Đến nội dung

Nội dung của BS YERSIN

207 phương tiện bởi BS YERSIN (Tìm kiếm giới hạn từ 28-Tháng 9 23)



#3511 Ứ dịch có mùi khó chịu

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 4 2016 - 08:53 AM trong Phụ khoa

Câu hỏi:

 

Thưa bác sĩ,

 

Em bỏ thai được 2 tuần, sau khi tái khám Bác Sĩ nói thai ra hết và ứ dịch 08mm. Bác sĩ không cho uống thuốc chỉ cho về và nói nếu có kinh nguyệt thì hết kinh khám phụ khoa, còn không có kinh sau 4 tuần thì đi tái khám. Nhưng em thấy từ lúc đi tái khám đến nay là 2 ngày thì dịch ra có mùi hôi và tanh nhưng bác sĩ không nói gì về vấn đề này. Em vẫn rất lo, không biết có ảnh hưởng gì không ạ vì mùi rất khó chịu.

 

Em chân thành cám ơn.

 

(Thảo)

 

Trả lời:

 

Chào em,

 

Khamonline%20-%20phu%20khoa.jpg

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

 

Khí hư có mùi hôi  là có vấn đề, thường gặp trong viêm âm đạo Gardnerella, vậy nên em nên đi khám phụ khoa đề biết nguyên nhân và điều trị.

 

Chúc em may mắn,

 

Bác sĩ CKI Trần Thị Anh Lan

Trưởng khoa Sản Phụ Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3642 Ợ dịch chua có tia máu, có nên nội soi lại?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 15 Tháng 2 2017 - 09:04 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Kính thưa Bác sĩ, em tên Minh, 25 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại Pháp. Tháng 3/2013, em có đi nội soi ở Việt Nam thì kết quả là viêm xung huyết dạ dày HP âm tính (em chỉ đi tầm soát vì em không có triệu chứng gì đặc hiệu). Sau đó em sang Pháp sinh sống đến tháng 8/2015, do cảm thấy nóng rát thượng vị nên em đã đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá và đã được nội soi và sinh thiết với kết quả là không có gì bất thường, không viêm, không loét, kết quả xét nghiệm H.pylorie cũng là âm tính và các kết quả sinh thiết cung không có gì bất thường. Vì vậy bác sĩ tiêu hoá nói với em là có thể dạ dày của em nhạy cảm với acid dịch vị và cũng không cho thuốc uống chỉ dặn tránh đồ chua cay nóng. Tháng 12/2016 em có đi khám sức khoẻ định kỳ thử máu thì các chỉ số đều nằm trong mức bình thường. Đầu tuần này tháng 1/2017, do ko ăn sáng nên đến trưa em ợ chua và em nhổ dịch chua ra thì thấy có tia máu như trong hình đính kèm. (tia máu nhỏ có màu nâu đen). sau đó em theo dõi 3 - 4 ngày hôm sau cứ mỗi buổi trưa trc khi ăn em cố ợ ra dịch chua đó và thấy vẫn có tia máu. (Có thể trc đây em chưa bào giờ cố tình ợ ra dịch chua để kiểm tra nên không biết ). Dịch chua màu trong, có tí bọt trắng nhưng luôn luôn đi kèm tia máu. Em hiện đang rất hoang mang lo sợ mình bị loét, ung thư hay gì đó.

Xin hỏi Bác sĩ trường hợp em có một ít tia máu trong dịch dạ dày như thế (do niêm mạc dạy dày bị ảnh hưởng bởi acid dịch vị) có bình thường không ạ? (em không có bất cứ một triệu chứng nào khác, ăn uống sinh hoạt vẫn bình thường). Bên cạnh đó, em có nên đi nội soi lại không? (lần nội sôi gần nhất cách đây 1,5 năm). Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Chào em,

Em là một thanh niên, điều kiện sức khỏe chắc chắn là tốt hơn các chú bác râu ria rậm rạp, nên không cần phải nghiêm trọng hóa vấn đề như thế. Qua những thông tin mà em cung cấp, chúng tôi xin có một vài góp ý như sau:

  1. "... Tháng 3/2013, em có đi nội soi ở Việt Nam thì kết quả là viêm xung huyết dạ dày HP âm tính (em chỉ đi tầm soát vì em không có triệu chứng gì đặc hiệu). Sau đó em sang Pháp sinh sống đến tháng 8/2015, do cảm thấy nóng rát thượng vị nên em đã đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá và đã được nội soi và sinh thiết với kết quả là không có gì bất thường, không viêm, không loét, kết quả xét nghiệm H.pylorie cũng là âm tính và các kết quả sinh thiết cung không có gì bất thường. Vì vậy bác sĩ tiêu hoá nói với em là có thể dạ dày của em nhạy cảm với acid dịch vị và cũng không cho thuốc uống chỉ dặn tránh đồ chua cay nóng. Tháng 12/2016 em có đi khám sức khoẻ định kỳ thử máu thì các chỉ số đều nằm trong mức bình thường...."
    Toàn bộ đoạn này chỉ nói lên một điều : em chẳng có bệnh gì nghiêm trọng ở dạ dày. Đặc biệt, ở tuổi 25 và không có triệu chứng gì đặc hiệu, chúng tôi thực sự không nghĩ là nên tầm soát bất cứ vấn đề gì về đường tiêu hóa, trừ khi có một lý do nào khác rõ ràng hơn, mà em không muốn nói ra đây. Dù sao đi nữa, 2 lần nội soi này đều ghi nhận không có gì nghiệm trọng. Enm cũng nên biết là " viêm dạ dày xung huyết...." có thể chỉ  là một vấn đề thoáng qua, xảy ra sau khi uống vài ly rượu, hoặc vài viên thuốc giảm đau và nếu không có triệu chứng, không nhất thiết phải điều trị. Đặc biệt, một số cơ sở nội soi có thể đánh giá hơi quá mức những hình ảnh quan sát được và nghi ngờ viêm xung huyết cho nhiều bệnh nhân ... vốn không có bệnh ! Điều đó phần nào giải thích tại sao có kết quả khác nhau giữa hai lần soi.
  2. "Đầu tuần này tháng 1/2017, do ko ăn sáng nên đến trưa em ợ chua và em nhổ dịch chua ra thì thấy có tia máu như trong hình đính kèm. (tia máu nhỏ có màu nâu đen). sau đó em theo dõi 3-4 ngày hôm sau cứ mỗi buổi trưa trc khi ăn em cố ợ ra dịch chua đó và thấy vẫn có tia máu. (Có thể trc đây em chưa bào giờ cố tình ợ ra dịch chua để kiểm tra nên không biết ). Dịch chua màu trong, có tí bọt trắng nhưng luôn luôn đi kèm tia máu. Em hiện đang rất hoang mang lo sợ mình bị loét, ung thư hay gì đó....".
    Việc cố ợ ra dịch chua thật sự là không cần thiết. Thỉnh thoảng ăn trễ hay quên ăn, hoặc uống vài ly rượu, hoặc ăn thức ăn không tốt ... có thể làm người ta khó chịu, khó tiêu, ợ hay nôn một vài ngày. Cách xử trí đúng nhất trong những trường hợp này là khôi phục chế độ ăn bình thường , đúng giờ, đúng chất và hạn chế bia rượu, thuốc giảm đau hay bất kỳ tác nhân nào ảnh hưởng đến dạ dày. Kèm theo, có thể sử dụng các loại thuốc trung hòa acid, bảo vệ niêm mạc có thể mua không cần toa. Các thuốc thường dùng là Pepsan, Mylanta, Phosphalugel, PeptoBismol v.v....Thường thì triệu chứng sẽ giảm đi và mất sau vài ngày. Nếu không, cần khám bác sĩ thêm.
    Vài tia máu nhỏ trong dịch vị khi cố ợ ra dịch chua là phổ biến và chẳng có ý nghĩa gì. Chúng thường có nguồn gốc từ hầu họng do niêm mạc vùng này không được bảo vệ với dịch acid trào lên từ dịch vị. Mặt khác, tác động cơ học của việc " ... cố ợ" càng làm dễ xuất hiện các tổn thương niêm mạc ở vùng này.

Tóm lại, với những gì mà em mô tả, chúng tôi chẳng thấy gì gợi ý đến ung thư hay loét và nội soi hoàn toàn không có chỉ định . Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là tuy nội soi dạ dày khá an toàn nhưng vẫn có một tỷ lệ tai biến . Ở nước ngoài, nội soi chỉ được chỉ định khi thật sự cần thiết. Trong trường hợp của em, có thể đã có dấu hiệu của sự lạm dụng kỹ thuật không cần thiết. Điều đó làm tăng chi phí y khoa và tăng rủi ro y khoa cho em.

Thân chào,

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

 




#3609 Đoán Bệnh Qua Ảnh Như Thế Nào?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 07 Tháng 11 2016 - 10:53 AM trong Tổng quát

Không phải các ông “lang băm” hay thầy bói mới đoán bệnh qua ảnh. Các bác sĩ từ xưa đến nay vẫn thường dùng phương pháp này để chẩn đoán bệnh tình bệnh nhân. Như thế, liệu có phản khoa học?

 

Không phải các ông “lang băm” hay thầy bói mới đoán bệnh qua ảnh. Các bác sĩ từ xưa đến nay vẫn thường dùng phương pháp này để chẩn đoán bệnh tình bệnh nhân. Như thế, liệu có phản khoa học?

 

Thoạt nghe qua tựa bài, có thể bạn hình dung đến thầy bói hoặc một dạng lang băm nào đó dám phán bừa bệnh một người khi chỉ nhìn qua ảnh. Sự thực cũng gần giống như thế, nhưng những tấm ảnh để bác sĩ chẩn đoán bệnh thực ra lại không phải ảnh chân dung, mà là những hình ảnh của cơ thể được chụp lại qua các phương pháp khác nhau.

 

Vâng, nghề chúng tôi muốn đề cập đến là chẩn đoán bệnh qua hình ảnh, một chuyên ngành non trẻ trong y khoa nhưng phát triển rất nhanh và rất sâu trong những năm gần đây: ngành Chẩn đoán Hình ảnh.

 

ung-thu-vu.jpg

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Lịch sử các tên gọi

 

Có rất nhiều tên gọi để nói về chuyên ngành này, nhưng người viết chọn tên gọi “Chẩn đoán Hình ảnh” để bắt đầu câu chuyện vì tính phổ cập và dễ hiểu của nó.

Từ năm 1895, tia X được phát hiện và cho ra đời kỹ thuật chụp X quang, là kỹ thuật duy nhất thống trị ngành Chẩn đoán Hình ảnh đến tận những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này, tên gọi của ngành là Điện quang hoặc ngành X quang.

 

Bản chất tia X là sóng điện từ nên dùng chữ Điện quang để bao quát về ngành cũng là hợp lý. Nhưng theo thời gian, các kỹ thuật mới và hiện đại dần dần xuất hiện, X quang chỉ còn là một phần trong ngành đoán bệnh qua… ảnh này. Một tên gọi mới ra đời mang tính phổ quát hơn, chính xác hơn: Chẩn đoán Hình ảnh.

 

Như tên gọi, Chẩn đoán Hình ảnh là một chuyên ngành dựa vào các kỹ thuật ghi hình ảnh để cho ra chẩn đoán. Tuy nhiên, tên gọi này dễ gây hiểu lầm vì người làm chuyên ngành này không chỉ chẩn đoán mà còn can thiệp điều trị dựa trên các thông tin hình ảnh ghi nhận được. Từ đó xuất hiện tên Hình ảnh học Y khoa, hay nói gọn lại là ngành Hình ảnh học (Imaging – tiếng Anh, Imagerie – tiếng Pháp). Từ này được xem như bao hàm đầy đủ mọi nội dung và chính xác nhất khi nói về chuyên ngành còn non trẻ này.

 

Cái bóng của sự thật

 

Chẩn đoán Hình ảnh là ngành Cận lâm sàng hỗ trợ đắc lực nhất sau khi thăm hỏi và khám bệnh nhân. Đó là chuyên ngành dựa trên hình ảnh để chẩn đoán, là những gì bệnh lý được thể hiện một cách gián tiếp thông qua các phương tiện ghi hình.

 

Các giáo sư thường ví von nó như là “cái bóng của sự thật”. Bác sĩ không trực tiếp nhìn “sự thật”, nhưng từ những “hình bóng” ghi nhận và phản ánh được, họ tiếp cận và phát hiện sự thật, tức là chẩn đoán ra được bệnh.

 

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của các kỹ thuật mới, người ta không thể xếp Chẩn đoán Hình ảnh là ngành Cận lâm sàng được nữa. Vì nếu khám lâm sàng là đến bên giường người bệnh, thăm khám, hỏi bệnh và cho ra chẩn đoán; Cận lâm sàng là các phương tiện hỗ trợ cho chẩn đoán và hầu như không tiếp xúc với người bệnh, thì trên thực tế, bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh ngày nay lại là người tiếp xúc với bệnh nhân khá nhiều. Trừ kỹ thuật X quang, các kỹ thuật khác như siêu âm, CT, MRI và DSA đều rất cần sự tiếp xúc lâu dài để hỏi bệnh, thăm khám bệnh nhân toàn diện và có hướng chẩn đoán ban đầu, từ đó cho ra được chiến lược khảo sát và thiết lập phác đồ phù hợp nhất.

 

Ngoài ra, ngành Chẩn đoán Hình ảnh còn có mảng Hình ảnh học can thiệp với chủ lực là kỹ thuật DSA, là nhánh kỹ thuật trực tiếp điều trị thông qua các can thiệp bằng đường chụp mạch như điều trị các túi phình trong não, những dị dạng mạch máu, đặt stent thông nối những mạch máu bị chít hẹp, bơm các thuốc diệt ung thư trong điều trị u gan…

 

Tất cả những điều này khiến Chẩn đoán Hình ảnh phải đổi tên thành ngành khác, một ngành được xem như là “ngã ba” lâm sàng và cận lâm sàng, ngành Hình ảnh học Y khoa.

 

Nếu cho sinh viên y khoa liệt kê các chuyên khoa có liên quan đến chẩn đoán hình ảnh và ngược lại thì các bạn thường trả lời rất dễ dàng và thoải mái đối với vế đầu. Có bạn cònliệt kê được gần hết 2 trang giấy vì kể khá chi tiết, kiểu như Nội thì có Nội thần kinh, Nội hô hấp, tim mạch, Nội thận, tiêu hóa, nội tiết, lao, nhiễm…; Tương tự như vậy khi liệt kê Ngoại, Sản, Nhi… Sang đến vế ngược lại, đa số các em đều cắn bút vì đưa ra ý nào cũng bị bác bỏ. Đúng là như vậy, ngay cả da liễu cũng cần đến sự hỗ trợ của Chẩn đoán hình ảnh khi gặp các bệnh lý hệ thống thể hiện ngoài da, cũng phải chụp thêm phim X quang phổi, X quang xương khớp để đánh giá toàn diện hơn…

 

Có thể nói, Chẩn đoán Hình ảnh tương tác với mọi chuyên khoa và hỗ trợ theo nhiều cấp độ trong việc cung cấp thêm thông tin lâm sàng cho bệnh nhân. Ngành khoa học này ngày càng được xem là công cụ thiết yếu cho việc chẩn đoán bệnh. Gọi đoán bệnh qua ảnh quả là không sai, và hoàn toàn khoa học!

 

ThS. BS. Hồ Hoàng Phương

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3585 Ăn Uống Thất Thường Có Thể Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 04 Tháng 10 2016 - 09:57 AM trong Tổng quát

1. Tăng cân và béo phì

Nếu bạn thường xuyên ăn nhanh và nhiều, có thể bạn đang bị rối loạn ăn uống (binge eating disorder viết tắc là BED). Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn về nhiều mặt, tuy nhiên kết quả dễ thấy nhất là gây tăng cân và béo phì. 2/3 người có BED là những người béo phì, mặc dù người có thể trạng trung bình cũng có nguy cơ mắc phải.

 

1_4.jpg

 

2. Bạn sẽ làm gì khi bị tăng cân?

Lập mục tiêu giảm cân nặng thừa. Bạn sẽ đạt được cân nặng hợp lý nếu tập thể dục, kiểm soát khẩu phần ăn và lựa chọn thực phẩm phù hợp. Tuy nhiên, bạn cũng cần có liệu pháp điều trị cho chứng rối loạn này. Bác sĩ sẽ giúp bạn chọn phương pháp phù hợp.

 

3. Đái tháo đường type 2

Ăn uống quá độ có nguy cơ dẫn đến đái tháo đường. Nguyên nhân là do cơ thể không thể sử dụng hormone insulin một cách hiệu quả, gây khó kiểm soát nồng độ đường trong máu. Theo thời gian, tình trạng này gây tổn thương thận, mắt và tim.

 

3_3.jpg

 

4. Làm sao để kiểm soát bệnh đái tháo đường?

Biết nhiều về bệnh đái tháo đường thì khả năng kiểm soát bệnh lý này sẽ tốt hơn. Bạn cần theo dõi đường huyết, có chế độ ăn hợp lý cũng như năng tập thể dục. Mặt khác, có thể dùng thuốc để hỗ trợ điều trị đái tháo đường, tuy nhiên không phải ai cũng cần dùng thuốc.

 

5. Trầm cảm và lo lắng

Rối loạn ăn uống thường đi đôi với tinh thần bất ổn. Các bác sĩ nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn ăn uống. Do đó, cũng khó chắc chắn rằng trầm cảm là nguyên nhân gây ra rối loạn này. Tuy nhiên, những người phàm ăn thường có cảm giác xấu hổ, mặc cảm. Nên hầu hết họ hay che giấu.

 

5_1.jpg

 

6. Làm sao kiểm soát được tâm trạng bất ổn?

Dinh dưỡng tốt, tập thể dục và ngủ đủ giấc. Vì đây là những thói quen không những tốt cho sức khỏe, mà còn giúp chống lại cảm giác lo lắng và trầm cảm. Tuy nhiên, cũng nên tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm lý, họ sẽ có phác đồ điều trị bằng liệu pháp nói chuyện cũng như kết hợp với thuốc chống trầm cảm, hoặc một số thuốc khác, nhằm giúp bạn cải thiện tốt hơn.

 

6_1.jpg

 

7. Vấn đề tiêu hóa

Hội chứng ruột kích thích hay chứng nóng rát lồng ngực kéo dài thường xảy ra ở người phàm ăn. Các triệu chứng đó cũng liên quan với tình trạng tăng cân và béo phì. Vì thế bác sĩ cũng không chắc liệu chứng rối loạn này và tình trạng béo phì có phải là nguyên nhân không.

 

8. Điều trị chứng nóng rát lồng ngực và hội chứng kích thích đường tiêu hóa

Chứng nóng rát lồng ngực nếu không được cải thiện tốt hơn sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như tổn thương thực quản. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị ợ nóng từ 2 lần/ tuần trở lên. Có thể bác sĩ sẽ kê toa cho bạn hoặc có thể chuyển bạn đến chuyên khoa tiêu hóa. Với hội chứng kích thích đường ruột, một chế độ ăn hợp lý kết hợp với giảm stress sẽ có ích, tuy nhiên cũng cần thuốc hỗ trợ.

 

8_1.jpg

 

9. Sỏi túi mật

Có nhiều vấn đề về sức khỏe có liên quan đến BED như béo phì, mỡ máu cao, tăng hoặc giảm cân quá mức cũng góp phần làm tăng nguy cơ sỏi túi mật. Túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan. Bệnh phổ biến ở bộ phận này là sỏi túi mật, do sự tích tụ cholesterol hoặc sắc tố mật tạo nên.

 

9_1.jpg

 

10. Điều trị sỏi túi mật

Bác sĩ có thể sẽ phẫu thuật lấy sỏi hoặc phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Đôi lúc bác sĩ sẽ điều trị nội khoa, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.

 

11. Đột quỵ và bệnh tim mạch

BED thường dẫn đến cao huyết áp và mỡ máu cao. Đây cũng nguyên nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như các bệnh lý tim mạch. Vì khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm căng các mạch máu, và mỡ máu cao là thủ phạm tạo huyết khối động mạch.

 

getty_rf_photo_of_clogged_artery_with_pl

 

12. Thay đổi lối sống để tim khỏe mạnh

Ngưng hút thuốc, giảm cân nặng thừa, tập thể dục thường xuyên để giảm huyết áp, giảm mỡ máu. Chế độ ăn nên có nhiều rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, protein. Đồng thời bác sĩ có thể kê toa giúp kiểm soát huyết áp và cholesterol.

 

getty_rf_photo_of_cooked_salmon_and_vege

 

Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

Nguồn WebMD

(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3596 Ăn Sáng Giúp Giảm Cân?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 18 Tháng 10 2016 - 10:12 AM trong Tổng quát

Nên ăn sáng hay không ăn sáng? Một câu hỏi khá cam go với những ai đang muốn có vóc dáng thanh mảnh.

 

Nhiều năm, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng ăn sáng là sự lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, một nghiên cứu của University of Alabama at Birmingham (UAB) cho thấy, những người thừa cân có ăn sáng có cân nặng không khác gì người không ăn sáng. Điều này làm nhiều người trở nên băn khoăn.

 

Theo Giáo sư tiến sĩ Suzy Weems, chuyên gia dinh dưỡng của Family and consumer sciences at Baylor University, câu trả lời là nên. Điều này không có nghĩa là bạn có thể ăn thật nhiều vào buổi sáng, như một chồng bánh kẹp kèm thêm một đĩa thịt ba chỉ chẳng hạn. Nghiên cứu của UAB không nhằm vào thực đơn bữa sáng cũng như lượng calories dung nạp vào.

 

Tiến sĩ Weems nói: “ Không nên hy vọng là chỉ dùng chút bánh ngọt và một tách cafe sẽ giúp bạn giảm cân hoặc duy trì cân nặng. Thực phẩm lại là vấn đề.”

 

650x350_triglyceridefriendly_meals_featu

 

Đó là vì sao các nghiên cứu khác cho rằng, ăn sáng sẽ giúp giảm cân. Thật ra, hơn 75% người giảm được hơn 13 kg (30 pounds) có thể duy trì được điều này mà vẫn ăn sáng mỗi ngày.

 

Bữa ăn sáng mang lại gì?

 

Giúp ngon miệng. Sau khi ngủ dậy, phải chờ hàng giờ mới được dùng bữa dễ có nguy cơ gây tụt đường huyết. Một vài hormone sẽ bị kích hoạt khi bị đói. “Kết quả là gì? Bạn thấy đói muốn chết khi chờ đến trưa, hoặc có khi còn sớm hơn.” Ts Weems nói.

 

Leigh Tracy, một chuyên gia dinh dưỡng tại Mercy Medical Center, cho biết: “Khi quá đói, bạn sẽ ít có khuynh hướng chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe mà có thể sẽ chọn thực phẩm nhiều calories và giàu béo, và tất nhiên sẽ khó giảm cân được.”

 

Nạp năng lượng

 

Bác sĩ Tracy cho biết, giống như một chiếc xe sắp cạn xăng thì không thể lái xa được nếu không nạp nhiên liệu. Cơ thể bạn cũng giống vậy. Nếu không ăn sáng, cơ thể cũng không được nạp dinh dưỡng và năng lượng để "chạy" hết ngày. Khi năng lượng dồi dào, bạn sẽ quan tâm đến vòng eo nhiều hơn, như tập thể thao, đi nấu những bữa ăn tốt cho sức khỏe thay vì chọn thức ăn nhanh bên ngoài.

 

Nâng cao sức khỏe

 

Theo Ts Weems, ăn sáng luôn đi đôi với lối sống khỏe mạnh. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và đái tháo đường.

 

Chọn thực phẩm giàu protein và chất xơ

 

Thực phẩm giàu protein (trứng) và chất xơ (bột yến mạch, ngũ cốc nguyên hạt) là lựa chọn tuyệt vời giúp giảm cân và giữ cân nặng hợp lý. Cô Tracy cho biết, thực phẩm này giúp bạn thấy dễ chịu và no lâu.

 

Đừng quên hoa quả và rau củ

 

Chế độ ăn của người Mỹ thì đủ protein và chất béo, nhưng gần như là không đủ vitamin và rau, trái cây giàu chất xơ. Hãy nghĩ rằng, ăn sáng là một dịp tốt để thêm thực phẩm giàu vitamin và chất xơ. Thậm chí một quả táo, một lát phô mai hoặc một quả trứng luộc cộng với mấy khoanh cà rốt và cần tây sẽ giúp bạn no đến trưa.

 

Tính lượng calories

 

Vài món ăn sáng chứa nhiều calories mà bạn không ngờ. Một số người đã thêm bột protein và đủ thứ trái cây để làm sinh tố buổi sáng, mà không nhận ra lượng calories tăng thêm đáng kể.

 

Khẩu phần cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt, nên cần dùng tách đo lường. Một tách ngũ cốc có thể ít hơn bạn nghĩ. Lượng calories nạp vào còn phải tùy thuộc vào cân nặng, chiều cao, số cân cần giảm và mức độ hoạt động trong ngày.

 

Nên nạp ít nhất khoảng 250-300 calories vào buổi sáng. Tuy nhiên, với một người đàn ông năng động có thể nạp từ 500-600 calories. Nếu không chắc, nên tư vấn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

 

Chọn thực phẩm phù hợp với lối sống

 

Không phải là người hay ăn sáng? Nếu bệnh nhân cảm giác khó ăn sáng khi còn quá sớm,  Tracy đề nghị nên mang theo đồ ăn sáng khi đi làm.

Điểm tâm nhanh, đủ dinh dưỡng.

  • Một trái chuối kẹp trong bánh mì với thêm 2 muỗng bơ đậu phộng.
  • Một ly sinh tố làm từ berries, yogurt ít béo, đá và nước.
  • Bột yến mạch ăn nhanh.

Nếu luôn vội vã vào buổi sáng, nên ưu tiên chuẩn bị bữa ăn trước đó. Ví dụ, chế biến món trứng, thịt bằm với rau củ vào ngày đầu tuần, có thể trữ chúng trong tủ lạnh và mang ra chế biến vào mỗi sáng.

Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

Nguồn WebMD

(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3535 Bụng đau nhẹ, đi ngoài nhiều lần, lỏng...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 22 Tháng 6 2016 - 09:03 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, hai tuần nay bụng tôi cứ đau râm râm từng cơn nhẹ, ngày khoảng 4 - 5 lần, đi ngoài hơi lỏng, mỗi lần đau khoảng 20' và không đau lắm. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi và cho tôi lời khuyên. Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Rất tiếc, Chúng tôi rất khó để có thể phân tích sâu hơn cho bạn vì với những triệu chứng mà bạn nêu, hầu như tất cả các bệnh lý vùng bụng đều có thể là nguyên nhân. Nói cách khác, có thể là bệnh của ống tiêu hóa - bao gồm dạ dày và đại tràng, hệ niệu dục - bao gồm các bệnh của tử cung và phần phụ, hoặc của các cơ quan khác như tụy tạng, lá lách v.v... Có một triệu chứng làm định hướng chẩn đoán nghiêng về bệnh của ống tiêu hóa, cụ thể là đường ruột - là đi ngoài hơi lỏng,...

Với suy nghĩ đó, cộng với sự phổ biến của các bệnh đường ruột và sự tràn lan của các thực phẩm kém an toàn, khả năng bạn bị rối loạn tiêu hóa/ viêm dạ dày là rất cao. Không có khả năng xác định cụ thể vị trí cũng như tác nhân gây bệnh với thông tin hạn chế như nêu trên.

Lời khuyên của chúng tôi ở giai đoạn này là chờ khoảng 48 giờ để đường tiêu hóa của bạn tự hồi phục. Trong thời gian này, bạn có thể dùng một vài thuốc bán không cần toa để giúp ổn định triệu chứng. Các thuốc có thể dùng bao gồm băng niêm mạc (Smecta  hay PeptoBismol chẳng hạn) kèm với thuốc giảm co thắt (Spasmaverine hay Nospa).

Nếu tình trạng nặng hơn : đau hay tiêu chảy nặng hơn và/ hoặc có sốt , hoặc không hết sau 48 giờ, bạn nên đi khám để có chẩn đoán và điều trị chính xác.

Chúc bạn mau khỏe

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3516 Bụng trái phải ngang rốn có đau nhức khi đói ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 21 Tháng 4 2016 - 08:15 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

Câu Hỏi:

Chào bác sĩ, gần 6 tháng nay tôi cảm thấy cơ thể khá ốm, không tăng cân, vị trí bụng trái phải ngang rốn có đau nhức khi đói, trước đây tôi từng bị viêm loét thượng vị có hp, tôi ăn uống ít chất xơ, nhiều cơm và thịt, thường thì 3 ngày mới đại tiện 1 lần. Mong bác sĩ tư vấn giúp có phải tôi có dấu hiệu bệnh ung thư dạ dày hay đại tràng không? Xin hỏi bác sĩ thêm là giá thành của các phương pháp tầm soát ung thư đại tràng hiện nay?

Cảm ơn bác sĩ.

( Mạc Thế Sơn )

Trả Lời :

 

Xin chào bạn,
Trước hết, chúng tôi rất vui vì bạn đã có ý thức bảo vệ sức khỏe cho mình một cách hợp lý.
Chúng tôi xin trả lời các điểm chính như sau :
*Ở người bình thường ở độ tuổi trưởng thành, việc cơ thể không tăng cân là hoàn toàn bình thường. Thậm chí, có thể nói đó là niềm mơ ước của các cô hay ăn quà vặt và các quý ông quý bà tuổi trung niên. Việc bạn cảm thấy " khá ốm" quả thật không có ý nghĩa gì về mặt y khoa nói chung và việc cảnh giác ung thư đại tràng nói riêng. Bạn nên có một cân sức khỏe đặt ở nơi thuận tiên để kiểm tra sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Bất cứ sự thay đổi nào dù tăng hay giảm trên 5% cân nặng trong thời gian ngắn đều là dấu hiệu để bạn cảnh giác. Nếu ít hơn, có thể chỉ là những thay đổi tạm thời do ăn uống, công việc
hoặc nhiều lý do khác.

*Kế đến, việc đau khi đói thường là biểu hiện của bệnh dạ dày vì khi đó dịch vị ứ đọng gây kích thích niêm mạc dạ dày , yêu cầu được "trung hòa " ngay. Kết hợp với tiền sử viêm loét và có HP, chúng tôi cho là bạn nên kiểm tra lại nội soi để được xác định chẩn đoán. Việc đại tiện 3 ngày 1 lần là ít hơn bình thường nhưng điều đó còn tùy thuộc vào đánh giá của riêng bản thân bạn. Nếu bạn cảm thấy trong người khỏe mạnh, thoải mái, bụng không đau và đi tiêu dễ dàng thì vẫn có thể chấp nhận là bình thường. Ngược lại, nếu bạn thấy bụng óc ách, khó tiêu và thường xuyên chướng bụng, đi tiêu khó khăn thì bạn cần thay đổi chế độ ăn uống của mình. Cách thay đổi đơn giản nhất là uống nhiều nước và ăn thức ăn nhiều chất xơ-đặc biệt là các loại rau.

*Tất cả những triệu chứng mà bạn kể ( ốm, đau bụng, bón ...) đều có thể gặp trong ung thư dạ dày và ung thư đại tràng, và đồng thời cũng gặp trong hầu hết các bệnh lý khác vùng bụng và trong nhiều loại bệnh lý toàn thân. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào những triệu chứng này, không có gì để gợi ý đến bệnh ung thư dạ dày hơi đại tràng cả. Bạn không có yếu tố nguy cơ nào rõ rệt nên có thể áp dụng những biện pháp tầm soát như người bình thường.

*Các biện pháp tầm soát ung thư đại tràng chủ yếu hiện nay bao gồm :
-Thử phân tìm máu ẩn : chi phí thấp nhất nhưng chỉ báo động là có bệnh đường tiêu hóa như ung thư dạ dày hay đại tràng , viêm loét dạ dày hay đại tràng. Tuy nhiên, nếu test này dương tính, cần chỉ định nội soi ngay để truy tìm nguyên nhân. Ở người lớn tuổi, test này nên làm mỗi năm một lần.
-Thử máu tìm chất đánh dấu ung thư : Test này có chi phí cao hơn, cũng không tuyệt đối đặc hiệu cho ung thư đại tràng nhưng mức báo động của nó cao hơn là thử máu ẩn trong phân.
-Nội soi đại tràng là phương pháp chính xác nhất và có chi phí cao nhất. Nếu không có yếu tố nguy cơ, nội soi dạ dày nên làm từ 3-5 năm 1 lần ở người trên 50 tuổi . Nếu có yếu tố nguy cơ ( tiền sử polyp, tiền sử gia đình có ung thư đại tràng chẳng hạn) thì nội soi cần được làm sớm hơn và gần hơn.
Ở Việt Nam, nội soi ảo bằng CT ít có giá trị chẩn đoán vì chi phí cũng cao mà không chính xác bằng nội soi thật,
Bạn có thể liên hệ trực tiếp các phòng khám để biết chi phí cụ thể.

Chúc bạn khỏe

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

 

 




#3715 Bụng trái nổi cục nhô cao là bị làm sao?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 10 Tháng 1 2018 - 09:38 AM trong Tổng quát

 

CÂU HỎI:

Em năm nay vừa tròn 18, em khá là ốm vì 1m7 nhưng 43kg, hồi đầu năm nay em thấy phần bụng trái nhô lên cao nên sờ thì thấy có 1 cục gì đó, ấn vào ko đau, sau đó em đi ra phòng khám siêu âm lần 1 không có gì, lúc sau bác sĩ coi kiểm tra lại thì dắt em đi siêu âm lại xong nói rằng em bị phình động mạch chủ bụng, bác sĩ kêu em ra bệnh viện lớn để siêu âm lại cho chắc. Thì em ra 1 bệnh viện tư nhân lớn, bác sĩ siêu âm bảo chả bị gì và cứ siêu âm kĩ vậy hoài, bác sĩ trưởng khoa thì kêu em ốm quá nên dạ dày trồi lên và sờ vào cục đó thì có nhịp đập ạ.
Sau đó vài tháng thì em cũng có cảm giác đau nhẹ giữa bụng trên rồi hết, vậy như thế có an toàn ko ạ, em sợ đi khám rồi nhưng bác sĩ ko phát hiện ra bệnh. Em cảm ơn bác sĩ tư vấn đã xem và mong bác sĩ trả lời thắc mắc của em ạ!
TRẢ LỜI:
Chào em.
Nếu chiều cao của em là 1m7 thì em phải cân khoảng từ 55 đến 67kg. 43kg thì không thể gọi là khá ốm, mà phải gọi là rất ốm rồi. Chúng tôi hoàn toàn tin là động mạch chủ bũng sẽ nổi rõ và rất dễ sờ thấy ở người cơ địa như vậy. Tuy em không cho biết số đo cụ thể nhưng dựa vào độ tuổi và thể trạng của em, chúng tôi ít nghĩ đến bệnh lý phình động mạch chủ bụng mà chỉ là nhịp đập bình thường của mạch máu. Tuy vậy, em cũng nên để ý là bác sĩ siêu âm bảo " chả bị gì" .... không có nghĩa là em " chả bị gì" . Chắc là em có bị một cái gì đấy để cho cơ thể rơi vào tình trạng khiêm tốn như thế.
Em cần xem lại cơ thể mình một cách toàn diện nhé.
Thân chào!

 




#3688 Bụng phình bất thường là triệu chứng của bệnh gì?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 26 Tháng 9 2017 - 01:39 PM trong Tổng quát

 

CÂU HỎI:
Thời gian gần đây em bị ăn không nhiều, phần lớn ăn rau, đồ ăn nhẹ và uống nước. Nhưng bụng em luôn trong tình trạng phình, căng tròn, kể cả sáng sớm khi mới ngủ dậy hoặc 1 ngày/ 1 thời gian dài không ăn gì. Cho em hỏi như vậy có bất bình thường không ạ?

CÂU HỎI:
Thời gian gần đây em ăn không nhiều, phần lớn ăn rau, đồ ăn nhẹ và uống nước. Nhưng bụng em luôn trong tình trạng phình, căng tròn, kể cả sáng sớm khi mới ngủ dậy hoặc 1 ngày/ 1 thời gian dài không ăn gì. Cho em hỏi như vậy có bất bình thường không ạ?

TRẢ LỜI:

Chào em,

Câu hỏi của em không rõ ràng ở một điểm khá quan trọng : bị ăn không nhiều . Chúng tôi không rõ em muốn nói là không ăn nhiều được ( vì bụng to/tức bụng/đau bụng) hay là em đang chủ động ăn không nhiều ( sợ mập/sợ bụng to v.v...). Hai trường hợp này sẽ dẫn đến hai hướng suy luận hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là em cảm thấy bụng to không liên quan đến ăn uống . Nếu điều đó là đúng, phần nhiều là có một vấn đề nào đó.

Không hẳn đó là bệnh lý, em có thể chỉ thuần tùy là lên cân hoặc đơn giản là có thai ( em có nghĩ đến khả năng này chưa ? có thể em không tin nhưng có nhiều người không nghĩ mình có thai mãi cho đến tận lúc sinh bé mới biết) .

Ngược lại, nguyên nhân bệnh lý dẫn đến bụng to thì có 3 : có thể đó là do có nước trong bụng, do một khối u trong bụng ( đặc biệt là u nang buồng trứng- một khả năng hay gặp trong độ tuổi của em)  hoặc do bệnh lý tiêu hóa gây ứ hơi , đầy bụng.

Để tóm lại cho câu hỏi của em : Vâng, điều đó là bất bình thường và em nên đi siêu âm bụng có có hướng đánh giá ban đầu.

Thân chào!





#3730 Bị chảy máu cam không ngừng, cháu phải làm sao?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 22 Tháng 3 2018 - 09:57 AM trong Tổng quát

 

CÂU HỎI:
Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị chảy máu cam từ sáng đến giờ ạ cứ ngôi dậy là chảy máu vậy cho chau hỏi tình trạng bây giờ là sao ạ?

CÂU HỎI:
Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị chảy máu cam từ sáng đến giờ ạ cứ ngôi dậy là chảy máu vậy cho cháu hỏi tình trạng bây giờ là sao ạ?

TRẢ LỜI:

Chào cháu,

Người lớn chảy máu cam thường do cao huyết áp. Người trẻ chảy máu cam thường do tổn thương tại chỗ như polyp hay là u mạch máu. Nội soi mũi sẽ giúp chẩn đoán và xử trí các tổn thương này.

Cũng cần loại trừ việc bệnh nhân tự móc, cào mũi gây ra tổn thương niêm mạc mũi

Chảy máu nhiều quá cũng cần đi cấp cứu để cầm máu.

Thân chào!





#3514 Bị bứu máu ở trẻ .

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 19 Tháng 4 2016 - 10:59 AM trong Nhi Khoa

Câu hỏi.

Cho em hỏi bé nhà em từ lúc sinh ra có mấy chấm đỏ ở sau gáy, chấm dạng chìm trên da. Đó là cái gì và có ảnh hưởng đến sức khoẻ không ạ ?

Trả lời :
Theo mô tả của em thì khả năng bé em bị bướu máu. Bướu máu có rất nhiều dạng và nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể.

Tương lai có thể tự nó sẽ biến mất hoặc có thể ngày càng lớn dần theo thời gian. Để biết chính xác, chi tiết em nên đưa cháu tới khám, khi đó Bs mới kết luận nó có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của bé không.

Thân chào chị,

Chuyên khoa I - Nhi Khoa
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3573 Bệnh Sỏi Thận Đang Gia Tăng

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 16 Tháng 9 2016 - 10:26 AM trong Tiết niệu - Thận

Trước đây, các sách y khoa mô tả bệnh nhân điển hình bị sỏi thận là người da trắng, tuổi trung niên, béo phì do chế độ ăn không lành mạnh và không uống đủ nước. Hiện nay thì những cuốn sách này cần phải cập nhật lại. Một nghiên cứu mới cho thấy không những tỷ lệ người bị sỏi thận đang tăng mà những người trước kia được cho là ít có nguy cơ bị sỏi thận lại nằm trong số những bệnh nhân mới, bao gồm trẻ em, phụ nữ và người Mỹ gốc Phi.

 

Tại sao bị sỏi?

Sỏi thận hình thành do một số chất đặc trưng trong nước tiểu như canxi hay uric acid, dạng tinh thể. Những yếu tố giúp hình thành sỏi thận:

  • Chế độ ăn chứa nhiều đạm động vật, natri, và đường, uống ít nước.
  • Một số tình trạng như bệnh gút, tiểu đường và béo phì
  • Ảnh hưởng của thuốc, chẳng hạn thuốc bổ sung canxi
  • Tiền sử gia đình và di truyền – người trong nhà có thể bị sỏi thận mặc dù người ta vẫn chưa chắc chắn bệnh là do những yếu tố cụ thể như, cùng chung gen di truyền hay là sống cùng môi trường và cùng chung một chế độ ăn.

bigstock-Young-man-eating-a-healthy-sal-

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Trong khi việc tìm ra nguyên nhân cụ thể dường như bất khả thi thì bệnh sỏi thận khá phổ biến, ảnh hưởng khoảng 19% nam giới và 9% nữ giới ở độ tuổi 70.

 

Sỏi thận có nghiêm trọng không?

Thỉnh thoảng, người ta tình cờ phát hiện mình bị sỏi thận và cũng tự khỏi, không gây ra triệu chứng gì và chẳng cần điều trị. Nhưng khi sỏi kẹt ở đâu đó, nó sẽ làm bạn đau hay làm tắc dòng chảy nước tiểu. Sỏi có thể bị kẹt ở bất kỳ nơi đâu trong hệ thống tiết niệu, gồm thận, niệu quản (ống dẫn kết nối mỗi quả thận với bàng quang), bàng quang hay niệu đạo (ống thông nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Bạn có thể nghe nói “thoát sỏi thận” có thể gây đau đớn cùng cực – đó là khi sỏi làm tắc nghẽn trong niệu quản.

Bên cạnh cơn đau và những bất tiện khi tiểu tiện, người bệnh còn bị chảy máu và suy thận. Những viên sỏi gây tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và thậm chí liên quan đến bệnh tim mạch. Do đó, sỏi thận là bệnh nặng.

 

Tin mới

Một nghiên cứu mới đăng trên tờ Tạp chí Y khoa Hiệp hội Hoa Kỳ về Niệu Học mô tả một phân tích hơn 150.000 người ở Nam Carolina, những người này từng bị sỏi thận ở thời điểm nào đó giữa năm 1997 đến 2012. Những phát hiện chính của nghiên cứu:

  • Tần suất của sỏi thận tăng 16% trong suốt thời gian nghiên cứu.
  • Những ca sỏi thận tăng chủ yếu ở trẻ em, phụ nữ và người Mỹ gốc Phi.
  • Trong khi nam giới bị sỏi thận chiếm đa số (điều này đã ghi nhận trong quá khứ), thì con số những phụ nữ dưới 25 bị sỏi thận lại nhiều hơn.

Tại sao những ca sỏi thận tăng?

Nghiên cứu này và những nghiên cứu trước đây chưa biết nguyên nhân tại sao sỏi thận lại có chiều hướng tăng. Tỷ lệ tăng của bệnh béo phì có thể là nguyên do. Một khả năng khác có thể do thay đổi khí hậu vì khi nhiệt độ ấm hơn người ta càng dễ mất nước. Thực tế, không ai biết chính xác nguyên nhân là gì.

dua-bung-tieu-ra-mau-hiem-hoa-ung-thu-tu

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Vậy bạn có thể làm gì?

Nếu bạn có những triệu chứng của sỏi thận, nên đi gặp bác sĩ hay báo trực tiếp cho nhân viên phòng cấp cứu. Triệu chứng phổ biến nhất là những cơn đau ở lưng hay vùng bụng dưới, đau khi đi tiểu, hay có máu trong nước tiểu.

Nếu bạn được chẩn đoán bị sỏi thận, bạn cần tìm hiểu nguyên do tại sao (nếu có thể) và có biện pháp ngăn ngừa bệnh tái phát. Đến gặp bác sĩ và tư vấn về thay đổi chế độ ăn cũng như thuốc uống (hay phòng tránh). Chi tiết buổi tư vấn tùy thuộc vào loại sỏi và kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu.

 

Cần làm gì?

Cần nhiều nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân – hay những nguyên nhân – làm sỏi thận trở nên ngày càng phổ biến. Nếu chúng ta tìm ra nguyên nhân thì có cơ hội tìm ra những cách tốt hơn để phòng bệnh. Hãy tưởng tượng xem sỏi thận gây đau đớn và tiềm ẩn nguy hiểm ra sao, phòng bệnh là cách tốt. Hãy hỏi bất kỳ ai bị sỏi thận: nên phòng tránh trước nếu có thể.

 

Nhóm Biên Dịch Y Khoa, Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

Nguồn Harvard Health Publications

(Bản quyền các bài dịch thuộc về các dịch giả và yersinclinic.com. Mọi hành vi đăng lại, trích dẫn phải ghi rõ nguồn yersinclinic.com)

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.

 




#3632 Bệnh Rubella Và Dị Tật Bẩm Sinh Ở Trẻ Sơ Sinh

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 21 Tháng 12 2016 - 11:13 AM trong Tổng quát

Rubella là gì?

Rubella là bệnh sốt phát ban cấp tính do cơ thể nhiễm siêu vi Rubella qua đường hô hấp. Khi người bệnh Rubella ho hay hắt hơi, siêu vi từ đường hô hấp của người bệnh có thể lây truyền sang người khoẻ mạnh khác. Bệnh thường gặp vào những tháng mùa hè và ở những nơi tiếp xúc đông người như trường học, bệnh viện, nhà trọ, khu công nghiệp…

 

Triệu chứng bệnh nhẹ nhàng, ít ai chú ý

Biểu hiện bệnh bao gồm: sốt nhẹ vài ngày, phát ban ngoài da trong vòng 2 – 3 ngày, nổi hạch cổ và sau tai, đau khớp. Bệnh có thể xảy ra cho cả trẻ em và người lớn nếu chưa có miễn dịch bảo vệ. Đây là bệnh rất nhẹ nhàng, tự giới hạn và hiếm khi có biến chứng. Do đó, người bệnh thường không biết mình đã mắc bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người bệnh sẽ có miễn dịch bảo vệ lâu dài, hiếm có trường hợp nào mắc bệnh lần thứ hai.

 

Nguy cơ dị tật bẩm sinh cho trẻ nếu mẹ nhiễm bệnh khi mang thai

Nếu bệnh xảy ra trên một phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, thai nhi có thể gặp những tác hại nghiêm trọng. Siêu vi Rubella trong máu của người mẹ có thể truyền sang thai nhi qua đường nhau thai, gây nên tình trạng nhiễm Rubella kéo dài ở thai nhi, và từ đó có thể gây sẩy thai, sinh non hay dị tật bẩm sinh. Nguy cơ dị tật bẩm sinh càng nhiều nếu mẹ nhiễm Rubella lúc tuổi thai càng nhỏ: tỷ lệ dị tật thai nhi có thể lên đến 65 – 85% khi mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ. Những dị tật ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất là điếc, bệnh tim bẩm sinh, đục thuỷ tinh thể, viêm não, chậm phát triển tâm thần, động kinh, bất thường về xương…

Virus%20Rubella.PNG

Vi rút Rubella (Nguồn http://www.rkm.com.a...a/Rubella.html)

 

Biện pháp phòng bệnh

Vấn đề phòng bệnh rất quan trọng. Biện pháp chính là chích ngừa vắc-xin. Vắc-xin Rubella thường được kết hợp với các loại vắc-xin ngừa những loại bệnh khác, phổ biến nhất là vắc-xin MMR (Measles – Mumps – Rubella), để phòng ngừa 3 loại bệnh là sởi, quai bị và Rubella. Vắc-xin phòng bệnh Rubella có độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và đạt hiệu quả trong khoảng 95% người được tiêm ngừa. Để phòng ngừa bệnh Rubella, bạn chỉ cần tiêm 1 mũi vắc-xin MMR, 1 mũi vắc-xin này sẽ giúp bạn được bảo vệ lâu dài sau đó. Vì nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi khi mẹ nhiễm bệnh trong thời kỳ mang thai, do đó cần tiêm ngừa vắc-xin sớm cho tất cả phụ nữ trước khi họ có kế hoạch lập gia đình và mang thai. Cần lưu ý là không được tiêm vắc-xin cho phụ nữ đang mang thai và những người dự định có thai trong vòng 1 tháng sau đó.

 

Ở các nước phát triển, từ những năm 1970 cho đến nay, tất cả trẻ em đều được tiêm vắc-xin MMR sớm, khi trẻ đạt độ tuổi 12 – 15 tháng. Hiệu quả mang lại là bệnh Rubella và dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh do Rubella đã giảm đến mức rất thấp ở các quốc gia này. Ở Việt Nam, trong năm 2015, chương trình tiêm chủng mở rộng bắt đầu triển khai tiêm miễn phí vắc-xin phối hợp 2 bệnh sởi và Rubella cho trẻ: tiêm mũi sởi đơn khi trẻ được 9 tháng tuổi, sau đó tiêm mũi phối hợp sởi và Rubella khi trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài ra, trong năm 2014 – 2015, ngành y tế cũng triển khai chiến dịch tiêm ngừa miễn phí 1 mũi vắc-xin sởi và Rubella cho tất cả các trẻ từ 1 – 14 tuổi ở trường học hoặc trạm y tế xã/phường. Chắc chắn những chương trình này sẽ mang lại hiệu quả tốt trong tương lai. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bé gái trong lứa tuổi dậy thì và phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ chưa được tiêm ngừa vắc-xin trước đây. Do đó, những trường hợp này nên đến khám và tư vấn với bác sĩ về vấn đề chích ngừa Rubella. Bác sĩ có thể chỉ định tiêm vắc-xin cho bạn ngay hoặc bác sĩ có thể kiểm tra kháng thể Rubella IgG để xem bạn có miễn dịch bảo vệ với bệnh chưa (miễn dịch bảo vệ tự nhiên có được sau khi nhiễm bệnh trong quá khứ). Nếu kết quả Rubella IgG > 10 IU/L, bạn đã có miễn dịch bảo vệ nên không cần chích ngừa nữa. Khi kết quả ≤ 10 IU/L, bạn cần chích ngừa 1 mũi vắc-xin MMR.

 

Bác sĩ Yersin

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email info@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.




#3547 Bệnh lý về hồng cầu ở trẻ

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 30 Tháng 7 2016 - 08:38 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Cháu nhà em được 16 tháng, 8,5 kg sốt cao trong ba ngày, em cho đi khám Bác sĩ kết luận: Hồng cầu nhỏ nhược sắc hình bia và giọt nước. Bác sĩ cho em hỏi cách điều trị và bệnh này có nguy hiểm gì không? Cảm ơn Bác sĩ.

TRẢ LỜI

Xin chào bạn,

Có vẻ như cháu đang có 2 vấn đề riêng biệt.

  • Sốt
  • Bệnh lý hồng cầu, nhiều khả năng là Thalassemia.

Thật ra, bệnh Thalassemia thể nặng có thể gây ra những đợt tán huyết cấp và gây sốt. Đáng tiếc, số thông tin ít ỏi không giúp chúng tôi trả lời những câu hỏi sau đây:

  1. Cháu có đúng là bị Thalassemia không và mức độ thế nào?
  2. Cháu có thiếu máu không ? Có tán huyết không?
  3. Cháu có biểu hiện nhiễm trùng ở nơi nào khác không?
  4. Cuối cùng, sốt có phải do tán huyết hay do nguyên nhân nào khác ?

Không có thông tin, chúng tôi khó có thể biết là bệnh nặng hay nhẹ, và cũng không thể giải thích về điểu trị cần thiết. Bạn nên đặt các câu hỏi trên với BS điều trị để có câu trả lời chính xác.

Thân chào.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3584 Bệnh Lyme? Phương pháp chẩn đoán?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 10 2016 - 10:29 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ. Mình nghi là mình có triệu chứng của lyme disease giai đoạn thứ 2 hoạc 3 vì hầu như các triệu trứng đưa ra đều rất đúng và trước đây mấy tháng thì có bị bọ/ rệp cắn sưng to nhưng rồi lại khỏi sau 2-3 tuần. Cho mình hỏi ngoài xét ngiệm máu ra, có cách nào xét nghiẹm chuẩn đoán lyme disease ở Sài Gòn ko ? Cám ơn Bác sĩ rất nhiều ạ!

TRẢ LỜI

Chào em,

Chẩn đoán bệnh Lyme dựa vào 3 yếu tố: hồng ban di chuyển có dạng bia, tiền sử bị rệp cắn và kết quả thử máu.

Cần chú ý là các test thử máu có thể không nhạy và âm tính giả trong nhiều trường hợp, nhất là trong vài tuần sau khi bị cắn. Ngoài ra thử máu có thể gồm nhiều loại khác nhau. Ngoài thử máu, không có test nào khác em ạ.

Thân chào

 

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3586 Bệnh Lao Phổi của tôi có tái phát không?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 05 Tháng 10 2016 - 09:18 AM trong Tổng quát

CÂU HỎI

Dạ Chào Bác sĩ, em điều trị lao từ 29/04. Em bị lao lần đầu AFB + 3 (có ho ra máu), Bác sĩ kết luận em bị lao nặng và điều trị theo phác đồ 2RHZE (4RHZ, 3E). Em điều trị được 3 ngày thì bị dị ứng nổi mẩn đỏ hết người nên phải ngưng thuốc 1 tuần và 01/05 em lên Phạm Ngọc Thạch thử thuốc thêm 3 tuần nữa, sau đó cơ thể em bình thường lại và BV Phạm Ngọc Thạch chuyển về phường tiếp tục điều trị và em tiếp tục uống theo phác đồ cũ 4RHZ, 3E được 5 tháng thì kết thúc quá trình điều trị (từ 29/04 - 29/09). BS điều trị bảo em đã đủ số liều nên kết thúc quá trình điều trị được. Vậy bác sĩ chi em hỏi nếu vậy em đã khỏi hẳn chưa. và em dừng thuốc mới 1 tuần em bắt đầu ho lại (trong thời gian điều trị em đã hết ho hẳn) em có bị tái phát lại không. Mong các bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.


TRẢ LỜI

Chào em,

Đánh giá kết quả điều tri lao đáp ứng thường dựa vào các yếu tố sau đây:

  1. Tổn thương trên X quang phổi mất đi hay nhỏ lại và vôi hóa.
  2. Lâm sàng đáp ứng : hết sốt, hết mệt, lên cân, ăn ngon miệng.
  3. Xét nghiệm đàm sạch vi trùng, thử máu thấy không còn phản ứng viêm.

Bệnh nhân có thể đã có đầy đủ các đáp ứng trên sau một vài tháng điều trị nhưng uống đủ thời gian giúp không bị tái phát.

Một vài trường hợp bệnh nhân có thể vẫn còn vài di chứng như sẹo xơ ở phổi, hạch vôi hóa, dính màng phổi .... Chỉ với việc ho khan chút ít, không có cơ sở để cho rằng bệnh tái phát, đặc biệt nếu chỉ mới ngưng thuốc một tuần, nhiều khả năng chỉ là trùng hợp hoặc do một bệnh khác. Em chờ theo dõi thêm với bác sĩ điều trị nhé.

Thân chào.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3515 Bé đi cầu ra máu

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 19 Tháng 4 2016 - 11:08 AM trong Nhi Khoa

Câu hỏi:

Chào bác sỹ, bé nhà e nay 5 tháng 7 ngày tuổi cân nặng 6.7kg. Bé hay đi phân ra máu 1 ngày bé đi phân khoảng 4 5 lần, phân hơi lỏng mk có bọt, tình trạng bé đi phân ra máu kéo dài từ lúc bé 2 tháng tuổi máu hạt li ti hoặc vệt dài màu đỏ tươi, tình trạng phân có máu bé bị vài ngày rồi hết tồi lại tái diễn.nhưng hơn tuần nay máu trong phân bé tăng lên nhìu.

Hôm qua bé ói 1 lần và hôm nay bé ói 1 lần ói xong bé vẫn tươi tỉnh. bé ăn chơi ngủ binh thường. e có dẫn bé đi khám xét nghiệm phân nhưng bác sĩ kết luận bình thường và có cho men tiêu hóa uống nhưng k khỏi. bé e bú mẹ có dặm sữa ngoai ngày khoảng 120ml sữa ngoài. xin hỏi bác sỹ bé nhà e bị vậy là bị gi ạ. e cám ơn bác sỹ.

Trả lời :

Chào bạn,

Có 2 khả năng có thể xẩy ra:

Thứ nhất: có thể cháu bị dị ứng đạm sữa bò, phân có máu, thỉnh thoảng ọc sữa, cháu hay quấy, chậm tăng cân.

Thứ hai : Cần loại trừ nhiễm trùng đường ruột.

Em cần cho cháu đi khám để được tư vấn rõ hơn, tìm nguyên nhân điều trị, không để tình trạng kéo dài ảnh hưởng sức khỏe của cháu.

Chúc bé mau chóng hết bệnh,

Thân chào chị,

Chuyên khoa I - Nhi Khoa - Nguyễn Hải Thanh
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3572 Bé nổi nhiều hạt quanh cổ, lưng, bụng,...

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 13 Tháng 9 2016 - 08:30 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

Chào Bác sĩ, cháu nhà em được 14 tháng tuổi. Khi bé khoảng 12 tháng tuổi, sau gáy có nổi một số hạt (trong giống, thịt dư, mụn thịt) và trong 2 tháng gần đây, những hạt này nhảy mọc quanh cổ, số ít ở lưng và bụng. Bên trong những nốt này trắng trắng, nhìn không phải mủ. Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em, cháu nó đang mắc bệnh gì? Em hoang mang quá. Cảm ơn Bác sĩ rất nhiều.

TRẢ LỜI

Chào em. Có rất nhiều tổn thương da ở trẻ nếu chỉ mô tả sẽ không đánh giá đúng tình trạng bệnh lý. Theo như trường hợp em mô tả, tình trang cháu có hiện tượng lan ra xung quanh nhiều, em nên cho cháu đến khám Bác sĩ Chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác để có hướng điều trị kịp thời trước khi bệnh tình chuyển nặng hơn. Thân mến

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3528 Bé không đi ngoài được ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 03 Tháng 6 2016 - 08:22 AM trong Bệnh thường gặp ở trẻ

CÂU HỎI

Xin chào Bác sĩ.

Bé nhà con hiện được 7 tuổi. Tình hình là hơn 15 ngày nay, bé không đi ngoài được. Con có cho bé uống Sorbiton mà vẫn không thấy hiệu quả. Xin Bác sĩ tư vấn giúp con ạ. Cám ơn Bác sĩ rất nhiều.

 

TRẢ LỜI

Chào em,

Đầu tiên, em nên xem lại chế độ ăn của cháu có đầy đủ các thành phần: Bột, đạm, rau củ quả và dầu ăn chưa. Ngoài ra, thời tiết nóng bức như hiện nay khiến cơ thể của cháu tiết nhiều mồ hôi, dễ mất nước nên cần cho bé uống đủ nước, ít nhất 2 lít/ ngày (bao gồm sữa, nước trái cây,...).
Tiếp theo, em kiểm tra xem phân của cháu có cứng quá không, cháu có bị đau mỗi lần đi ngoài hay cháu có tâm lý sợ khi đi ngoài không (chảng hạn vì sợ bẩn, vì ham chơi,...). Bác không biết tiền sử trước đó như thế nào để có thể tư vấn rõ hơn cho cháu.
Ngoài ra, Sorbitol là thuốc nhuận tràng thường dùng theo thói quen để trị táo bón. Chúng ta không nên lạm dụng thuốc này vì có thể sẽ có tác dụng ngược lại. Nếu cháu đã dùng Sorbitol mà vẫn chưa đi ngoài được thì em nên sớm đưa cháu đến phòng khám để Bác sĩ tư vấn và có chẩn đoán điều trị thích hợp nhất.

Thân chào em,

 

BS. Nguyễn Hải Thanh -  Chuyên khoa I - Nhi Khoa
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3664 Bé bị đau bụng đi ngoài phải làm sao?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 04 Tháng 7 2017 - 09:15 AM trong Nội soi -Tiêu hóa

CÂU HỎI:
Xin hỏi Bác Sĩ, con tôi sinh năm 2004, cháu bị virus HP, đã điều trị nhưng không hết. Cháu thỉnh thoảng bị đau bụng ở phần thượng vị, thỉnh thoảng đau cầu nhưng khi vào toilet thì không đi được, đôi khi đi cầu ngày 2 hoặc 3 lần, lúc phân lỏng, lúc bón. Xin hỏi Bác Sĩ con tôi có bị đại tràng không và điều trị như thế nào. Có cần nội soi đại tràng không hay phải làm các xét nghiệm gì để tìm ra bệnh, ở tuổi cháu nếu nội soi đại tràng có được không. Xin cảm  ơn bác sĩ.
Chào bạn,
Rất tiếc là chỉ bằng vài dòng mô tả đơn sơ, không có bác sĩ nào có thể đưa ra một chẩn đoán xác định cho bạn cả. Một vài thông tin có thể tạm khẳng định như sau :
1.Nếu cháu có HP và có đau thượng vị, bạn nên tìm cách điều trị dứt hẳn cho cháu. Tình trạng viêm lâu ngày do HP có thể dẫn đến teo niêm mạc, rất khó hồi phục về sau. Các bác sĩ chuyên khoa có thể phải dùng những phác đồ mạnh hoặc cần đến kháng sinh đồ, ngưng luôn luôn có cách giải quyết. Bạn đừng bỏ qua nhé.
2.Tình trạng rối loạn tiêu hóa bạn mô tả có thể là biểu hiện của bệnh đại tràng, nhưng cũng có thể là triệu chứng của nhiễm HP. Bạn nên giải quyết vấn đề HP trước, có thể các triệu chứng này sẽ cải thiện. Nếu không cải thiện, lúc đó sẽ cân nhắc đến khả năng điều trị đại tràng.
3.Bạn cần làm các xét nghiệm máu tổng quát và xét nghiệm phân để tìm máu và các ký sinh trùng đường ruột. Riêng về nội soi, ở tuổi cháu vẫn có thể làm nội soi tuy chúng tôi cho rằng hiện tại vẫn chưa có chỉ định. Chỉ sau khi tiệt trừ HP, xét nghiệm và điều trị rối loạn tiêu hóa luông đem lại kết quả, nội soi có thể chỉ định để tìm tổn thương.
Thân chào.

CÂU HỎI:

Xin hỏi Bác Sĩ, con tôi sinh năm 2004, cháu bị virus HP, đã điều trị nhưng không hết. Cháu thỉnh thoảng bị đau bụng ở phần thượng vị, thỉnh thoảng đau cầu nhưng khi vào toilet thì không đi được, đôi khi đi cầu ngày 2 hoặc 3 lần, lúc phân lỏng, lúc bón. Xin hỏi Bác Sĩ con tôi có bị đại tràng không và điều trị như thế nào. Có cần nội soi đại tràng không hay phải làm các xét nghiệm gì để tìm ra bệnh, ở tuổi cháu nếu nội soi đại tràng có được không. Xin cảm  ơn bác sĩ.

 

TRẢ LỜI:

Chào bạn,Rất tiếc là chỉ bằng vài dòng mô tả đơn sơ, không có bác sĩ nào có thể đưa ra một chẩn đoán xác định cho bạn cả. Một vài thông tin có thể tạm khẳng định như sau :

1.Nếu cháu có HP và có đau thượng vị, bạn nên tìm cách điều trị dứt hẳn cho cháu. Tình trạng viêm lâu ngày do HP có thể dẫn đến teo niêm mạc, rất khó hồi phục về sau. Các bác sĩ chuyên khoa có thể phải dùng những phác đồ mạnh hoặc cần đến kháng sinh đồ, ngưng luôn luôn có cách giải quyết. Bạn đừng bỏ qua nhé.

2.Tình trạng rối loạn tiêu hóa bạn mô tả có thể là biểu hiện của bệnh đại tràng, nhưng cũng có thể là triệu chứng của nhiễm HP. Bạn nên giải quyết vấn đề HP trước, có thể các triệu chứng này sẽ cải thiện. Nếu không cải thiện, lúc đó sẽ cân nhắc đến khả năng điều trị đại tràng.

3.Bạn cần làm các xét nghiệm máu tổng quát và xét nghiệm phân để tìm máu và các ký sinh trùng đường ruột. Riêng về nội soi, ở tuổi cháu vẫn có thể làm nội soi tuy chúng tôi cho rằng hiện tại vẫn chưa có chỉ định. Chỉ sau khi tiệt trừ HP, xét nghiệm và điều trị rối loạn tiêu hóa luông đem lại kết quả, nội soi có thể chỉ định để tìm tổn thương.

Thân chào.





#3698 Bé bị đau bụng âm ỉ không dứt?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 15 Tháng 11 2017 - 10:44 AM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI:

Con gái tôi sinh tháng 01/1999 Cháu bị đau tức bụng âm ỉ khoảng 1 tuần nay, đã khám ở bv Y dược , BS khám cho kết quả viêm dạ dầy hp(-), IBC VÀ CHO THUỐC. NEXIUM20mg, ELTHON50mg , DUSPATALIN20mg ,PENTASA500mg ,SPASMAVERINE. , DOMATIL. Sau uống 3 ngày thì cháu đau nhiều hơn Tôi muốn bác sỹ tư vấn giúp có nên cho cháu khám lại như thế nào và thuốc như vậy làm cho đau hơn liệu có phải do thuốc gây ra không , có nên tiếp tục dùng tiếp hay ngưng lại Tôi rất lo lắng mong được tư vấn ( Đơn thuốc xử dụng trong 14 ngày ) Xin cảm ơn!

Con gái tôi sinh tháng 01/1999 Cháu bị đau tức bụng âm ỉ khoảng 1 tuần nay, đã khám ở bv Y dược , BS khám cho kết quả viêm dạ dầy hp(-), IBC VÀ CHO THUỐC. NEXIUM20mg, ELTHON50mg , DUSPATALIN20mg ,PENTASA500mg ,SPASMAVERINE. , DOMATIL.

Sau uống 3 ngày thì cháu đau nhiều hơn Tôi muốn bác sỹ tư vấn giúp có nên cho cháu khám lại như thế nào và thuốc như vậy làm cho đau hơn liệu có phải do thuốc gây ra không , có nên tiếp tục dùng tiếp hay ngưng lại Tôi rất lo lắng mong được tư vấn ( Đơn thuốc xử dụng trong 14 ngày)

Xin cảm ơn!

TRẢ LỜI:

Chào em,

Chẩn đoán phức tạp bao gồm cả bệnh đường tiêu hoá trên và dưới. Các thuốc dùng nhiều loại với các cơ chế khác nhau, kháng viêm, kháng tiết, kháng co thắt v.v...

Có thể tóm tắt vấn đề trong vài chữ : không đáp ứng điều trị. Chúng tôi không thể xác định lý do nhưng em có thể trở lại yêu cầu bác sĩ xem lại hoặc đổi một bác sĩ khác.

Chúc em mau khoẻ!





#3710 Bé bị thiếu máu hồng cầu nhỏ?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 19 Tháng 12 2017 - 09:17 AM trong Nhi Khoa

 

CÂU HỎI (nguyễn hương  - Nữ - 1987):
Chào bác sỹ, con gái e 14 tháng tuổi, chế độ ăn uống tốt nhưng cháu chỉ có 8,2kg đi xét nghiệm máu 2 lần tại bệnh viện tỉnh lào cai đều cho kết quả bị hồng cầu nhỏ. e muốn hỏi xem bệnh này có nguy hiểm k? và e nên cho con đi khám tại bệnh viện nào dưới hà nội? Cảm ơn bác sỹ.

CÂU HỎI:
Chào bác sỹ, con gái e 14 tháng tuổi, chế độ ăn uống tốt nhưng cháu chỉ có 8,2kg đi xét nghiệm máu 2 lần tại bệnh viện tỉnh lào cai đều cho kết quả bị hồng cầu nhỏ. e muốn hỏi xem bệnh này có nguy hiểm k? và e nên cho con đi khám tại bệnh viện nào dưới hà nội? Cảm ơn bác sỹ.

TRẢ LỜI:

Chào em,

Cháu nên đi khám Bệnh viên nhi . Việc hồng cầu nhỏ có thể đi kèm hay không kèm với thiếu máu và để biết có nguy hiểm không, cần phải biết mức độ thiếu máu nhiều ít và nguyên nhân gây nên hồng cầu nhỏ là gì. Đơn giản nhất, các cháu từ 1-2 tuổi hay bị thiếu sắt nếu như sinh non hay bú sữa bình sớm quá sớm kèm bổ sung sắt không đủ. Trong trường hợp đó, chỉ cần thêm sắt trong khẩu phần ăn của cháu là đủ. Nếu nguyên nhân hồng cầu nhỏ là do bệnh huyết sắc tố, cần định danh bệnh và làm thêm một số xét nghiệm huyết học trước khi có tư vấn chính xác  ..

Chúc hai mẹ con khỏe!





#3706 Bé bị suy dinh dưỡng, cơ tay chân yếu ớt - Nguyên nhân là gì?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 24 Tháng 11 2017 - 08:20 AM trong Nhi Khoa

 

CÂU HỎI:
Bé nhà em tiêm trước lịch ít nhất 6 tháng,12 tháng tuổi mà tiêm loại thuốc 5 trong 1. Loại thuốc trẻ ít nhất 18-24 tháng tuổi mới được tiêm,Giờ cháu 3 tuổi ma 11.5 ký, tay và chân của bé rất nhỏ,và đi lại rất yếu,chỉ cần đụng nhẹ là cháu ngã. Và em có đưa cháu đi khám tổng quát kết luận cháu bị yếu cơ phần xa 2 chân tay. Dạ bác sĩ tư vấn giúp cháu về tình trạng của bé với ạ.

CÂU HỎI:
Bé nhà em tiêm trước lịch ít nhất 6 tháng,12 tháng tuổi mà tiêm loại thuốc 5 trong 1. Loại thuốc trẻ ít nhất 18-24 tháng tuổi mới được tiêm,Giờ cháu 3 tuổi ma 11.5 ký, tay và chân của bé rất nhỏ,và đi lại rất yếu,chỉ cần đụng nhẹ là cháu ngã. Và em có đưa cháu đi khám tổng quát kết luận cháu bị yếu cơ phần xa 2 chân tay. Dạ bác sĩ tư vấn giúp cháu về tình trạng của bé với ạ.

TRẢ LỜI:

Xin chào bạn,

Trước hết, bạn không nên tự trách mình về vấn đề vaccin. Việc chích ngừa không đúng thời điểm sẽ làm giảm đáp ứng miễn dịch và không cung cấp được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, nhưng ít khi nào gây tác dụng xấu trong quá trình phát triển của trẻ. Các vấn đề của bé hiện nay chưa rõ ràng nhưng các triệu chứng mà bạn mô tả phù hợp với trạng thái suy dinh dưỡng. Tuy không rõ là bé gái hay trai nhưng ở mức 3 tuổi, cân nặng bình thường là từ 13-16kg.

Cũng xin lưu ý bạn là chúng ta chưa biết nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở bé, có thể do chế độ ăn hay do một bệnh mãn tính khác. Cần khám lâm sàng và làm thêm nhiều xét nghiệm nữa để tìm nguyên nhân.

 





#3524 Bé bị phản ứng nặng (sốc phản vệ) sau khi tiêm Quinvaxem

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 12 Tháng 5 2016 - 01:55 PM trong Nhi Khoa

CÂU HỎI

Chào bác sĩ! Bs cho em hỏi bé nhà em lúc 2,5tháng đã tiêm vacxin quinvaxem nhưng bị sốc phản vệ : Cơ thể tím tái,khó thở. Nhưng được cứu chữa kịp thời nên qua khỏi, Giờ bé nhà em có thể tiêm vacxin pentaxim được không ah?

Mong bác  trả lời thắc mắc này của em. Xin chân thành cảm ơn. Trân trọng !

( Hoàng thị hoài phương)

TRẢ LỜI

Xin chào bạn

Bé bị phản ứng nặng (sốc phản vệ) sau khi tiêm Quinvaxem mà không xác định được chắc chắn, rõ ràng nguyên nhân sốc với thành phần nào trong vacxin Quinvaxem thì sẽ phải hết sức thận trọng khi chỉ định tiêm các vacxin có thành phần tương tự (vd Pentaxim), phản ứng sốc vẫn có thể xảy ra.

Vì vậy bé của em không được chỉ định rộng rãi để tiêm vacxin Pentaxim, phải xem xét, cân nhắc lợi và hại khi dùng vacxin này.

Chúc bé mau chóng hết bệnh,

Thân chào chị,

BS. Nguyễn Hải Thanh -  Chuyên khoa I - Nhi Khoa
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin




#3644 Bé 4 tuổi cần tiêm nhắc những mũi nào?

Đã gửi bởi BS YERSIN trong 15 Tháng 2 2017 - 09:35 AM trong Chủng ngừa - Tiêm phòng

CÂU HỎI

Dạ thưa bác sĩ, bé nhà em được 4 tuổi từ khi sinh ra, bé đã được tiêm ngừa đủ trong chương trình mở rộng và tiêm các mũi dịch vụ như thủy đậu, quai bị, viêm màng não, viêm phổi, cúm, viêm màng não do não mô cầu, viêm não nhật bản. Vậy giờ có cần tiêm nhắc mũi nào trong chương trình mở rộng không ạ? Cảm ơn Bác sĩ!

TRẢ LỜI

Chào em,

Nếu cháu đã tiêm đủ các mũi vaccin như trên, trong khoảng từ 4 - 6 tuổi cháu cần nhắc lại vaccin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt (còn gọi là vaccin 4 trong 1), vaccin Sởi - Quai bị - Rubella, vaccin Thủy đậu. Các vaccin như Viêm não nhật bản, Viêm màng não do não mô cầu nhắc lại sau mỗi 3 năm. Chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ áp dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Thân mến,

Trưởng Khoa Nhi, Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Thanh

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin





Hội thảo chuyên môn

Gửi câu hỏi