Đến nội dung

Tư vấn những thực phẩm người suy thận nên dùng


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
1 Trả lời cho chủ đề này

#1 Guest_Phan Ngoc_*

Guest_Phan Ngoc_*
  • Guests

Đã gửi 15 Tháng 11 2012 - 09:53 AM

Nhờ bác sĩ tư vấn dùm tôi những thực phẩm nên & không nên dùng khi bị suy thận (đ/v bệnh nhân nam, lớn tuổi). Cảm ơn bác sĩ

#2 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 15 Tháng 11 2012 - 02:36 PM

Bạn thân mến,

Đây là một câu hỏi khó trả lời vì có quá nhiều lời đáp khác nhau và sự áp dụng không đúng đắn đều sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiệm trọng. Do đó, chỉ xin phép được trả lời một cách chung nhất, còn áp dụng cụ thể như thế nào thì bạn cần có bác sĩ riêng mới được, bạn nhé.

Lý do của sự khó khăn này là vì có khá nhiều yếu tố quyết định đến chế độ ăn của một bệnh nhân bị suy thận. Cụ thể là :

-Mức độ suy thận còn bù hay đã mất bù ?

-Có đang chạy thận nhân tạo định kỳ hay không ?

-Có tồn tại bệnh lý khác, như là cao huyết áp, tiểu đường, suy tim v.v…, hay không ?

-Tình trạng cơ thể hiện tại như thế nào ?

Người ta thường suy nghĩ một chiều thận chỉ là cơ quan bài tiết. Thận yếu thì không bài tiết được nên sẽ bị ứ động các chất. Do đó, nếu bị suy thận là phải kiêng nhiều thứ. Thật sự, thận không chỉ có vài trò bài tiết mà nói đúng ra là điều hòa. Có nghĩa là cái gì dư thì thận thải ra, cái gì thiếu thì thận giữ lại. Do đó, suy thận có nghĩa là cơ thể mất đi khả năng điều hòa này và bất cứ chất gì dư hay thiếu cũng đều không tốt cả.

1.Các nguyên tắc chung :

Suy thận là một tiến trình một chiều, không có thuốc đặc trị. Chế độ ăn đúng là một phương pháp hiệu quả để giúp làm chậm tiến trình và giữ bệnh nhân có cuộc sống khỏe mạnh.

*Giữ cân nặng thích hợp: cân nặng thích hợp là mức cân nặng mà người bệnh cảm thấy khỏe nhất, không bị khô da (do thiếu nước) hay bị phù (do dư nước). Tùy theo trạng thái tim mạch mà một số người có thể cảm thấy khỏe hơn nếu có phù nhẹ hay thiếu nước nhẹ. Khi ghi nhận được cân nặng thích hợp thì cần giữ cân ở mức ổn định trong thời gian dài. Mọi sự thay đổi hàm lượng nước, muối ăn hàng ngày đều phản ảnh bằng sự thay đổi cân nặng. Khi đó, phải có sự tiết chế hay bổ sung phù hợp để đưa cân nặng về mức mong muốn.

*Đảm bảo đủ năng lượng: phải đảm bảo nhu cầu năng lượng mỗi ngày tùy theo cân nặng và mức vận động. Ở nam giới, lớn tuổi, mức trung bình vào khoảng 30-40 kcal/kg/ngày. Cần bổ sung thêm nếu có hoạt động thể chất. Năng lượng chủ yếu bằng tinh bột và giảm đạm, béo.

*Đảm bảo cân bằng nước , điện giải: Hạn chế muối nước nếu có phù hoặc ngược lại nếu bị mất nhiều natri. Trong đa số trường hợp, bệnh nhân suy thận có thể uống từ 1.5-2l nước mỗi ngày kèm với hạn chế muối (2-4g/ngày). Số lượng muối này tương đương với số có sẵn trong các bữa ăn nhạt không nêm nếm thêm.

*Hạn chế đạm: Chuyển hóa đạm sẽ sinh ra ure và nhiều dẫn xuất nitơ mà khi ứ đọng sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng. Lượng đạm được khuyên dùng là 0.6-0.8g/kg/ngày. Thành phần đạm cao cấp ( thịt, cá, tôm, trứng, sữa ) là chủ yếu, kết hợp bổ sung với các loại đạm trong thực vật .

*Cung cấp các chất vi lượng và vitamin : Bổ sung đủ vitamin, yếu tố vi lượng, chống thiếu máu: Sắt, vitamin B12, acid folic, vitaminB6 là phức hợp chống thiếu máu cần bổ sung cho bữa ăn.

2.Các thực phẩm nên ăn :

Bệnh nhân suy thận nên ăn nhiều rau quả ngọt, ít muối và ít kali như: bầu bí, mướp, dưa chuột, bắp cải và nói “không” với các loại dưa, cà muối chua. Những món ăn nên nằm trong thực đơn hàng ngày là miến nấu thịt nạc hoặc thịt nạc xào giá đỗ; khoai sọ, khoai lang luộc, sắn luộc chấm đường; bột sắn dây nấu chè; bánh bột lọc. Các lọai rau quả có chứa ít kali gồm: táo và nước ép táo, dâu tây, lê, nho, mận, khóm, dưa leo, bắp cải, bông cải, cơm, bánh mì, ngũ cốc.

3.Các thực phẩm không nên ăn:

Hạn chế các thực phẩm nhiều muối như: dưa cà muối mặn, mắm tôm, cá mắm, thịt cá đóng hộp, thịt hun khói, thịt sấy khô, thịt muối, các loại thức ăn chế biến sẵn, các loại rau quả đóng hộp.

Hạn chế các thực phẩm có nhiều kali như cam, chanh, bưởi, chuối, nho, đặc biệt các loại quả khô và hạt khô. Trong trường hợp tiểu ít và vô niệu và có tăng Kali máu thì nên bỏ hẳn rau và quả.

Lưu ý: Các bệnh nhân suy thận nhẹ còn bù, các bệnh nhân đang chạy thận, các bệnh nhân đã ghép thận có thể có chế độ ăn tương đối bình thường mà không phải tiết chế quá nhiều như trên. Các bệnh nhân suy thận nặng đã có triệu chứng/biến chứng cần tuân theo việc tiết chế nhiều mặt và cần có ý kiến bác sĩ chuyên khoa mỗi khi có sự thay đổi.

Thân chào bạn!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin






0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi