Đến nội dung

Hình ảnh

Nhiễm khuẩn HP

nhiễm khuẩn hp

  • Vui lòng đăng nhập để trả lời
1 Trả lời cho chủ đề này

#1 admin

admin

    Administrator

  • Administrators
  • 39 Bài viết:

Đã gửi 09 Tháng 3 2015 - 11:32 AM

Kính thưa bác sĩ,

 

Em có đi khám bệnh viện do thấy khó tiêu, ợ chua và đầy bụng. Khi xét nghiệm máu thì có kháng thể HP. Do đó bác sĩ cho em uống kháng sinh 2 tuần và uống thêm 2 tuần nữa. Rồi ngưng 2 tuần đi test hơi thở. Kết quả âm tính. Nhưng em vẫn thấy còn nóng và cồn cào khi đói. Em đã đi tái khám và uống thêm 2 toa thuốc nữa (chỉ chữa viềm và giảm acid thôi ạ). Nhưng thấy đỡ hơn thôi chứ không hết hẳn. Vậy bác sĩ cho em hỏi 3 câu ạ:
 

1. Em test hơi thở âm tính cách đây khoảng 2 tháng vậy có khi nào em tái nhiễm lại không ạ? Và nếu tái nhiễm lại thì có gọi là kháng thuốc không ạ. Trong quá trình ngưng 2 tuần để test hơi thở em có uống nghệ và mật ong. Vậy có ảnh hưởng gì đến quá trình test hơi thở không ạ? Em test âm tính nhưng vẫn còn triệu chứng như vậy liệu có chính xác không ạ?
 

2. Em nghe nói diệt vi khuẩn thành công rồi thì ít nhất 6 tháng mình mới có thể tái nhiễm lại, do cơ thể tạo được kháng thể giúp bảo vệ trong quá trình điều trị. Như vậy có đúng không ạ?
 

3. Gần đây em có đi xét nghiệm tổng quát (xét nghiệm máu) bác sĩ nói em tăng men gan mặc dù em không uống rượu bia gì hết, em cũng không có viêm gan B,C. Nhưng em có bị viêm cơ bắp tay. Vậy cho em hỏi có phải tác dụng phụ do em điều trị HP không ạ? Bác sĩ cho em hỏi nên điều trị men gan trước hay dạ dày trước ạ?

Em rất lo mong được bác sĩ trả lời giúp em sớm ạ.

Em cảm ơn bác sĩ.



#2 BS YERSIN

BS YERSIN

    Yersin's Doctors

  • Doctors
  • 763 Bài viết:
  • Ngày sinh:1972-12-31

Đã gửi 09 Tháng 3 2015 - 01:58 PM

Em thân mến,
 
Chúng tôi xin trả lời như sau:
 
1. Việc điều trị HP chỉ dựa vào kết quả thử máu là chưa đủ. Em cần phải nội soi hoặc ít nhất, cần thử test hơi thở dương tính để khẳng định trình trạng nhiễm HP đang hoạt động. Việc thử máu dương tính có thể là hậu quả của việc nhiễm HP từ rất lâu, chưa hẳn là em đang có. Tuy nhiên, dù sao thì em cũng đã qua đợt điều trị và có kết quả test hơi thở âm tính, chúng tôi xin chúc mừng việc này.
 
Cũng như đa số bệnh nhân, các triệu chứng của em ít khi nào hết ngay mà thường thì sẽ giảm dần và mất đi sau vài tuần đến vài tháng. Hiện tại, không có chứng cứ gì để nghĩ đến tình trạng tái nhiễm .
Việc tái nhiễm (re-infection) khác với tái phát ( Recurrence) vì vi khuẩn HP bắt buộc là một chủng MỚI, thường xảy ra sau 12 tháng. Ngược lại, tái phát thường là do cùng một chủng và hay xảy ra trong vòng 12 tháng sau điều trị. Do việc tái nhiễm là một chủng mới, chẳng có lý do gì để xem đây là chủng kháng thuốc cả.  
 
Chúng  tôi cho là nghệ và mật ong không ảnh hưởng đến kết quả của test hơi thở. Việc ảnh hưởng đến tính chính xác thường là do dùng thuốc không đúng hướng dẫn. Việc em còn triệu chứng phần nhiều do dạ dày vẫn còn viêm nhẹ, cần tiếp tục điều trị thêm.
 
2. Việc tái nhiễm lại phụ thuộc vào tỷ lệ nhiễm HP trong môi trường và nguy cơ tiếp xúc của từng cá thể. Nói chung, nguy cơ tái nhiễm cũng giống như nhiễm lần đầu: rất cao ở các nước đang phát triển và rất thấp ở các nước đã phát triển. Con số cụ thể rất khác nhau tùy theo vùng địa lý và đặc điểm kinh tế xã hội nhưng thường được tính dồn sau 1 năm. Mặt khác, để thực sự xác nhận là tái nhiễm, vi khuẩn HP cần được phân lập DNA và xác định chủng chính xác nên việc phân biệt không thể thực hiện được qua lâm sàng hay các cận lâm sàng thường dùng. Mốc 6 tháng không đúng vì bệnh nhân có thể nhiễm lại bất cứ lúc nào nếu có rủi ro tiếp xúc tác nhân gây bệnh trong điều kiện thuận lợi. Các kháng thể chống HP ở trong máu không có tác dụng bảo vệ lại việc lây nhiễm này.
 
3.Việc tăng men gan có thể liên quan đến một số rối loạn chuyển hóa, thường nhất là gan nhiễm mỡ. Nhiều rối loạn di truyền gây thay đổi hoạt động các men chuyển hóa ở gan cũng có thể làm tăng men gan kéo dài. Chúng tôi không rõ mức độ trầm trọng của men gan như thế nào nhưng nhiễm HP là một bệnh mãn tính nên việc điều trị có thể trì hoãn nếu cần. Nên làm rõ nguyên nhân gây tăng men gan trước khi điều trị bất cứ loại thuốc gì. Trong trường hợp của em, men gan tăng được phát hiện SAU KHI em dùng thuốc nên cũng có nhiều khả năng là tăng men gan do thuốc. Trong trường hợp này, men gan sẽ giảm dần sau một thời gian dù không điều trị đặc hiệu. Em nên theo dõi xét nghiệm định kỳ, và tốt nhất là theo dõi ở bác sĩ chuyên khoa gan. Câu hỏi cuối cùng của em hơi thừa và em đã điều trị bệnh dạ dày một thời gian khá dài rồi. Vấn đề hiện nay là tiếp tục dùng thuốc hay ngưng. Để trả lời cầu hỏi đó, cần xem xét tương quan giữa hai yếu tố 
 
-Mức độ trầm trọng của tăng men gan
 
-Mức độ trầm trọng của tình trạng đau dạ dày và các rối loạn tiêu hóa kèm theo.
 
Chỉ có bác sĩ điều trị trực tiếp mới đánh giá được để quyết định nên làm gì trước. Chúng tôi khó có thể có lời khuyên chính xác về việc này.
 
Chúc em mau khỏe,
 
TS.BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin





0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh

Gửi câu hỏi