Đến nội dung

Hình ảnh

Khó thở, tức ngực, nặng ngực


  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
1 Trả lời cho chủ đề này

#1 Phanhien

Phanhien

    Newbie

  • Newbies
  • Pip
  • 9 Bài viết:

Đã gửi 21 Tháng 9 2015 - 04:04 PM

Thưa bác sĩ,

 

Cháu bị khó thở, tức ngực, nặng ngực từ lâu rồi nhưng không quá ảnh hưởng. Cháu đi khám X quang phổi thì phổi không sao chỉ hơi sáng. Nhưng 1 tháng gần đây cháu có thêm hiện tượng đánh trống ngực và mệt mỏi. Cháu mệt mỏi hầu như mọi lúc trong ngày. Lên cầu thang cũng mệt và tim đánh trống ngực, đập nhanh. Đang nằm mà đứng dậy tim cũng đập mạnh. Cúi xuống ngẩng lên là lại đập mạnh và nhanh. Đi bộ bình thường là tim cũng đập mạnh và đánh trống ngực.Cảm giác người rất mệt và hụt hẫng. Lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn hồi hộp ở ngực và nặng ngực, không còn cảm giác khoẻ mạnh và rất mệt.Nhất là những lúc ngủ dậy tim đánh trống ngực rất mạnh . Hay như đang xem tivi thấy người ta chạy nhanh hay đá bóng là cháu cũng hồi hộp tim đập mạnh và mệt. Cháu bị đau nhói ngực trái âm ỉ.

 

Cháu rất khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống. Vì người lúc nào cũng mệt, Nhất là khi ngủ dậy tim đập rất mạnh. Làm gì cái là tim lại đánh trống ngực. Nhiều khi ngồi yên cũng hồi hộp rồi mệt mỏi và đánh trống ngực tim đập nhanh. Cháu đi điện tim đồ nhịp xoang 86. Khi đập nhanh thì giao động khoảng 92 đến 95. Siêu âm tim thì lại bình thường.

 

Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị làm sao và cách điều trị như nào ? Chứ cháu stress vì mệt mỏi lắm, thành ra nhiều lúc chán nản muốn buông xuôi hết như tự kỉ và cảm giác người có trọng bệnh. Trong khi cháu cũng mới đi thử máu thì chỉ có chỉ số cholesterol hơi cao là 5.25 còn lại bình thường hết. Bác sĩ làm ơn giải đáp giúp cháu.Và tại sao cháu lại mệt mỏi kéo dài trong ngày như vậy.Cháu cảm giác như mình không thể lấy lại được sức khỏe của mình nữa.Cháu lo lắm.Trước cháu có thể đá bóng 1 2 tiếng nhưng bây giờ mà có chạy 10p - 15p là cháu mệt không thể đá được nữa rồi....



#2 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 22 Tháng 9 2015 - 08:40 AM

Chào cháu,
 
Trước hết, xin lỗi cháu vì sự chậm trễ do vài trục trặc kỹ thuật. Kế đến, chúng tôi sẽ cố gắng giúp cháu định hướng được những việc cần làm trong thời gian tới nhé.
 
Chúng tôi hiểu là cháu muốn biết mình bị bệnh gì và sau đó, cách điều trị như thế nào. Tuy nhiên, với những thông tin mà cháu cung cấp, chúng tôi e là khó có thể đưa cho cháu một câu trả lời hoàn chỉnh.
 
1. Thông tin cung cấp không đủ.
 
Thật vậy, tất cả những gì mà chúng tôi ghi nhận ở đây là cảm giác MỆT. Tất cả những gì cháu cho biết như X quang phổi, điện tâm đồ, siêu âm, thử máu ...thì kết quả đều là bình thường. Thậm chí, số tuổi, cân nặng, tình trạng ăn uống thế nào... chúng tôi cũng không biết. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra một chẩn đoán nào đó thật sự chỉ là đoán mà thôi. 
 
2.Với những triệu chứng mà cháu mô tả, không thể nói là cháu khỏe mạnh được. Có hai tình huống đặt ra:
 
* Cháu có bệnh, nhưng không phải là bệnh về thể chất mà là về tâm lý, cảm xúc hoặc tâm thần. Nếu cháu để ý, những xét nghiệm mà bác sĩ thực hiện là để phát hiện những bệnh gây thay đổi "cơ thể" của cháu. Những loại bệnh đó khá thường gặp như là bướu giáp, bệnh van tim, bệnh thiếu máu v.v...Nói chung, có một cái gì đó trong người cháu bị "hư hao, biến chất", dẫn đến bộ máy hoạt động không như ý. Nếu cơ thể cháu vẫn bình thường, đương nhiên các xét nghiệm này sẽ trả về kết quả là "bình thường". Các bệnh khác, gồm nhiều nhóm khác nhau, không có thay đổi về thể chất nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, cảm xúc, tình cảm và gây nhiều triệu chứng khác nhau- Trong đó, mệt mỏi cũng là một triệu chứng hay gặp và cực kỳ không đặc hiệu, nghĩa là gặp trong nhiều bệnh khác nhau.
 
Những bệnh khá thường gặp, có thể cháu đã từng nghe qua như trầm cảm (depression), buồn phiền ( anxiety), bị ức chế ( stress), bệnh tưởng tượng (hysteria) v.v... 
 
Có khá nhiều loại bệnh như vậy làm cho người bệnh cảm thấy buồn phiền lo lắng và chán nản. Ở nước ngoài, có những bác sĩ tâm lý - tâm thần chuyên điều trị các bệnh này. Ở Việt Nam, phần lớn là các bác sĩ tâm thần giúp điều trị. Cháu không nên nghĩ điều đó đồng nghĩa với bệnh tâm thần. Không phải, nhưng rất cần có những biện pháp tâm lý trị liệu để giúp người bệnh hồi phục. Nhân tiện, cháu nên biết nếu vận động nhẹ như đi bộ, lên cầu thang thì nhịp tim tăng chút ít dưới 100l/p hoàn toàn là bình thường.
 
*Tình huống thứ hai cũng rất có khả năng xảy ra: Cháu thực sự có một bệnh thực thể nào đó, chỉ là bác sĩ chưa phát hiện ra được. Một thực tế rất rõ ràng là có nhiều ca bệnh hiếm khó mà các bác sĩ chỉ khám một lần, với vài xét nghiệm đơn giản sẽ bỏ sót. Hoặc, cũng có thể đó là một bệnh chuyên khoa sâu mà một bác sĩ gia đình bình thường, một bác sĩ đa khoa sẽ bỏ sót. Khi một bác sĩ xác định là cháu bình thường- không có bệnh, nhưng cháu vẫn cảm thấy không khỏe. Điều cháu nên làm là tìm đến một bác sĩ thứ hai. Đó là điều rất bình thường trong Y khoa. Trong trường hợp của cháu, một lần nữa chúng tôi cho rằng cần khám tổng quát thật chi tiết, có thể cần phải làm CT lồng ngực và kiểm tra chức năng hô hấp, làm thêm một số xét nghiệm máu chuyên sâu về nội tiết trước khi khẳng định "bình thường". 
 
Cháu nên tự hỏi lại bản thân mình về cuộc sống bản thân, quá trình sinh hoạt, tình cảm để đánh giá tác động của các yếu tố tâm lý. Nếu có chi tiết quan trọng, cần khai cho bác sĩ khi khám. Dinh dưỡng tốt và vận động phù hợp có thể giúp ích. Trong trường hợp các bác sĩ vẫn không phát hiện được gì, cháu phải chú ý theo dõi các thông số sinh học và xét nghiệm của mình để lập lại sau khoảng 1-3 tháng. Có khá nhiều bệnh rất mơ hồ ở giai đoạn đầu làm các bác sĩ bỏ qua nhưng sau một quãng thời gian nhất định, sẽ có những thay đổi rõ ràng hơn.
 
Chúc cháu mau khỏe
 
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin





0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi