Đến nội dung

Nội dung của BS YERSIN

207 phương tiện bởi BS YERSIN (Tìm kiếm giới hạn từ 30-Tháng 5 23)



#3610 Paracetamol Giảm Đau - Dùng Sao Cho Đúng ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 09 Tháng 11 2016 - 10:07 AM trong Tổng quát

Thưa Bác sĩ, mẹ em năm nay 66 tuổi, tiền sử Rối loạn tiền đình.

 

Những lúc thời tiết thay đổi mẹ hay bị nhức đầu (nhức nửa đầu hoặc cả hai bên), những lúc như thế là mua thuốc có chứa Paracetamol (panadol..) về uống, thường uống lúc bụng đói vì buồn nôn không ăn được gì, hơn nữa vì đau dữ dội nên một ngày cứ 3-4 tiếng lại uống 1 viên 500ng. Em rất lo lắng không biết tình trạng dùng thuốc như thế này kéo dài thì ảnh hưởng thế nào đến dạ dày và gan?

 

Liệu có biện pháp nào trị nhức đầu mà không cần dùng đến Paracetamol mà vẫn hiệu quả hay không? Nếu trong trường hợp bắt buộc phải dùng thì em có thể mua thực phẩm chức năng bảo vệ + giải độc gan (vd như Boganic,..) cho mẹ uống kết hợp với thuốc điều trị được không?

 

Cuối cùng, nhờ bác sĩ tư vấn giúp em những thực phẩm tốt cho gan và chế độ sinh hoạt hợp lý?

 

Chân thành cảm ơn bác sĩ

 

TRẢ LỜI:

 

Chào em,

 

Vấn đề rối loạn tiền đình cần được điều trị và theo dõi ở bác sĩ chuyên khoa, có thể là nội thần kinh hay tai mũi họng. Chúng tôi chỉ có góp ý về việc sử dụng Paracetamol của mẹ em.

Paracetamol (Acetaminophen,Tylenol, Panadol v.v...) là một loại thuốc giảm đau không kê toa được dùng phổ biến trên toàn thế giới. Đồng thời, cũng là thuốc gây ngộ độc thường gặp nhất ở nhiều nước, đặc biệt ở trẻ em. Thuốc được ưa dùng vì không cần kê toa, có tác dụng nhanh và ít tác dụng phụ.

 

Yersin%20-%20Paracetamol%20dung%20sao%20

 

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

 

Thông tin của nhà sản xuất, cũng như các bác sĩ thường xuyên khuyến cáo: Đây là thuốc giảm đau đơn thuần, chỉ dùng điều trị triệu chứng tạm thời trong thời gian ngắn, thường là không quá 10 ngày. Nói cách khác, Paracetamol KHÔNG PHẢI là thuốc điều trị chứng nhức đầu, cũng KHÔNG PHẢI LÀ THUỐC ĐIỀU TRỊ chứng rối loạn tiền đình. Do đó, thuốc không được dùng để uống mỗi ngày, 3-4 tiếng 1 viên như mẹ em dùng.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc Paracetamol xảy ra do:

  • Uống nhiều loại thuốc cùng chứa Acetaminophen mà không biết. Trường hợp này hay gặp ở trẻ khi bác sĩ cho thuốc có paracetamol với tên biệt dược khác mà cha mẹ bé không nhận ra.
  • Uống quá liều, ở người lớn thường là trên 4000 mg mỗi ngày.
  • Có thể chưa uống quá liều trong ngày nhưng uống quá gần nhau. Thuốc thường được khuyên dùng mỗi 4-6 giờ.

Trường hợp của mẹ em, ngay cả khi  tổng liều mỗi ngày không quá cao, nhưng do uống thuốc quá gần nhau (mỗi 3 giờ) là đã có nguy cơ ngộ độc rồi. Có thể một lúc nào đó sẽ bùng phát cơn suy gan cấp do thuốc.

 

Tóm lại, nếu bị nhức đầu thì cần khám và điều trị nguyên nhân. Paracetamol không phải là giải pháp cho chứng nhức đầu.

 

Việc uống Paracetamol thường xuyên, sau đó kèm theo thuốc "bổ gan" như em suy nghĩ là không thực tế và không nên thực hiện. Riêng về thức ăn bổ gan, một chế độ ăn dinh dưỡng cân bằng các chất sẽ giữ cho gan hoạt động khỏe mạnh. Bữa ăn giàu chất "xanh" (rau xanh, trái cây xanh, trà xanh...) và nghèo chất " mỡ" sẽ làm nhẹ gánh nặng mỗi ngày cho gan. Một số củ quả như tỏi, nghệ, dầu oliu cũng được cho là giúp gan hoạt động tốt. Tuy nhiên, xét cho cùng, để bảo vệ gan thì giải pháp đúng đắn nhất không phải là "ăn gì bổ cho gan" mà là lập tức ngưng ngay những "chất phá hoại gan", có thể kể như nhiều loại thuốc (paracetamol là một), rượu, các loại hóa chất, các chất độc v.v...

 

Chúc mẹ em mau chóng điều trị hết bệnh.

Thân chào,

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.




#3581 Có nên phẫu thuật cắt dạ dày?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 28 Tháng 9 2016 - 09:22 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Tôi đi nội soi dạ dày, có sinh thiết. Bác sỹ nội soi kết luận: Viêm niêm mạc dạ dày mạn tính hoạt động mạnh, dị sản ruột, loạn sản độ thấp, HP dương tính (++). Bác sỹ khoa nội khuyên tôi cần phải mổ cắt da dạ dày ngay không thi bị ung thư. Tôi xin Bác sỹ tư vấn: 1. Có phác đồ điều trị nào khỏi bệnh mà không cân cắt dạ dày không? 2. Nếu phải mổ cắt dạ dày thì có cần thiết phải ngay bây giờ không. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Chúng tôi e là bạn đã hiểu nhầm ý kiến của bác sĩ điều trị. Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi không thấy có lý do nào để chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày cả.

Bạn chỉ cần điều trị viêm dạ dày, tiệt trừ HP và theo dõi định kỳ vùng tổn thương có loạn sản là đủ.

Thân chào bạn.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3605 Đau vùng bụng, buồn nôn, hay đi ngoài?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 02 Tháng 11 2016 - 09:40 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Dạ chào Bác sĩ. Năm nay con 21 tuổi. 5 ngày gần đây con hay bị đau vùng bụng phía trên và bụng dưới, buồn nôn, thỉnh thoảng bị choáng, đau nhức khó chịu, chán ăn, không ăn được gì nhưng bụng lại phình to và rất hay đi ngoài. Bác sĩ tư vấn giúp, con có thể bị bệnh gì ạ? Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em,

Các triệu chứng mà em mô tả định hướng cho một căn bệnh đường tiêu hóa. Đáng tiếc, các triệu chứng này thật sự rất phổ biến, và không đặc hiệu. Hầu như bệnh nào của dạ dày hay đại tràng đều có thể gây chán ăn, chướng bụng, khó tiêu. Nếu em "rất hay đi ngoài", thì bệnh đại tràng có vẻ nhiều khả năng hơn, nhất là viêm đại tràng hay hội chứng đại tràng kích thích.

Tuy vậy, bác sĩ vẫn cần khám, có thể phải cần làm một số xét nghiệm trước khi quyết định điều trị.

Thân chào,

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3622 Trào ngược dạ dày thực quản...?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 02 Tháng 12 2016 - 10:07 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sỹ. Tôi có cảm giác nghẹn ở cổ họng gần 1 tháng, kèm viêm họng. Đã điều trị bên bác sỹ TMH (chẩn đoán là viêm họng do trào ngược dạ dày). Tôi đã uống thuốc trị viêm họng kết hợp trị trào ngược dạ dày trong tháng. Tuy nhiên cảm giác nghẹn càng tăng lên. Bác sỹ Tai Mũi Họng bảo tôi nên đi khám tiêu hóa. Bác sỹ tư vấn giúp tôi có khả năng liên quan đến tiêu hóa không, và tôi phải đi khám ở đâu (trước đó tôi có uống thuốc điều trị viêm dạ dày). Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản có khả năng gây ra một vài triệu chứng vùng họng và thanh quản. tuy nhiên, để chẩn đoán trường hợp này, cần loại trừ tất cả các nguyên nhân bệnh lý khác ở vùng hầu họng cũng như làm nội soi để xác định mức độ trào ngược. Tuy một số trường hợp trào ngược gây viêm họng , thanh quản không có biểu hiện rõ ràng qua nội soi nhưng hầu hất đều đáp ứng rất tốt với các điều trị bằng thuốc kháng tiết acid.

Trong trường hợp của bạn, chưa có khẳng định bằng nội soi, lại  không đáp ứng với điều trị tiêu hóa, chúng tôi cho rằng khả năng nghẹn hay viêm họng do trào ngược là rất ít.

Để xác định, bạn nên đi nội soi để kiểm tra, đồng thời chú ý lại một số vấn đề trong sinh hoạt có thể làm cho điều trị kém hiệu quả. Các sai lầm thường gặp là ăn quá no, uống nhiều bia rượu-cafe, nằm hay vận động mạnh ngay sau ăn, ngủ nằm đầu thấp ...

Đi khám tiêu hóa là cần thiết để xác định hay loại trừ chắc chắn. Bạn có thể đến khám ở các bệnh viện công như Chợ Rẫy, Đại học Y dược hoặc các phòng khám tư nhân chuyên tiêu hóa, tùy theo khả năng và lựa chọn của chính bạn. Đây cũng không phải là vấn đề quá khó khăn nên hầu hết các phòng khám đều có thể giải quyết được.

Chúc bạn mau khỏe

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3584 Bệnh Lyme? Phương pháp chẩn đoán?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 10 2016 - 10:29 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Mình nghi là mình có triệu chứng của lyme disease giai đoạn thứ 2 hoạc 3 vì hầu như các triệu trứng đưa ra đều rất đúng và trước đây mấy tháng thì có bị bọ/ rệp cắn sưng to nhưng rồi lại khỏi sau 2-3 tuần. Cho mình hỏi ngoài xét ngiệm máu ra, có cách nào xét nghiẹm chuẩn đoán lyme disease ở Sài Gòn ko ? Cám ơn Bác sĩ rất nhiều ạ!

TRẢ LỜI

Chào em,

Chẩn đoán bệnh Lyme dựa vào 3 yếu tố: hồng ban di chuyển có dạng bia, tiền sử bị rệp cắn và kết quả thử máu.

Cần chú ý là các test thử máu có thể không nhạy và âm tính giả trong nhiều trường hợp, nhất là trong vài tuần sau khi bị cắn. Ngoài ra thử máu có thể gồm nhiều loại khác nhau. Ngoài thử máu, không có test nào khác em ạ.

Thân chào

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3570 Ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn đầu?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 9 2016 - 08:52 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Thưa Bác sĩ, ung thư phổi không tế bào nhỏ ở giai đoạn đầu (khối u < 3cm) có khả năng chữa khỏi được hay chỉ làm các hoá trị xạ trị để kéo dài thời gian sống? Em đọc nhiều tài liệu có thấy thông tin chữa khỏi bệnh ung thư, liệu có đúng sự thực ko ạ? Hay chỉ là chiêu trò của các trang mạng quảng cáo? Em cảm ơn Bác sĩ rất nhiều!

TRẢ LỜI

Chào em,

Ung thư nào cũng có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Đối với ung thư phổi loại không phải tế bảo nhỏ, phẫu thuật có thể giúp điều trị tận gốc. Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn sau 5 năm còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác và không ai có thể đảm bảo trị lành bệnh 100%.

Em nên tuân thủ phác đồ điều trị, giữ cơ thể khỏe mạnh và luôn lạc quan trong quá trình chiến đấu chống ung thư. Điều đó sẽ giúp cải thiện khả năng sống sót và lành bệnh.

Chúc em khỏe,

Thân mến!

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3583 Chụp X-quang nhiều lần có nguy hiểm?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 10 2016 - 10:18 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, em bị u nang xương ở ngón tay và đã phẫu thuật vào tuần trước. Hiện tại sức khỏe em rất tốt nhưng có 1 số vấn đề em rất mong được Bác sĩ tư vấn giúp em. Đó là việc em chụp X-quang quá nhiều lần. Tổng cộng em đã chụp X-quang đến 5 lần trong thời gian ngắn mà mỗi lần 2 phim cộng với chụp trong khi phẫu thuật. Liệu như thế có nguy hiểm gì cho cơ thể không ạ? Mong Bác sĩ tư vấn giúp em, em xin cảm ơn!

TRẢ LỜI

Chào bạn,

Em đang hỏi về các rủi ro do phóng xạ vì phải chụp x quang nhiều lần. Để đánh giá độ nhiễm xạ, người ta dùng đơn vị mSv để theo dõi. Ngay ở người bình thường cũng cò bị nhiễm xạ từ các nguồn tự nhiên như mặt trời, trái đất và các hoạt chất phóng xạ rải rác trong tự nhiên.

Con số được ghi nhận là 3,1 mSv mỗi năm.

Việc chụp x quang sẽ làm tăng mức độ nhiễm xạ. X quang ngực là 0,1 mSv. Chụp CT ngực là 7mSv.

Riêng về chụp bàn tay, do diện chụp nhỏ hơn nên mức nhiễm xạ cũng ít hơn nhiều. Trên thực tế, việc phơi xạ bàn tay là rất cao ở các bác sĩ làm X quang. Giới hạn an toàn bức xạ ở bàn tay là 500 mSv mỗi năm.

Nói cách khác, bạn không có gì phải lo lắng nhé.

Thân chào.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin





Hội thảo chuyên môn

Gửi câu hỏi