Hầu hết trẻ nhỏ đều bị tình trạng mặt lưỡi hơi trắng do sữa bám trong miệng. Nhưng nếu những đám trắng đó ngày một dày lên, rơ lưỡi không hết thì bạn hãy coi chừng, có thể trẻ đã bị tưa miệng do nhiễm nấm candida.
Bé Thanh Lâm (2 tháng tuổi, Quận 3, TP.HCM) vốn sinh non, yếu ớt nên mẹ chăm rất kỹ. Thế nhưng gần đây bé cứ khóc ngằn ngặt mỗi lần cho bú. Thấy con bỏ ăn mà xót, mẹ bé Lâm đưa con đi khám thì phát hiện con bị tưa miệng. Đó là những đám mảng trắng mà chị thấy trong miệng con, rơ lưỡi thông thường không hết.
Nấm trong miệng
Tưa miệng của bé Lâm là do nhiễm nấm candida albicans – loại nấm gây bệnh chủ yếu ở người (người lớn và trẻ em). Đây là một loại nấm men, có thể gặp ở những nơi ẩm ướt trong cơ thể, nhưng nấm candida chỉ bùng phát gây bệnh khi gặp một số điều kiện thuận lợi, như suy giảm miễn dịch, dùng kháng sinh và corticoid dài ngày hoặc kết hợp với bệnh tiểu đường … Những vùng da ẩm ướt thường xuyên như miệng, lưỡi, âm hộ … là nơi rất thuận lợi để nấm phát triển.
Một yếu tố cũng góp phần khiến nấm candida “tung hoành” nhiều hơn là tình trạng thiếu một số vitamin gây tróc miệng, lở miệng, tạo môi trường lý tưởng cho nấm bùng phát. Vì thế, khi chữa trị bệnh cũng cần chú ý đến các khía cạnh này.
Chính vì một trong những nguyên nhân khiến nấm phát triển mạnh là sự suy giảm miễn dịch, nên những trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non cùng những trẻ bị bệnh mạn tính hoặc thường xuyên “ốm lên ốm xuống”, sức đề kháng giảm nên cũng dễ bị mắc phải bệnh tưa miệng.
Ngoài miệng, nấm candida cũng có thể khu trú hay lan rộng ở những vùng da như âm hộ, âm đạo, quanh hậu môn, đôi khi kèm theo mụn sẩn, mụn nước … Nấm cũng có thể khiến trẻ bị viêm âm hộ, âm đạo, tiết dịch màu vàng và ngứa. Trường hợp hãn hữu nhiễm nấm ở phổi, trẻ có thể có những hiểu biết rất nặng: sốt, ho kéo dài, đàm nhầy lẫn máu, có khi tràn dịch màng phổi.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Nhiễm nấm candida ở miệng thường gặp ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ, niêm mạc miệng, họng của bé thường bị loét, có mảng tưa trắng ngà làm bé khó chịu, không chịu ăn, bó bú, khó nuốt, có khi rỉ máu trong họng, niêm mạc họng tấy đỏ, bội nhiễm. Nếu tình trạng này không được xử lý kịp thời, nấm có thể lan vào thực quản, xuống ruột, vào máu rất nguy hiểm. Nên khi thấy trẻ có hiện tượng bị tưa miệng, bú khó, cần cho trẻ đi khám ngay đế xác định nguyên nhân có phải do nhiễm nấm candida hay không và có hướng điều trị thích hợp.
Điều trị và chăm sóc
Nếu trẻ bị tưa miệng do nhiễm nấm candida, bác sĩ thường chỉ định thoa dung dịch có Nystatin hoặc hướng dẫn mẹ rơ rưỡi, miệng cho trẻ bằng gói Nystatin (hoặc Daktarin gel). Nên cho trẻ rơ khi bụng đói để giảm thiểu khả năng trẻ bị ọc ói.
Để rơ miệng cho trẻ, phải có một người bế trẻ ở tư thế ngồi, gáy bé áp vào ngực người bế. Mẹ có thể dùng một chiếc gạt mềm quấn quanh ngón tay trỏ của mẹ rồi nhúng vào nước sôi để nguội nhằm làm mềm miếng gạt. Pha dung dịch Nystatin theo hướng dẫn rồi nhúng miếng gạt vào thuốc. Rơ hai bên má trước rồi rơ nhẹ nhàng phía trong lưỡi, sau đó rơ dần ra phía bên ngoài cho bé. Tốt hơn hết, hãy để nhân viên y tế rơ trước một lần làm mẫu để lần sau mẹ có thể dễ dàng làm theo.
Sau một vài ngày rơ lưỡi miệng cho trẻ, nên cho trẻ đến tái khám để bác sĩ kiểm tra lại. Bác sĩ có thể bổ sung một số loại vitamin thích hợp để tăng cường đề kháng cũng như loại trừ khả năng lở miệng, tróc niêm mạc miệng đến tứa máu do thiếu vitamin ở trẻ.
Nếu đã dùng phương pháp rơ thuốc mà trẻ vẫn không hết, vẫn bị nhiễm nấm kéo dài thì bác sĩ có thể cho trẻ uống kháng nấm kéo dài thì bác sĩ có thể cho trẻ uống thuốc kháng nấm Nystatin. Nhưng cần chú ý là dù rơ hay uống cũng chỉ dùng Nystatin khi có chỉ định của bác sĩ nhi khoa.
Phòng tránh bệnh
Chăm một đứa trẻ đã khó, chăm trẻ bệnh càng bực bội phần, nhất là khi bệnh khiến trẻ con không ăn uống được. Vì thế, tốt hơn hết là tránh để trẻ bị tưa miệng. Thực ra điều này không khó. Trước hết, luôn cố gắng nâng cao sức đề kháng của trẻ bằng cách cho con bú sữa mẹ. Trẻ lớn thì cho ăn nhiều rau củ, trái cây có vitamin C, acid folic, vitamin B, vitamin PP … để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cũng như tránh bị lở miệng tạo cơ hội cho nấm phát triển. Cũng cần chú ý giữ vệ sinh cho bé, chỗ ở của bé luôn thoáng mái, khô ráo.
Với trẻ nhỏ, sau mỗi cữ bú cần cho trẻ nhấp ít nước lọc để làm sạch miệng trẻ. Hằng ngày, vào buổi sáng xa cữ bú, nên rơ miệng cho trẻ bằng gạc mềm thấm nước muối sinh lý. Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể tập cho trẻ xúc miệng thường xuyên bằng nước muối sau mỗi bữa ăn, kết hợp với việc đánh răng ngày hai lần trước khi đi ngủ và mỗi sáng thức dậy.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Nếu trẻ bú bình, luôn xúc bình sạch sẽ, không để cặn bám trên bình và hấp tiệt trùng bình trước khi sử dụng. Nếu trẻ bú mẹ, cần lưu sạch vú mẹ trước và sau khi cho trẻ bú, giữ cho vú khô hẳn trước khi mặc áo, tránh để vú bị ẩm ướt.
Trường hợp, trẻ bị nhiễm nấm mà đang bú mẹ, cần thoa thuốc lên vú mẹ để tránh bào tử nấm bám từ miệng trẻ sang mẹ và tái nhiễm trên cơ thể bé. Có như vậy mới phòng ngừa được khả năng trẻ lại bị tưa miệng dai dẳng, không thể chữa khỏi.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hồng Thê
Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin