Chào cháu,
Rất tốt là cháu có sự quan tâm đúng với việc uống thuốc của mình như thế. Thuốc - bản thân nó không phải là thuốc bổ. Bản thân các thuốc bổ ( vitamin) đôi khi có thể trở thành thuốc độc nếu dùng không đúng cách. Tương tác thuốc là một hiện tượng phổ biến và chắc chắn sẽ xảy ra, không ít thì nhiều, khi dùng từ hai loại thuốc trở thên, ngay cả khi đó là vitamin.
Một sự thực hiển nhiên là một thuốc có thể gây tương tác với hàng trăm loại thuốc khác nhau. Các tương tác này có thể làm tăng hay làm giảm tác động lẫn nhau. Không ai có thể nhớ hết các tương tác thuốc có thể xảy ra và nếu như thuốc được cho là không có tương tác, đôi khi chỉ là vì sự tương tác tác này quá bé hay quá hiếm và chúng ta hoặc chưa phát hiện- hoặc chưa cần quan tâm mà thôi.
Trở lại câu hỏi của cháu, như đã nói, không ai có thể nhớ hết tương tác thuốc nên chúng tôi phải xem lại theo từng thuốc cháu đã kê. May mắn là chúng tôi không tìm thấy có hiện tương tác nào nghiêm trọng giữa các thuốc này.
Tuy nhiên, nhân đây chúng tôi cũng xin nhấn mạnh một điều là nên cố gắng tránh uống cùng lúc nhiều loại thuốc nếu có thể được. Trong trường hợp của cháu, cefuroxim là kháng sinh nên cần được dùng ĐÚNG LIỀU, ĐÚNG THỜI GIAN, ĐÚNG SỐ NGÀY để có thể giữ được tác dụng bảo vệ, phòng ngừa hay điều trị.
Piroxicam là thuốc kháng viêm, nên cần dùng để tổn thương nhanh lành.
Acetaminophen là thuốc giảm đau, có thể dùng theo liều để không thấy khó chịu nhưng cũng có thể DÙNG CHỈ KHI CẦN, nghĩa là nếu cháu không đau thì không cần uống. Ngược lại, tất cả những vitamin mà cháu nói: Vit A, D,Iron, Folic v.v... chỉ là những thuốc bổ sung dinh dưỡng lâu dài, không đòi hỏi nghiêm ngặt về liều lượng, giờ uống, số ngày uống như các thuốc điều trị đặc hiệu. Nói cách khác, khi cháu có bệnh cần uống nhiều loại thuốc khác, cháu hoàn toàn có thể tạm ngưng các vitamin này trong vài ngày. Sau khi ngưng thuốc đặc hiệu, cháu có thể tiếp tục uống vitamin như thường lệ.
Thân chào,
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin