  • Newbies
  • Pip
  • 2 Bài viết:

Đã gửi 04 Tháng 1 2013 - 10:53 AM

Cho em được tư vấn về bệnh ung thư đại trực tràng ạ:

Cách đây 2 năm bố chồng em có cắt 1 khối u trong trực tràng, kết quả sinh thiết thì bác sĩ bảo là không phải ung thư. Khi cắt xong bố em có xạ trị 32 mũi. cách đây 7 tháng bố em đi vệ sinh có ra máu, số lần và số lượng máu ra ngày càng nhiều.

 

HIện bố em đang điều trị ở bệnh viện Thống Nhất tp.hcm. Em có nghe nói phương pháp đốt điện điều trị viêm và cầm máu. Bác sĩ cho em hỏi, với trường hợp của bố em như vậy có điều trị bằng phương pháp này được không ạh



#3 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 11 Tháng 1 2013 - 03:35 PM

Chào em,

Vấn đề trước hết cần xác định là bác có bị ung thư hay không? Tuy em cho là không phải nhưng chúng tôi nghĩ là ngược lại - có lẽ em đã hiểunhầm ý bác sĩ vì không ai chỉ định xạ trị cho một khối u lành tính cả. Với ý nghĩ đó, diễn tiến của bác có thể do hai khả năng :
1. Khối u tái phát và gây chảy máu

2. Đây là biến chứng viêm trực tràng-đại tràng sigma xuất huyết sau khi xạ trị
Chỉ có thể xác định nguyên nhân bằng cách soi lại để đánh giá tổn thương nhưng phần nhiều là bác rơi vào trường hợp thứ hai . Đây là một tình huống khá phổ biến, không gây nguy hiểm nhưng làm bệnh nhân khó chịu và suy yếu vì mất máu kéo dài. Hiện nay, phương pháp điều trị tốt nhất là đốt các tổn thương bằng Plasma Argon. Kỹ thuật này chỉ có ở một vài trung tâm. Em có thể đến Yersin để chúng tôi tư vấn thêm.
Cũng cần chú ý là phương pháp điều trị bằng Plasma Argon giúp cải thiện phần lớn nhưng cũng không hẳn làm bệnh biến mất 100%.
Thân chào em.

Tiến sĩ - Bác sĩ. Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin






1 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 1 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi