Đến nội dung

Nội dung của BS YERSIN

207 phương tiện bởi BS YERSIN (Tìm kiếm giới hạn từ 02-Tháng 6 23)



#3558 Đau thắt vùng bụng thường xuyên...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 22 Tháng 8 2016 - 10:09 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Gần 1 tuần nay, em thường xuyên bị đau thắt vùng bụng, đau âm ỉ từng cơn, đau ở quanh rốn, cơn đau chỉ một lúc là hết. Và em chưa từng có bất kì va chạm hay phẫu thuật vùng này. Kính mong Bác sĩ tư vấn giúp em ạ và hướng dẫn em cách điều trị. Em cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Vị trí đau quanh rốn và chỉ xảy ra từng lúc, các tính chất đau đó gợi ý đến nguồn gốc cơn đau từ ống tiêu hóa - ruột non hay ruột già. Việc chẩn đoán chính xác còn khám lâm sàng và một số xét nghiệm bổ sung. Tuy nhiên, khả năng nhiều nhất là em chỉ bị rối loạn tiêu hóa, có thể do vấn đề vệ sinh thực phẩm.

Các trường hợp rối loạn tiêu hóa này thường là nhẹ nếu không kèm tình trạng nôn ói hay tiêu chảy cấp. Bệnh nhân chỉ cần ăn nhẹ, dễ tiêu trong vài ngày để cơ thể tự hồi phục. Để giảm đau, có thể dùng các thuốc giảm co thắt cơ trơn như nospa, buscopan hay spasmaverine có thể mua không cần toa. Tuy nhiên, nếu sau khi uống thuốc vài ngày mà tình trạng đau không giảm, em cần đi khám bác sĩ để xác định lại nguyên nhân gây đau. Trong thời gian này, em cần chú ý đến việc ăn uống, đi tiêu tiểu để ghi nhận lại bất thường nếu có.
Chúc em mau khỏe,

Thân mến!

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin



#3559 Vùng mắt cá chân bị sưng đỏ, đau nhức...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:00 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ! Năm nay tôi được 60 tuổi, 1 tuần trước vùng mắt cá chân của tôi bị sưng đỏ lên và tình trạng này kéo dài đến hiện tại (tôi có gửi kèm hình tình trạng của mình). Bác sĩ Bình thường thì không sao, nhưng khi di chuyển hoặc lúc đứng lên, ngồi xuống thì rất đau vùng này. Xin hỏi Bác sĩ vấn đề này có phải do đi lại nhiều, hay do vấn đề nào? Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp tôi và cho hướng điều trị ạ. Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Tình trạng sưng, đỏ và đau ở vùng này làm nghĩ đến bệnh lý viêm khớp cổ chân. Do liên quan đến các dây chằng, gân cơ quanh khớp nên bệnh nhân thường đau khi di chuyển hoặc chịu sức nặng. Bệnh lý viêm khớp có thể gây ra do nhiều nguyên nhân như thoái hóa khớp, miễn dịch, chuyển hóahoặc nhiễm trùng. Nếu bạn chỉ bị một khớp đơn độc, có thể nghĩ thêm đến nguyên nhân tại chỗ do chấn thương các cơ, xương quanh khớp.


Việc điều trị thường bao gồm các biện pháp tại chỗ như chườm lạnh và các nẹp nâng đỡ, thuốc kháng viêm không steroid và đôi khi tiêm steroid vào khớp. Bạn cần chụp X quang để đánh giá tổn thương khớp và loại trừ tổn thương xương. Các bác sĩ cũng cần vài xét nghiệm tổng quát để kiểm tra các rối loạn miễn dịch và chuyển hóa.

Bạn có thể dùng các thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng tạm thời nhưng cần khám để có chẩn đoán chính xác nếu muốn bệnh khỏi hẳn.

Chúc bạn mau khỏe, Thân mến!

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3560 Que thử vạch đậm, vạch mờ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:01 AM trong Phụ khoa

CÂU HỎI

 

Chào Bác sĩ, em trễ kinh 2 tuần trước đó (17 ngày) và có quan hệ (sau 70h em có dùng thuốc tránh thai khẩn cấp Postinor). Sau đó em có dùng que thử và hiện lên vạch đậm vạch mờ. Em đi bệnh viện siêu âm đầu dò ngay thì Bác sĩ báo không có thai dặn em tuần sau tái khám. Kinh nguyệt em lần trước bị hai lần/ tháng, trước đó thì gần hai tháng em mới có. Em lo lắng quá. Không biết mình có thai không ạ? Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em, cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

 

TRẢ LỜI

 

Chào em ,

Em đã thử QST (+) nghĩa là em đã có thai. Que lên vạch đậm và vạch mờ chứng tỏ thai còn giai đoạn rất sớm. Ở giai đoạn quá sớm thì siêu âm chưa thể thấy thai trong tử cung. Tuy nhiên cần cảnh giác thai làm tổ ở ngoài tử cung.

Trường hợp của em, hiện không đau bụng hay ra huyết âm đạo, trên siêu âm chưa thấy dấu hiệu bất thường nên không có gì lo lắng cả, em cứ theo hẹn tái khám và siêu âm lại của Bác sĩ.

Trong thời gian theo dõi nếu có đau bụng hay ra huyết âm đạo thì tái khám ngay.

Chúc em may mắn, Thân mến!

Trưởng Sản - Phụ khoa, Bác sĩ Trần Thị Anh Lan

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3561 Polyp d#6-8mm, có cuống?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:02 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Kết quả khám của em là: Có Polyp d#6-8mm, có cuống. Vậy xin hỏi Bác sĩ kết quả này là gì? Và có nguy cơ như thế nào ạ? Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Polyp là một từ chung chung mô tả một tổn thương nhô cao bắt nguồn từ niêm mạc, có thể có cuống hay không cuống. Polyp có thể gặp ở nhiều nơi như trong ống tiêu hóa, trong tử cung và cổ tử cung, trong túi mật, trong mũi hoặc trong bàng quang.

Chúng tôi không rõ lắm polyp của em là của cơ quan nào, có lẽ là của đại tràng?

Trong mọi trường hợp thì xin an ủi em thế này :

  • Polyp 6-8mm thì thường được xem là nhỏ và rủi ro bị ung thư thấp.
  • Polyp có cuống thì thường có hình thái giải phẫu bệnh lành tính nhiều hơn.
  • Cộng cả hai yếu tố này lại thì việc cắt bỏ khối poyp này có vẻ là dễ dàng.

Chỉ sau khi cắt bỏ polyp và có kết quả giải phẫu bệnh cụ thể thì câu trả lời về nguy cơ của em mới đáng tin cậy. Vậy, em nên đi cắt cái polyp này nhé .

Thân mến!
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin



#3562 Có thể trị dứt điểm khuẩn HP được không?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 25 Tháng 8 2016 - 09:08 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, xin hỏi Bác sĩ: Vi khuẩn HP trong dạ dày có thể trị khỏi dứt điểm được không ạ? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào cháu,

Vi khuẩn HP có thể trị khỏi hoàn toàn. Tuy việc điều trị chỉ kéo dài từ 10 ngày đến 2 tuần nhưng cần phối hợp nhiều loại kháng sinh. Các cách phối hợp khác nhau gọi là các phác đồ. Chọn phác đồ nào tùy thuộc vào cơ địa của từng bệnh nhân và tùy theo đánh giá của bác sĩ.

Trên thực tế, điều trị không phải bao giờ cũng thành công mà luôn có một tỷ lệ thất bại khoảng 10-20%. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ đổi phác đồ hoặc yêu cầu cấy vi khuẩn để có lựa chọn chính xác.

Bệnh nhân cần hợp tác và theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất.

Thân chào.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3563 Hay bị chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu,...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 29 Tháng 8 2016 - 08:33 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Con rất hay bị chóng mặt, hoa mắt, có thể sau khi đứng lên gấp, hay bị nhức đầu, có khi nhức cả ngày không hết. Mẹ con có nói do con ngủ không đủ vì con thức khuya dậy sớm đi học. Tuy nhiên dạo gần đây con hay mệt mỏi sau khi ngủ dậy, ăn sáng xong cảm thấy người nôn nao, sau các bữa ăn khác cũng vậy, có cảm giác buồn nôn. Ra gió lạnh con cảm thấy lạnh nhưng mồ hôi lại túa ra rất nhiều. Ban đầu con nghĩ do trúng gió nhưng thường khi trúng gió xong con sẽ bị cảm hoặc nôn hết 1 lần chứ không bị dai dẳng. Ngoài ra khi ăn thỉnh thoảng con cũng hay bị nghẹn. Con ăn uống khá khoa học, lựa chọn thực phẩm sạch và lành mạnh, tập thể dục đều đặn nữa ạ. Con mong bác sĩ tư vấn cho con trong thời gian sớm nhất. Con xin cám ơn ạ!

TRẢ LỜI

Chào cháu,
Tất cả những triệu chứng mà cháu mô tả đều khá mơ hồ, thuộc về nhóm biểu hiện toàn thân và gần như có thể gặp trong bất kỳ bệnh lý nào của cơ thể. Mặt khác, chúng cũng là những biểu hiện phổ biến của những trường hợp có thay đổi về sinh lý, mà không phải là bệnh lý. Những ví dụ thường gặp có thể kể như thiếu ngủ, ăn uống kém, làm việc quá sức v.v...

Nói cách khác,  các triệu chứng trên không thể giúp  gợi ý được là cháu có bệnh hay không bệnh và nếu bệnh là bệnh ở đâu . Cháu cần gặp bác sĩ để có hỏi bệnh chi tiết và khám cụ thể để có hướng chẩn đoán. Trường hợp của cháu khó có thể giúp được từ xa cháu ạ.

Thân chào
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3564 Trẻ nổi chấm đỏ sau gáy

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 31 Tháng 8 2016 - 10:04 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

 

Thưa Bác sĩ, cháu của em hiện được 3 tháng tuổi, em thấy có nhiều chấm đỏ nổi sau gáy. Em có bôi thuốc trị rôm sảy cho cháu rồi nhưng không hết. Cho em hỏi hiện tượng đó có liên quan đến bệnh lý gì không thưa Bác sĩ? Cảm ơn Bác sĩ!

chamdo.png

TRẢ LỜI

 

Chào em,

 

Chấm đỏ sau gáy ở trẻ 3 tháng thường thấy có thể là 1 dạng bướu máu dát phẳng, chỉ cần theo dõi mà không cần điều trị. Có thể chấm đỏ sẽ mờ dần theo thời gian và tự hết. Nếu có thêm dấu hiệu bất thường khác kèm theo em nên cho cháu khám Chuyên khoa.

Thân mến chào em!

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3565 Trẻ nổi hạch sau tai?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 31 Tháng 8 2016 - 10:06 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, Cháu bé nhà em bị hạch sau 2 tai (2 ót) là biểu hiện của bệnh gì ạ? Cảm ơn Bác sĩ!


TRẢ LỜI

Chào em,

Ở trẻ nhỏ, sau tai thường có hạch phản ứng vì đang độ tuổi mọc răng, viêm amidan, viêm VA,... Thường thì hạch phản ứng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên để biết chắc chắn em nên cho cháu khám Bác sĩ Chuyên khoa để có kết luận chính xác nhất.

Thân mến chào em!

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3566 Polyp ở hồi tràng, 8mm...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 07 Tháng 9 2016 - 10:43 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Em bị Polyp ở hồi tràng 8mm. Bác sĩ bảo khó cắt, vậy cho em hỏi vấn đề này nên giải quyết như thế nào là tốt nhất. Xin cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào em,

Polyp hồi tràng thường là lành tính hoặc đôi khi chỉ là giả polyp do tăng sinh cách nang bạch huyết. Mặt khác, việc các polyp hồi tràng cũng có rủi ro cao hơn do thành ruột non khá mỏng. Do đó, phần lớn các bác sĩ chọn lựa việc sinh thiết để đảm bảo về bản chất lành tính của tổn thương và theo dõi tiếp.

Các polyp hồi tràng phát triển chậm và cũng không dẫn đến biến chứng cơ học như tắc nghẽn hay xuất huyết.

Theo dõi định kỳ bằng nội soi là giải pháp phù hợp nếu bác sĩ nội soi nhận định cắt không an toàn.

Thời gian theo dõi còn tùy thuộc vào kích thước và tính chất giải phẫu bệnh.

Thân chào

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3569 Rối loạn cương dương...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 9 2016 - 08:51 AM trong Các vấn đề khác

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn. Theo tìm hiểu thông tin và so lại với những gì mình gặp phải thì tôi thấy tôi đang bị rối loạn cương dương. Tình trạng là không đạt được độ cương cứng và rất nhanh xuống trước khi lâm trận. Tôi đã bị tình trạng này khoảng 3 tháng nay. Lúc đầu thấy có biểu hiện nhưng sau khi dưỡng khoảng 1 tuần thì bình thường. Nhưng 3 tháng nay tôi không thể đạt được độ cứng để lâm trân. Vậy bs có thể cho biết tôi phải chữa như thế nào? Cám ơn bác sĩ.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Chuyện rối loạn thì ai cũng có. Ông trời cũng lúc nắng lúc mưa mà, bạn cứ bình tĩnh nhé.

Phải nói ngay thế này, cái sự mềm yếu mà bạn đang hỏi, vốn có rất nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân rất rõ ràng, ví dụ như bị tiểu đường chẳng hạn nhưng cũng có những nguyên nhân trời ơi đất hỡi mà Bác sĩ nam khoa phải ngồi "tâm tình" với bạn vài tiếng mới tìm ra, ví dụ như trầm cảm do sếp bự trù dập hay sếp nhỏ rầy rà...

Trong trường hợp của bạn, thời gian 3 tháng là khá mới, cho thấy khả năng điều trị khỏi là khá cao, vấn đề là tìm ra nguyên nhân.

Để giải quyết vấn đề, bạn cần giải quyết như sau:

  1. Trong 3 tháng này, bạn có gì thay đổi về sức khỏe tổng quát? Nên đi khám tổng quát vì biết đâu chuyện mềm mềm yếu yếu đó lại là triệu chứng bắt đầu của một căn bệnh?
  2. Trong 3 tháng này, bạn có gì thay đổi về nếp sống? Lúc này rãnh, nhậu hơi nhiều? Hay là nhà bên có hàng cafe mới mở có cô chủ quá xinh, nên ngày nào cũng uống 4 cử? Hoặc mới đổi chỗ làm, thức khuya dậy sớm?
  3. Trong 3 tháng này, bạn có vấn đề gì về tâm lý, tâm thần hay không? Đó có thể là những vấn đề rất nhỏ tưởng chừng không liên quan như ông hàng xóm khó chịu hay đưa con trai bướng bỉnh làm mình lo lắng?

Nếu bạn tìm thấy 1 vấn đề nào đó, hãy điều chỉnh và cho mình chút thời gian để phục hồi phong độ.

Trong trường hợp bạn không thấy có gì bất thường cả, mà vẫn cứ èo uột.... Vậy chắc là bạn đã đến tuổi đón gió heo may về. Lúc này, cần phải sử dụng đến quyền trợ giúp của các thuôc hổ trợ bản lĩnh đàn ông. Bạn dùng thuốc tây thì tốt hơn là những bài thuốc chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, cần kiểm tra tim mạch trước khi dùng.

Chúc bạn luôn cứng rắn trong quá trình điều trị bệnh của mình.

 

Bác sĩ Yersin

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3570 Ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn đầu?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 9 2016 - 08:52 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thưa Bác sĩ, ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn đầu (khối u < 3cm) có khả năng chữa khỏi được hay chỉ làm các hoá trị xạ trị để kéo dài thời gian sống? Em đọc nhiều tài liệu có thấy thông tin chữa khỏi bệnh ung thư, liệu có đúng sự thực ko ạ? Hay chỉ là chiêu trò của các trang mạng quảng cáo? Em cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!

TRẢ LỜI

Chào em,

Ung thư nào cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Đối với ung thư phổi loại không phải tế bảo nhỏ, phẫu thuật có thể giúp điều trị tận gốc. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn sau 5 năm còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác và không ai có thể đảm bảo trị lành bệnh 100%.

Em nên tuân thủ phác đồ điều trị, giữ cơ thể khỏe mạnh và luôn lạc quan trong quá trình chiến đấu chống ung thư. Điều đó sẽ giúp cải thiện khả năng sống sót và lành bệnh.

Chúc em khỏe,

Thân mến!

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3571 Tăng hồng cầu nhỏ và lá lách lớn?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 9 2016 - 08:53 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Xin chào Bác sĩ. Em có đi khám tổng quát định kỳ hàng năm ở công ty thì được chuẩn đoán là bị tăng hồng cầu nhỏ và lá lách lớn. Xin Bác sĩ tư vấn giúp em, cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Không rõ là em có bị thiếu máu hay không nhưng sự phối hợp hồng cầu nhỏ và lách to gợi ý đến bệnh lý tán huyết do bất thường Hemoglobin, thường là các nhóm thalassemia.

Em cần làm thêm một số xét nghiệm về huyết học để có chẩn đoán. Việc điều trị thì tùy vào mức độ thiếu máu và nguyên nhân sinh bệnh.

Thân chào!

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3572 Bé nổi nhiều hạt quanh cổ, lưng, bụng,...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 13 Tháng 9 2016 - 08:30 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, cháu nhà em được 14 tháng tuổi. Khi bé khoảng 12 tháng tuổi, sau gáy có nổi một số hạt (trong giống, thịt dư, mụn thịt) và trong 2 tháng gần đây, những hạt này nhảy mọc quanh cổ, số ít ở lưng và bụng. Bên trong những nốt này trắng trắng, nhìn không phải mủ. Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em, cháu nó đang mắc bệnh gì? Em hoang mang quá. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em. Có rất nhiều tổn thương da ở trẻ nếu chỉ mô tả sẽ không đánh giá đúng tình trạng bệnh lý. Theo như trường hợp em mô tả, tình trang cháu có hiện tượng lan ra xung quanh nhiều, em nên cho cháu đến khám Bác sĩ Chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác để có hướng điều trị kịp thời trước khi bệnh tình chuyển nặng hơn. Thân mến

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3573 Bệnh Sỏi Thận Đang Gia Tăng

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 16 Tháng 9 2016 - 10:26 AM trong Tiết niệu - Thận

Trước đây, các sách y khoa mô tả bệnh nhân điển hình bị sỏi thận là người da trắng, tuổi trung niên, béo phì do chế độ ăn không lành mạnh và không uống đủ nước. Hiện nay thì những cuốn sách này cần phải cập nhật lại. Một nghiên cứu mới cho thấy không những tỷ lệ người bị sỏi thận đang tăng mà những người trước kia được cho là ít có nguy cơ bị sỏi thận lại nằm trong số những bệnh nhân mới, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người Mỹ gốc Phi.

 

Tại sao bị sỏi?

Sỏi thận hình thành do một số chất đặc trưng trong nước tiểu như canxi hay uric acid, dạng tinh thể. Những yếu tố giúp hình thành sỏi thận:

  • Chế độ ăn chứa nhiều đạm động vật, natri, và đường, uống ít nước.
  • Một số tình trạng như bệnh gút, tiểu đường và béo phì
  • Ảnh hưởng của thuốc, chẳng hạn thuốc bổ sung canxi
  • Tiền sử gia đình và di truyền – người trong nhà có thể bị sỏi thận mặc dù người ta vẫn chưa chắc chắn bệnh là do những yếu tố cụ thể như, cùng chung gen di truyền hay là sống cùng môi trường và cùng chung một chế độ ăn.

bigstock-Young-man-eating-a-healthy-sal-

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Trong khi việc tìm ra nguyên nhân cụ thể dường như bất khả thi thì bệnh sỏi thận khá phổ biến, ảnh hưởng khoảng 19% nam giới và 9% nữ giới ở độ tuổi 70.

 

Sỏi thận có nghiêm trọng không?

Thỉnh thoảng, người ta tình cờ phát hiện mình bị sỏi thận và cũng tự khỏi, không gây ra triệu chứng gì và chẳng cần điều trị. Nhưng khi sỏi kẹt ở đâu đó, nó sẽ làm bạn đau hay làm tắc dòng chảy nước tiểu. Sỏi có thể bị kẹt ở bất kỳ nơi đâu trong hệ thống tiết niệu, gồm thận, niệu quản (ống dẫn kết nối mỗi quả thận với bàng quang), bàng quang hay niệu đạo (ống thông nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Bạn có thể nghe nói “thoát sỏi thận” có thể gây đau đớn cùng cực – đó là khi sỏi làm tắc nghẽn trong niệu quản.

Bên cạnh cơn đau và những bất tiện khi tiểu tiện, người bệnh còn bị chảy máu và suy thận. Những viên sỏi gây tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và thậm chí liên quan đến bệnh tim mạch. Do đó, sỏi thận là bệnh nặng.

 

Tin mới

Một nghiên cứu mới đăng trên tờ Tạp chí Y khoa Hiệp hội Hoa Kỳ về Niệu Học mô tả một phân tích hơn 150.000 người ở Nam Carolina, những người này từng bị sỏi thận ở thời điểm nào đó giữa năm 1997 đến 2012. Những phát hiện chính của nghiên cứu:

  • Tần suất của sỏi thận tăng 16% trong suốt thời gian nghiên cứu.
  • Những ca sỏi thận tăng chủ yếu ở trẻ em, phụ nữ và người Mỹ gốc Phi.
  • Trong khi nam giới bị sỏi thận chiếm đa số (điều này đã ghi nhận trong quá khứ), thì con số những phụ nữ dưới 25 bị sỏi thận lại nhiều hơn.

Tại sao những ca sỏi thận tăng?

Nghiên cứu này và những nghiên cứu trước đây chưa biết nguyên nhân tại sao sỏi thận lại có chiều hướng tăng. Tỷ lệ tăng của bệnh béo phì có thể là nguyên do. Một khả năng khác có thể do thay đổi khí hậu vì khi nhiệt độ ấm hơn người ta càng dễ mất nước. Thực tế, không ai biết chính xác nguyên nhân là gì.

dua-bung-tieu-ra-mau-hiem-hoa-ung-thu-tu

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Vậy bạn có thể làm gì?

Nếu bạn có những triệu chứng của sỏi thận, nên đi gặp bác sĩ hay báo trực tiếp cho nhân viên phòng cấp cứu. Triệu chứng phổ biến nhất là những cơn đau ở lưng hay vùng bụng dưới, đau khi đi tiểu, hay có máu trong nước tiểu.

Nếu bạn được chẩn đoán bị sỏi thận, bạn cần tìm hiểu nguyên do tại sao (nếu có thể) và có biện pháp ngăn ngừa bệnh tái phát. Đến gặp bác sĩ và tư vấn về thay đổi chế độ ăn cũng như thuốc uống (hay phòng tránh). Chi tiết buổi tư vấn tùy thuộc vào loại sỏi và kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu.

 

Cần làm gì?

Cần nhiều nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân – hay những nguyên nhân – làm sỏi thận trở nên ngày càng phổ biến. Nếu chúng ta tìm ra nguyên nhân thì có cơ hội tìm ra những cách tốt hơn để phòng bệnh. Hãy tưởng tượng xem sỏi thận gây đau đớn và tiềm ẩn nguy hiểm ra sao, phòng bệnh là cách tốt. Hãy hỏi bất kỳ ai bị sỏi thận: nên phòng tránh trước nếu có thể.

 

Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

Nguồn Harvard Health Publications

(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3574 Khối u nhỏ 21mm ở phổi, có hút thuốc...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 19 Tháng 9 2016 - 09:26 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào bác sĩ,

Nhà em hiện mới 26 tuổi. Khám bệnh phát hiện khối u nhỏ 21 mm ở phổi, có hút thuốc. Vậy có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi không?

Mới vài tuần nay, không biết có phải do thời tiết thay đổi không? Nhà em bị ho, khàn tiếng, sốt cao, tiêu chảy và tiêu ra máu nhưng những triệu chứng này em tham khảo đều là triệu chứng của ung thư phổi, không biết có phải vậy không ?

Sau 1 tuần chụp X quang phát hiện u, nhà em tiếp tục đi siêu âm lại, thì bác sĩ nói u không lan ra, cho thuốc uống ...

Nhà em sợ "bói ra ma quét nhà ra rác" nên không chịu đi làm xét nghiệm sinh thiết để xác định bệnh ung thư hay không

Bác sĩ cho em lời khuyên với ạ, triệu chứng như vậy là ung thư ? Giai đoạn mấy ? Khả năng chữa trị khỏi có cao không ạ?

Em cám ơn bác sĩ nhiều.

TRẢ LỜI

Em thân mến,

Vấn đề ung thư hay không, rõ ràng là rất quan trọng nên việc em dè dặt tìm hiểu thêm là rất đúng. Rất tiếc, nếu chỉ bằng vài dòng thư của em mà chúng tôi có thể quyết định được, thì chính chúng tôi lại trở thành thầy bói mất rồi. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể đưa ra vài góp ý:

  1. Ho, sốt cao, khàn tiếng CÓ THỂ nhưng không phải là triệu chứng điển hình của ung thư. Ung thư phổi thường biểu hiện bằng ho kéo dài, ho ra máu và sụt cân. Các triệu chứng nêu trên gợi ý bệnh lý viêm đường hô hấp hơn là ung thư.
    Tiêu chảy và tiêu máu không phải là triệu chứng ung thư phổi.
  2. 26 tuổi là khá trẻ để bị ung thư phổi. Nguy cơ bị ung thư tăng theo mức độ hút thuốc. Trường hợp của em là không điển hình, thường phải cần chẩn đoán phân biệt giữa viêm (đặc biệt là các tổn thương do lao và ký sinh trùng), u lành và ung thư. X quang thông thường có thể không giúp ích mà cần làm CT hay nội soi phế quản hút dịch để tìm vi trùng hoặc tìm tế bào ung thư. Trong trường hợp CT nghi ngờ và nội soi không cho kết quả, có thể cần sinh thiết xuyên thành phế quản hay xuyên thành ngực.
    Siêu âm hầu như không có giá trị gì trừ siêu âm nội soi.
  3. Trường hợp này vẫn chưa rõ ràng và có vẻ là bác sĩ điều trị đang nghiêng về hướng viêm. Do đó, trước khi chẩn đoán ung thư rõ ràng hơn, chúng tôi khuyên em khoan hãy lo lắng về độ nặng hay điều trị.
  4. Tóm lại, nên làm rõ chẩn đoán trước rồi mới bàn đến điều trị.

Thân chào,

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin




#3575 Khối U Giấu Mặt

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 19 Tháng 9 2016 - 10:12 AM trong Tổng quát

Ung thư phổi thường khó phát hiện bằng phương pháp X quang thông thường, vì nhiều trường hợp khối u được giấu khéo léo sau các mô. Với phương pháp MSCT, khả năng phát hiện và đánh giá ung thư phổi sẽ cao hơn.

 

Không phải lúc nào bệnh ung thư cũng được phát hiện bởi những triệu chứng đặc trưng riêng của nó. Thường thì những khối u luôn khéo léo giấu mặt và chỉ bị phát hiện bởi những dịp tình cờ, có khi khám bệnh này lại ra bệnh khác, như trường hợp anh T. (Gò Vấp).

 

Tưởng vậy mà … không phải vậy

Thời tiết giao mùa, bệnh là lẽ thường nên thấy ho khan cả tháng trời, anh T. cũng không chú ý mấy, chỉ uống vài viên thuốc kháng sinh nhưng không thấy đỡ. Có điều, những cơn ho chỉ khiến anh cảm thấy hơi bất tiện chứ ngẫm ra cũng không sốt, không đau ngực gì, thành thử anh cũng để mặc.

Không biết rủi hay may, ngón tay anh bỗng sưng đau các khớp. Đau khớp thì không phớt lờ được, anh T. thu xếp đi khám và điều trị tại phòng khám Yersin. Kết quả chụp phim X quang tim phổi phát hiện thấy hình ảnh đám mờ đáy phổi phải. Nghi ngờ “có vấn đề”, bác sĩ chỉ định cho anh T. chụp CT ngực, kết quả ghi nhận u thùy dưới phổi phải.

Hỏi kỹ lại, anh T. cho biết có ho, tức có triệu chứng ở phổi nhưng lý do chính để anh vào viện lại là một bệnh khác. Bệnh phổi chỉ phát hiện tình cờ khi khám toàn thân.

Trường hợp của anh T. cho thấy tầm quan trọng của khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc ung thư sớm. Trong hầu hết các trường hợp, việc chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh tật có vai trò rất quan trọng, nhất là trong bệnh ung thư. Theo y văn, ung thư phổi, nếu phát hiện và điều trị ngay từ giai đoạn sớm (IA) thì tỷ lệ sống còn sau 5 năm điều trị có thể lên 70%, trong khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn muộn (III – IV) thì tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng dưới 5 %.

 

Bệnh của người hút thuốc

Các nhà sản xuất thuốc lá đã buộc phải in lên vỏ bao thuốc lá dòng chữ “Hút thuốc lá gây ung thư phổi”, nhưng xem ra vẫn chưa khiến dân nghiện thuốc lá chùn tay. Nếu biết, có đến 80% trường hợp ung thư phổi do hút thuốc lá, các anh liệu có đắn đo khi rút một điếu thuốc ?

 

Yersin%20-%20khoi%20u%20giau%20mat%204.j

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

 

Khói thuốc là một nguy cơ quan trọng và nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ung thư phổi. Những hợp chất nguy hại trong thuốc lá phá hủy các tế bào phổi và hình thành ung thư. Đó là lý do tại sao hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi. Thậm chí những người không hút thuốc lá nhưng hít phải những chất trên (Hút thuốc thụ động) cũng bị mắc ung thư.

20% còn lại là tổng hợp của một nhóm những nguyên nhân khác: tia xạ, bụi phổi, di truyền,…

 

Tầm soát ung thư phổi

Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư phổi như: X quang, xét nghiệm đàm tìm tế bào ung thư, CT … nhưng hiện nay, MSCT là kỹ thuật nhạy hơn nhiều so với các phương pháp khác trong việc phát hiện ung thư phổi gian đoạn sớm (I).

 

Không giống như chụp X quang, CT phổi thực hiện cắt lát phổi theo hình ảnh cắt ngang. Điều này cho phép bác sĩ khảo sát phổi từ trên xuống dưới và cách khảo sát lát cắt mỏng giúp ta tầm soát được những tổn thương có kích thước nhỏ. Đổi với khối u có kích thước khoảng 20 mm, độ tin cậy trên CT khoảng 97 %.

 

Yersin%20-%20khoi%20u%20giau%20mat%201.j

(Ảnh minh họa: Nguồn internet)

 

Với hình ảnh tái tạo 3D, CT phổi có thể đo được sự tăng trưởng của khối u theo 3 chiều để đánh giá thể tích của khối u, trong khi X quang chỉ có thể đo khối u tại điểm rộng nhất. Do vậy, việc tầm soát ung thư phổi với máy MSCT ở những đối tượng có thời gian hút thuốc lá trên 10 năm đã và đang được khuyến cáo.

Trong quá trình tầm soát ung thư phổi, bệnh nhân được yêu cầu nằm trên bàn của máy quét CT. Bàn này di chuyển cơ thể của bệnh nhân vào vị trí cần khảo sát, đầu đèn sẽ phát tia, lượng tia còn lại sau khi đi xuyên qua cơ thể sẽ được ghi nhận bởi các detector, gửi về máy tính xử lý thông tin và hiện thị ra các hình ảnh tương ứng trên màn hình máy tính. Kỹ thuật chụp ảnh này tránh bất kỳ sự chồng chéo nào của các cơ quan hoặc có mô khác.

 

Những ai cần tầm soát ung thư phổi

Tầm soát ung thư phổi được khuyến cáo cho cá nhân ở độ tuổi trên 45 có các yếu tố nguy cơ sau:

  • Có tiền sử hút 1 gói thuốc lá mỗi ngày trong 10 năm, hoặc 2 gói thuốc lá mỗi ngày trong 5 năm,…
  • Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.
  • Tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư (ví dụ: amiăng, tia xạ, hóa chất, bụi …) kéo dài.
  • Ho kéo dài chưa rõ nguyên nhân hoặc điều trị thuốc không đáp ứng.
  • Ho ra máu chưa rõ nguyên nhân

Trưởng Khoa Chẩn Đoán Hình Ảnh, Bác sĩ Phan Thị Thu Thủy

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3576 Hướng Dẫn Về Ung Thư Phổi

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 19 Tháng 9 2016 - 10:17 AM trong Tổng quát

Bức tranh toàn cảnh

Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở cả hai giới nam và nữ. Tuy nhiên điều này không hẳn là đúng ở thời gian trước đây. Trước khi thuốc lá được sử dụng rộng rãi, ung thư phổi rất hiếm hoi.

 

Ngày nay, 9/10 ca ung thư phổi tử vong nguyên nhân chủ yếu là do hút thuốc lá, trong khi khí radon, ô nhiễm và những chất hóa học khác chỉ đóng một vai trò khá nhỏ. Mặt khác, ngày nay cũng đã có một số thuốc mới mang lại hi vọng cho người bị ung thư phổi.

 

Thuốc lá gây ra ung thư phổi như thế nào?

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%202.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Thuốc lá không chỉ chứa những hóa chất gây ung thư mà còn phá hủy khả năng đề kháng tự nhiên của phổi. Bình thường, đường thở được phủ bởi những sợi lông mao. Các lông mao này sẽ bảo vệ phổi bằng cách quét sạch những độc tố, vi khuẩn, và virus. Khói thuốc cản trở những lông mao thực hiện công việc của chúng. Chính vì vậy mà những hóa chất gây ung thư có cơ hội tích tụ trong phổi.

 

Triệu chứng của ung thư phổi

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%203.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Ung thư phổi diễn biến khá thầm lặng. Giai đoạn đầu, thường không có triệu chứng hay dấu hiệu cảnh báo. Khi bệnh tiến triển nặng, triệu chứng, có thể xuất hiện các triệu chứng:

  • Ho kéo dài
  • Đau ngực khi hít thở sâu
  • Thở khò khè hay khó thở
  • Ho ra đàm có máu
  • Mệt mỏi

Tầm soát ung thư phổi

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%204.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Ung thư phổi có thể phát hiện sớm sao? Đúng vậy, chụp CT có thể phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm ở một số người, nhưng cũng không hẳn đã đủ sớm đủ để cứu mạng họ.

Tổ chức Preventive Services Task Force của Hoa Kỳ khuyến cáo tầm soát ung thư phổi hàng năm bằng cách chụp CT bức xạ thấp ở người lớn, độ tuổi từ 55 đến 80, đặc biệt những người có tiền sử hút thuốc 30 năm và hiện vẫn đang hút hoặc đã bỏ thuốc trong vòng 15 năm. Bác sĩ tính con số “năm hút thuốc” bằng cách nhân số điếu thuốc hút mỗi ngày với số năm hút. Có thể ngưng chương trình tầm soát sau khi đã ngưng thuốc 15 năm.

 

Chẩn đoán ung thư phổi

 

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ không phát hiện ung thư cho đến khi xuất hiện các triệu chứng như: ho kéo dài hay thở khò khè. Lúc đó, bác sĩ có thể cho bạn chụp X-quang hay làm các chẩn đoán hình ảnh khác. Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm đàm. Nếu một trong những cận lâm sàng này có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm sinh thiết.

 

Sinh thiết phổi

 

Nếu trong phim chụp X-quang phát hiện có khối u nghi ngờ, hay phát hiện trong đàm có tế bào ung thư, bác sĩ sẽ dùng kim lấy mẫu sinh thiết phổi để xác định chẩn đoán.

 

Những loại ung thư phổi

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%207.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Có 2 loại chủ yếu.

  • Ung thư tế bào nhỏ là loại nguy hiểm, loại ung thư này di căn rất nhanh dù trong giai đoạn sớm. Loại ung thư này thường liên quan tới hút thuốc lá và rất hiếm xuất hiện ở những người không hút thuốc.
  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, nó phát triển từ từ và loại này phổ biến đến nỗi nó chiếm 85% ở hầu hết các ca ung thư phổi.

Các giai đoạn của ung thư phổi

 

Việc phân giai đoạn ung thư nhằm đánh giá qua mức độ lan tràn của bệnh. Tuy nhiên 2 loại ung thư phổi này có cách phân giai đoạn khác nhau.

  • Ung thư phổi tế bào nhỏ, gồm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn “hạn chế” là thời kỳ ung thư chỉ diễn ra ở 1 bên phổi hoặc các hạch bạch huyết gần đó. Giai đoạn “lan rộng” là thời kỳ ung thư đã lan sang lá phổi còn lại hoặc xa hơn nữa.
  • Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ có 4 giai đoạn, tùy thuộc vào tế bào ung thư đã lan rộng đến đâu.

Tỉ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi

 

Theo thống kê mới nhất của Viện Ung Thư Quốc Gia từ năm 2004 đến năm 2010, cơ hội sống của những bệnh nhân ung thư phổi dao động từ 4% đến 54%, tùy thuộc vào giai đoạn ung thư được phát hiện. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ sống 5 năm, tiếp tục tăng theo thời gian.

 

Điều trị ung thư trong giai đoạn đầu

 

Khi ung thư phổi không phải tế bào nhỏ được phát hiện trước khi lan ra phổi còn lại, phẫu thuật có thể có tác dụng. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần phổi có khối u, hoặc nếu cần thiết, sẽ cắt cả một bên phổi. Một số bệnh nhân phải trải qua quá trình xạ trị hay hóa trị sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ không phải là lựa chọn cho những bệnh nhân bị ung thư tế bào nhỏ vì ngay khi có chẩn đoán ung thư thì bệnh đã di căn.

 

Điều trị ung thư phổi di căn

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%2011.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Khi ung thư đã di căn và không chữa khỏi được, các phương pháp điều trị vẫn có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn và có chất lượng sống tốt hơn. Xạ trị và hóa trị giúp giảm kích thước khối u và giảm triệu chứng, chẳng hạn như xương đau hay tắc nghẽn đường hô hấp. Hóa trị là phương pháp chính điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ.

 

Các phương pháp điều trị tập trung

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%2012.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Điều trị nhằm vào khối u là dạng điều trị mới có thể kết hợp với hóa trị hoặc khi những liệu pháp khác thất bại. Có 2 phương pháp trị liệu mới.

  • Một loại dùng để chặn sự tăng trưởng của các mạch máu tân sinh dùng để nuôi các tế bào ung thư. Phương pháp này giúp những bệnh nhân ung thư trễ sống lâu hơn.
  • Loại khác ngăn cản các tín hiệu dẫn đến sự tăng sinh tế bào ung thư.

Sau khi có kết quả chẩn đoán...

 

Bị chẩn đoán ung thư phổi có thể là một cú sốc đối với người bệnh, và nếu do hút thuốc gây ra, họ sẽ cảm thấy hối hận. Thay vì phí thời gian tự trách bản thân. bạn nên nhìn về phía trước. Không bao giờ là quá trễ để bắt đầu một lối sống mới lành mạnh hơn. Có bằng chứng cho thấy những bệnh nhân biết mình bị ung thư phổi và đã bỏ thuốc có cuộc sống tốt hơn so với những người vẫn giữ thói quen hút thuốc.

 

Ung thư phổi và người hít khói thuốc gián tiếp (hút thuốc thụ động)

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%2015.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Mặc dù hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu của ung thư phổi nhưng đây không phải là nguy cơ duy nhất. Hít khói thuốc gián tiếp ở nhà hay ở nơi làm việc đều tăng nguy cơ bị bệnh. Những người kết hôn với bạn đời có thói quen hút thuốc thì nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn những người có vợ/chồng không hút thuốc từ 20% đến 30%.

 

Ung thư phổi và nguy cơ phơi nhiễm tại nơi làm việc

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%2016.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Một số công việc tăng nguy cơ ung thư phổi ở cả người hút thuốc và người không hút thuốc. Những người làm việc trong môi trường có uranium, arsenic, và các hóa chất khác nên hạn chế tiếp xúc với những chất này. Chất amiăng, trước đây dùng rộng rãi để cách nhiệt, là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi. Mặc dù hiện nay chất này ít được dùng đến, nhưng những người lao động trước đây tiếp xúc với chất này nhiều năm trước vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.

 

Ung thư phổi và khí radon

 

Radon là một loại khí phóng xạ tự nhiên, ở một số vùng của nước Mỹ nồng độ khí này cao hơn mức bình thường. Khí gas có thể tích tụ trong nhà và tăng nguy cơ ung thư phổi, đặc biệt ở những người hút thuốc. Đây là nguy cơ đứng hàng thứ hai gây ung thư phổi ở Mỹ. Khoảng 12% ca tử vong do ung thư phổi đều liên quan đến việc tiếp xúc khí radon. Khí gas này không màu và không mùi, nhưng có thể phát hiện ra nhờ sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm đơn giản.

 

Ung thư do ô nhiễm không khí

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%2018.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Trong khi ung thư do ô nhiễm ít hơn số ca do thuốc lá gây ra, nhưng ô nhiễm không khí cũng tăng nguy cơ ung thư. Chuyên gia cho rằng ô nhiễm từ khói xe, nhà máy và các nhà máy điện có thể gây tác hại cho phổi như do hít khói thuốc gián tiếp gây ra. Trên thế giới, ô nhiễm không khí gây ra khoảng 223,000 ca tử vong do ung thư phổi.

 

Những yếu tố nguy cơ khác của ung thư phổi

  • Tiền sử gia đình về ung thư phổi
  • Uống nước có nồng độ arsenic cao

Những người không nằm trong nhóm nguy cơ vẫn có khả năng bị ung thư phổi – gồm cả những người không bao giờ hút thuốc. Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nhưng ung thư phổi ở những người không hút thuốc thường là nữ giới chứ không phải nam. Một loại ung thư tuyến hay xuất hiện ở những người không hút thuốc hơn là ở những người nghiện thuốc lá.

 

Phòng tránh ung thư phổi

 

Yersin%20-%20Ung%20thu%20phoi%2020.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Ung thư phổi có thể là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, nhưng có thể phòng tránh được. Đơn giản nhất là không hút thuốc. Nếu được, hãy tìm cách bỏ thuốc. Nếu bỏ thuốc được 10 năm, nguy cơ ung thư phổi giảm từ 30% đến 50%.

Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

Nguồn WebMD

(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.

 

 




#3577 Trẻ test hơi thở C14, có sử dụng chất phóng xạ...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 21 Tháng 9 2016 - 08:34 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Con trai tôi chưa đầy 3 tuổi xuống bệnh viện bác sỹ cho thổi bong bóng test thở C14 để thử HP dạ dày, liệu con tôi sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe như thế nào không? Nhờ Bác sĩ giải đáp. Tôi thấy lo lắng quá. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Test hơi thở C14 có sử dụng chất phóng xạ với hàm lượng rất nhỏ. Người ta ước tính rằng mức phóng xạ thu nhập khi dùng test C14 tương ứng với mức phơi nhiễm trong tự nhiên ít hơn một ngày hoặc chỉ bằng một phần tư so với việc chụp một hình X quang phổi thông thường. Nhiều nghiên cứu đã xác nhận dùng test hơi thở C14 là an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, những người cẩn thận luôn cho rằng nếu có thể dùng những phương pháp chẩn đoán hoàn toàn không gây hại thì vẫn tốt hơn. Do đó,  khuynh hướng chung là đề nghị việc thay thế hoàn toàn test hơi thở C14 băng nhóm C13 không có hoạt tính phóng xạ, nếu có thể được.

Về mặt lý luận, nếu bạn hỏi là test C14 có hại cho trẻ hay không thì câu trả lời là có nhưng mức độ rất thấp và chấp nhận được. Cũng giống như khi trẻ bị bệnh, bạn bắt buộc phải cho cháu đi thử máu, chụp X quang phổi hay đôi khi là CT.

Về mặt thực hành, các phòng khám trên thế giới vẫn cho phép sử dụng test hơi thở C14 cho trẻ em.

Bạn không phải lo lắng quá về vấn đề này nhé.

Thân chào,

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3578 Hở van 3 lá sinh lý...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 23 Tháng 9 2016 - 08:31 AM trong Tim mạch

CÂU HỎI

Chào các bác sĩ, Mẹ mình dạo này bị khó thở và mệt. Đi khám thì phát hiện hở van 3 lá sinh lý. Xin cho hỏi bệnh này có nguy hiểm không? Và cần làm thêm các xét nghiệm gì nữa ngoài siêu âm tim để biết chính xác nguyên nhân hay mệt và khó thở? Trân trọng cảm ơn.

TRẢ LỜI

Chào em,

Nếu bác sĩ xác định là hở van ba lá sinh lý, khả năng là bệnh không nguy hiểm. Đây thật ra là một hiện tượng thường gặp ở người già, do vòng van dãn vì bệnh tim khác, hay do thoái hóa các lá van.

Em có thể nghĩ về nó một cách đơn giản như xe chạy lâu ngày thì hay bị mòn bạc đạn, hay xì nhớt ... vậy thôi. Đáng tiếc là khi xe quá cũ thì thường hư hao khắp nơi, nhiều khi đành phải chịu chút trục trặc nho nhỏ như thế, không cần hay không thể sửa.

Tình trạnh hở van ba lá xác định qua nghe tim và siêu âm là đủ. Tuy nhiên, vấn để của mẹ em là mệt và khó thở, có vẻ lại là một câu chuyện khác.

Có nhiều khả năng là mẹ em có một bệnh khác ở tim ( cao huyết áp, suy vành) hay phổi ( bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tâm phế mãn...) hay nhiều khi chỉ là thiếu máu, rồi loạn nhịp tim. Mẹ em chắc chắn là cần khám lại để làm rõ nguyên nhân khó thở. Hở 3 lá thường là thứ phát, ít có khả năng là nguyên nhân duy nhất gây khó thở.

Thân chào

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3579 Huyết Áp Thấp Có Gây Nhồi Máu Cơ Tim Không?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 27 Tháng 9 2016 - 11:33 AM trong Tim mạch

Ai cũng biết huyết áp cao có thể nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, nhưng huyết áp quá thấp cũng dẫn đến tình trạng này.

 

Ngày 01/9/2016, một nghiên cứu đã cảnh báo giới bác sĩ là nên thận trọng khi điều trị tăng huyết áp. Hạ huyết áp quá nhiều ở những người có bệnh lý mạch vành có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

 

Một nhóm nghiên cứu quốc tế, bao gồm cả Imperial College London, nhận xét là ai cũng biết huyết áp cao có thể nguy cơ gây nhồi máu cơ tim, nhưng huyết áp quá thấp cũng dẫn đến tình trạng này.

 

Chỉ số huyết áp có ý nghĩa như thế nào?

 

BP.jpg

 

Chỉ số huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg, gồm:

  • Huyết áp tâm thu: là áp lực máu lên thành động mạch khi tim đập.
  • Huyết áp tâm trương: là áp lực máu giữa 2 nhịp đập của tim.
  • Huyết áp lý tưởng là dưới 120/80 mmHg. Theo American Heart Association cho biết, khoảng 1/3 người Mỹ bị cao huyết áp.

Huyết áp cao có nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ cũng như bệnh thận.

 

Nghiên cứu quốc tế

world.jpg

 

Nghiên cứu trên 22.672 người có bệnh lý tim mạch và đang điều trị cao huyết áp, ở 45 quốc gia. Các nhà khoa học nhận thấy, khi huyết áp cao hơn 140/90 mmHg thì có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, khi huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg cũng như huyết áp tâm trương dưới 70 mmHg có liên quan đến các trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim hoặc các ca nhập viện do suy tim.

 

Cảnh báo trong việc điều trị quá mức bệnh cao huyết áp

 

Giáo sư Kim Fox, cộng tác viên của nghiên cứu này, kiêm lãnh đạo National Heart and Lung Institute at Imperial College London phát biểu, phân tích cho thấy tầm quan trọng trong điều trị cao huyết áp.

 

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cảnh báo không nên kiểm soát huyết áp quá mức. Dù huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường, nhưng huyết áp thấp hơn 120/70 mmHg có thể xem là quá thấp với người có bệnh lý mạch vành và đang điều trị cao huyết áp.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy, để giảm nguy cơ đột quỵ, huyết áp càng thấp thì càng tốt.

 

Các nhà nghiên cứu viên cho biết, cần nhiều nghiên cứu hơn để có chuẩn huyết áp lý tưởng. Mặt khác, họ cũng đề nghị nên thận trọng khi dùng thuốc hạ áp với các ca có bệnh lý tim mạch.

Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

 

Nguồn WebMD

 

(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

___________________________________________________________________________________

 

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3580 Trẻ sốt và nổi nhiều ban đỏ...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 28 Tháng 9 2016 - 09:18 AM trong Bệnh thường gặp ở trẻ

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Cháu nhà em mới được 7 tháng tuổi, cháu bị sốt siêu vi 4 ngày, giờ đỡ sốt hơn, nhưng mà trên người lại nối các chấm đỏ, cho e hỏi bị mấy nốt đó có vấn đề gì không ạ? Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!


TRẢ LỜI

Chào em,

Trường hợp của cháu - trẻ sốt 3-4 ngày và sau đó nổi ban rải rác toàn thân, thường gặp là ban do virus. Khi trẻ ra ban thường sẽ không sốt nữa, trẻ vẫn ăn chơi, hoạt bát. Nếu không có triệu chứng gì khác kèm theo thì thường lành tính, ban sẽ mất đi sau 2-3 ngày. Em nên tắm rửa bình thường cho cháu. Cho trẻ khám chuyên khoa nếu thấy trẻ mệt mỏi, bỏ ăn, nôn ói và tay, chân lạnh.

Thân mến chào em!

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3581 Có nên phẫu thuật cắt dạ dày?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 28 Tháng 9 2016 - 09:22 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Tôi đi nội soi dạ dày, có sinh thiết. Bác sỹ nội soi kết luận: Viêm niêm mạc dạ dày mạn tính hoạt động mạnh, dị sản ruột, loạn sản độ thấp, HP dương tính (++). Bác sỹ khoa nội khuyên tôi cần phải mổ cắt da dạ dày ngay không thi bị ung thư. Tôi xin Bác sỹ tư vấn: 1. Có phác đồ điều trị nào khỏi bệnh mà không cân cắt dạ dày không? 2. Nếu phải mổ cắt dạ dày thì có cần thiết phải ngay bây giờ không. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Chúng tôi e là bạn đã hiểu nhầm ý kiến của bác sĩ điều trị. Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi không thấy có lý do nào để chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày cả.

Bạn chỉ cần điều trị viêm dạ dày, tiệt trừ HP và theo dõi định kỳ vùng tổn thương có loạn sản là đủ.

Thân chào bạn.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3582 Vướng, nóng rát ở cổ,...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 29 Tháng 9 2016 - 10:55 AM trong Tai mũi họng

CÂU HỎI

Chào Bác sỹ. Tôi muốn nhờ Bác sỹ tư vấn cho tôi xem tôi bị làm sao không? Thời gian vừa qua tôi cảm thấy ở trong cổ họng của tôi luôn có cảm giác vướng, nuốt rồi mà vẫn vướng. Một lúc sau khi ăn tôi thấy như đầy ở cổ nhất là khi nằm, ợ hơi thì nóng rát ở cổ. Tôi có đi khám ở bệnh viện khoa tai mũi họng thì họ chuẩn đoán tôi viêm họng cấp và cho tôi thuốc về uống. Uống hết thuốc tôi không thấy hết triệu trứng trên tôi đến tái khám lần hai và bác sỹ vẫn nói như trên và kê đơn tôi đã uống hết chỗ thuốc đó rồi nhưng đến giờ trong cổ họng vẫn vướng khó chịu. Tuy nó không đau nhưng rất khó chịu. Mong Bác sỹ tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Theo lời bạn: Cảm giác vướng, nuốt rồi mà vẫn vướng. Một lúc sau khi ăn thấy như đầy ở cổ nhất là khi nằm, ợ hơi thì nóng rát ở cổ. Có đi khám ở bệnh viện khoa tai mũi họng thì được chuẩn đoán viêm họng cấp và tái khám lần hai vẫn viêm họng cấp nay không đau vẫn vướng, bạn nên tái khám với chuyên khoa nếu cần sẽ nội soi chẩn đoán xem nguyên nhân từ đâu: từ mũi xoang, tại thánh họng, do cầu trúc amidan, hay bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản. Mong bạn sớm hồi phục.

Thân mến.

Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bác sĩ Lữ Thị Hoàng Oanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

 




#3583 Chụp X-quang nhiều lần có nguy hiểm?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 10 2016 - 10:18 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, em bị u nang xương ở ngón tay và đã phẫu thuật vào tuần trước. Hiện tại sức khỏe em rất tốt nhưng có 1 số vấn đề em rất mong được Bác sĩ tư vấn giúp em. Đó là việc em chụp X-quang quá nhiều lần. Tổng cộng em đã chụp X-quang đến 5 lần trong thời gian ngắn mà mỗi lần 2 phim cộng với chụp trong khi phẫu thuật. Liệu như thế có nguy hiểm gì cho cơ thể không ạ? Mong Bác sĩ tư vấn giúp em, em xin cảm ơn!

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Em đang hỏi về các rủi ro do phóng xạ vì phải chụp x quang nhiều lần. Để đánh giá độ nhiễm xạ, người ta dùng đơn vị mSv để theo dõi. Ngay ở người bình thường cũng cò bị nhiễm xạ từ các nguồn tự nhiên như mặt trời, trái đất và các hoạt chất phóng xạ rải rác trong tự nhiên.

Con số được ghi nhận là 3,1 mSv mỗi năm.

Việc chụp x quang sẽ làm tăng mức độ nhiễm xạ. X quang ngực là 0,1 mSv. Chụp CT ngực là 7mSv.

Riêng về chụp bàn tay, do diện chụp nhỏ hơn nên mức nhiễm xạ cũng ít hơn nhiều. Trên thực tế, việc phơi xạ bàn tay là rất cao ở các bác sĩ làm X quang. Giới hạn an toàn bức xạ ở bàn tay là 500 mSv mỗi năm.

Nói cách khác, bạn không có gì phải lo lắng nhé.

Thân chào.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3584 Bệnh Lyme? Phương pháp chẩn đoán?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 10 2016 - 10:29 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Mình nghi là mình có triệu chứng của lyme disease giai đoạn thứ 2 hoạc 3 vì hầu như các triệu trứng đưa ra đều rất đúng và trước đây mấy tháng thì có bị bọ/ rệp cắn sưng to nhưng rồi lại khỏi sau 2-3 tuần. Cho mình hỏi ngoài xét ngiệm máu ra, có cách nào xét nghiẹm chuẩn đoán lyme disease ở Sài Gòn ko ? Cám ơn Bác sĩ rất nhiều ạ!

TRẢ LỜI

Chào em,

Chẩn đoán bệnh Lyme dựa vào 3 yếu tố: hồng ban di chuyển có dạng bia, tiền sử bị rệp cắn và kết quả thử máu.

Cần chú ý là các test thử máu có thể không nhạy và âm tính giả trong nhiều trường hợp, nhất là trong vài tuần sau khi bị cắn. Ngoài ra thử máu có thể gồm nhiều loại khác nhau. Ngoài thử máu, không có test nào khác em ạ.

Thân chào

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin





Hội thảo chuyên môn

Gửi câu hỏi